Thursday, April 18, 2024

Tìm lại ‘Cà phê Ðô Mi Nô’ Ðà Lạt

 


Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


ÐÀ LẠT –Trước 30 tháng 4, 1975, cà phê Ðô-mi-nô là nơi không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của dân ghiền cà phê Ðà Lạt. Khách lưu trú, khách vãng lai tới thành phố xứ hoa đào cũng không quên tìm tới cà phê Ðô-mi-nô.









Dãy quán cóc này, hơn 36 năm trước là cà phê Ðô Mi Nô. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Cà phê Ðô-mi-nô là tên gọi chung dãy quán cóc chạy dọc dài suốt phía trước mặt bến xe Ðà Lạt đi Tùng Nghĩa, huyện Ðức Trọng vì Ðô-mi-nô là tên gọi quán đầu tiên của dãy quán cóc ấy.


Khu vực này sát cạnh trung tâm thành phố là Khu Hòa Bình, và ở phía trên chợ Ðà Lạt, lối có bậc cấp dẫn lên khoảng diện tích rộng rãi kề bên Khu Hòa Bình, nơi hiện nay bày bán quần áo cũ gọi là “đồ si-đa.”


Sau 30 tháng 4, dãy quán cóc thay ngôi đổi chủ, trở thành dãy quán tiệm kinh doanh các thứ: hàng ăn, tiệm tạp hóa…; trong đó cũng có vài quán cóc chuyên cà phê-giải khát như thuở trước. Tuy nhiên, cả hình dạng lẫn không khí dãy quán cóc cà phê Ðô-mi-nô đã mất tích.


Hôm nay, nhìn vào dãy cà-phê-Ðô-mi-nô xưa, chỉ thấy cái nhốn nháo của một khu vực buôn bán, người và xe gắn máy chen chúc lộn xộn; đối diện một bến dừng xe buýt đợi khách giữa Ðà Lạt và các huyện lỵ lân cận, thuộc tỉnh Lâm Ðồng.


Cà phê Ðô-mi-nô thuở trước là một dáng vẻ đặc thù phố núi se lạnh, thấy được sự thân mật đầm ấm và giản dị. Khách uống cà phê ngồi sát bên nhau trên những chiếc ghế gỗ dài, chuyện trò vui vẻ. Tùy theo ý thích, có lẽ chủ yếu do hợp với chủ quán, mà khách chọn quán này hay quán kia để uống cà phê, trong những quán cóc bày biện đều đặn và khá giống nhau; những quán diện tích nhỏ hẹp, mái lợp tựa vào tường sau của dãy nhà phố cửa mở ra Khu Hòa Bình.


Thuở đó tôi thường uống cà phê tại quán chị Năm Huệ, ở khoảng giữa của dãy quán cóc cà phê Ðô-mi-nô. Khách ngồi uống cà phê thường xuyên ở quán chị Năm Huệ là những sinh viên có “máu văn nghệ”; có chàng làm thơ viết văn đã được chọn đăng báo văn nghệ ở Sài Gòn.


Phạm Công Thiện, thuở đó dạy Anh ngữ tại trường Việt Anh, một trường trung học tư thục của Ðà Lạt; khi nào không đủ tiền uống cà phê ở quán cà phê Tùng, ông ngồi quán cóc của chị Năm Huệ.


Nhiều sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, trường Chiến Tranh Chính Trị, vào ngày nghỉ mỗi cuối tuần, rất thích ngồi chen chúc uống cà phê ở quán cóc chị Năm Huệ. Các anh phải cất công thay bộ lễ phục của sinh viên sĩ quan, phục sức như mọi thường dân để ngồi quán cóc; vì quy định về quân phong quân cách của hai quân trường này không cho phép sinh viên sĩ quan ngồi quán bình dân.


Mỗi lần nhớ tới quán cóc chị Năm Huệ, tôi lại nao lòng trước hình ảnh Phạm Công Thiện hiện lên: ông đã ứa nước mắt vì không kịp đưa tiền cho cha mua vé xe đò về Sài Gòn. Tôi nhớ như in trong trí ngày hôm ấy: Phạm Công Thiện đang ngồi ở quán cóc cà phê chị Năm Huệ, thì thân phụ ông tìm ông để lấy tiền mua vé xe. Trong túi Phạm Công Thiện không có đủ số tiền, ông tất tả đi mượn. Chờ lâu quá Phạm Công Thiện chưa trở lại, cha ông tự đi mượn tiền ở đâu đó; lúc Phạm Công Thiện mượn được tiền, trở lại quán chị Năm Huệ thì không thấy cha đâu. Chuyện này, sau đó nhiều năm, Phạm Công Thiện đã kể lại trong quyển sách ông viết về Henry Miller.


Nhắc tới quán cóc chị Năm Huệ, chúng tôi cũng xúc động nhớ tới nhạc sĩ quá cố Nguyễn Ðức Quang. Thuở trước, ông thường ngồi uống cà phê quán cóc của chị Năm Huệ, mỗi lúc từ Sài Gòn lên Ðà Lạt. Sau này, khi Nguyễn Ðức Quang từ Mỹ dẫn đoàn sinh viên y khoa Mỹ gốc Việt về Việt Nam làm từ thiện, ông ghé Ðà Lạt; ngẫu nhiên gặp tôi, ông hỏi tôi rằng không biết chị Năm Huệ bây giờ còn sống hay đã mất.


Tôi thỉnh thoảng trở về Ðà Lạt, cũng không biết chị Năm Huệ bây giờ ra sao. Mới vài tháng trước, tôi vào uống cà phê ở một quán cóc trên đường Phan Bội Châu; hóa ra chị Năm Huệ đứng bán cà phê ở đây. Một nỗi bùi ngùi ập đến: Nguyễn Ðức Quang hỏi thăm chị Năm Huệ còn sống hay đã mất; tôi gặp chị còn đứng bán cà phê khi người nhạc sĩ đã qua đời!


Tôi nhận ra ngay chị Năm Huệ, dù đã không gặp chị từ gần nửa thế kỷ. Quán nhỏ hẹp, chỉ như cạnh rìa của một ngôi nhà; hình như không mang số nhà nữa, nhưng có bảng hiệu “Cà phê-Giải khát Bà Năm.” Ðối diện quán cóc của chị Năm Huệ, là văn phòng của hãng xe Thành Bưởi (số 33 đường Phan Bội Châu), chạy tuyến đường Ðà Lạt-Sài Gòn.


Quán Bà Năm, tức chị Năm Huệ, nhỏ hẹp; khách ngồi chen chúc y hệt thuở trước, khi chị Năm Huệ đứng bán ở quán cóc thuộc dãy cà phê Ðô-mi-nô. Cũng may quán cóc ở liền kề một con hẻm cụt, cửa quán mở được ra hai phía; có thể bày thêm một cái bàn vài cái ghế xuống rìa lòng con hẻm. Lúc nào tôi vào uống cà phê quán Bà Năm, cũng thấy khách đông tràn xuống con hẻm; và trước mặt quán, tất nhiên khách ngồi thường trực ở hai-ba bộ bàn ghế bày trên vỉa hè.


Bàn ghế quán Bà Năm cùng dạng bàn ghế ở hầu hết quán cà phê bình dân của Ðà Lạt: ghế đẩu thấp nhỏ hoặc ghế dài; bàn thường làm bằng gỗ tạp, bọc giả da (simili) màu nâu, nghĩa là xoàng xĩnh rẻ tiền. Nhưng ngồi uống cà phê ở đây thật vui, thật thoải mái dù chật chội. Khách ngồi ở rìa lòng con hẻm, thỉnh thoảng phải đứng lên, thu xếp bàn ghế gọn lại, để xe gắn máy thồ hàng ra vào không đụng chạm.










Quán cà phê của bà Năm Huệ. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Chị Năm Huệ có người em là chị Sáu phụ việc, chuyên pha chế cà phê. Tôi hỏi: “Chị Năm là chị Năm Huệ, còn chị Sáu là chị Sáu gì?” Chị Sáu nói nhỏ nhẹ: “Chẳng là Sáu gì hết, chỉ là Sáu em bà Năm thôi. Còn hồi đó, ở dãy cà phê Ðô-mi-nô có bà Sáu cà phê Tùng; bả là chủ cái quán mang tên Ðô-mi-nô đó.” Nghĩa là, bà vợ ông Tùng chủ quán cà phê Tùng, làm chủ quán cóc cà phê Ðô-mi-nô.


Ngồi uống cà phê quán cóc Bà Năm, ngẫm như thể dãy cà phê Ðô-mi-nô hôm nay còn lại một chút này mà thôi, một giọt cà phê đọng ở đáy ly.


Cà phê Ðà Lạt hôm nay, nếu người ta ghi nhận vào bộ nhớ, hẳn sẽ ghi nhận dãy cà phê sang trọng hiện đại, nằm xuôi con dốc từ Khu Hòa Bình xuống bờ hồ Xuân Hương. Ðấy là những quán cà phê đẹp đẽ, nhìn xuống con đường dốc Lê Ðại Hành. Nếu dãy cà phê Ðô-mi-nô bình dân thuở trước tồn tại, sẽ là đối trọng cân xứng của dãy cà phê sang trọng nói trên; thì Ðà Lạt sẽ có cái vẻ đặc sắc phong phú hơn. Nhưng bây giờ nó như thế là nó như thế!

MỚI CẬP NHẬT