Thursday, March 28, 2024

Từ Sông Tranh 2 đến điện hạt nhân Ninh Thuận



                                 Ninh Bình/Người Việt


 


Ở Việt Nam có những công trình, dự án sau vài năm đi vào hiệu lực sẽ “bỗng dưng nóng” dư luận. Cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan đều được đem ra “đánh lận con đen” hòng phủi trách nhiệm.









Những người dân sống xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh vẫn ngập chìm trong nghèo khó và hiểm nguy rình rập hàng ngày. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)


Người dân thấp cổ bé họng họ biết tỏng, nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt.” Ðến nỗi điều này tạo nên một tiền lệ phổ biến, ậm ờ dung túng và cam đành sống chung với lãng phí cố tình, tâm thực dụng nhỏ nhen…


Cuối cùng chỉ mỗi nhóm nhỏ là được hưởng lợi lớn, còn cộng đồng lớn khó khăn thì hoàn khó khăn, “ngậm ngùi” gồng gánh nỗi buồn cộng sinh và nợ nần khổng lồ từ những kẻ cầm quyền đẩy xuống.


 


Từ thủy điện Sông Tranh 2


 


Thời gian qua, thủy điện Sông Tranh 2 “nổi sóng” dư luận về phía nó vì khả năng ảnh hưởng đến hơn 40,000 tính mạng người dân đang sinh sống chung quanh. Ðó thực sự là chuyện lớn nhất trong chuỗi chuyện lớn liên quan, xứng đáng phải đem lên bàn “giải phẫu.”


Trong khi động đất, thời gian tới chắc chắn còn và có thể mạnh hơn, vì không ai dám đảm bảo những lần động đất vừa qua là cực đại cả. Ðến giờ phút này đập Sông Tranh 2, vẫn còn “đứng vững” trước nhiều cường độ, dư chấn liên tiếp xảy ra, thực sự là một phép màu.


Việc ông bộ trưởng Bộ Xây Dựng trả lời cử tri cả nước nói chung và cử tri tỉnh Quảng Nam nói riêng trong phiên chất vấn ở nghị trường Quốc Hội vừa rồi là cách cư xử mang dáng dấp truyện cổ tích.


Giả dụ trong một mô típ cổ tích Việt Nam, có đưa ra và hóa giải tình huống: “Khi nhân vật chính lâm vào khó khăn, phiền muộn thì sẽ xuất hiện ông Bụt đến bên cạnh và hỏi: ‘Tại sao con khóc?’; sau đó với phép màu nhiệm của đấng thần thánh, Bụt đã đem lại nhiều niềm vui, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống tương lai.”


Còn ông bộ trưởng chỉ là người phàm mắt thịt, cho nên hơn 40,000 nhân vật chính chung quanh đập, mở nguyện chay trường cầu xin cho lời “ông Bụt” bộ trưởng linh ứng lạ thường, đừng có động đất cường độ nhiều hơn, kẻo cỏ cây bé nhỏ đi tong hết.


Chợt nhớ, người ta đã huy động tiền của to lớn nhường nào của nhân dân để xây thủy điện tràn lan. Người ta cũng dùng lời ngon ngọt biết bao để dân đen hiến đất làm thủy điện.


Ở Sông Tranh 2, người ta tích nước trái tự nhiên, thu tiền điện gần hai năm với khoản lợi nhuận kếch xù. Nhưng khi động đất liên tục xảy ra, tài sản người dân bị hư hỏng nặng, họ yêu cầu được đền bù để khắc phục hậu quả do thủy điện gây ra thì người ta lại đi so đo từng vết nứt, tính toán từng đồng từng cắc với ân nhân mình. Mặc dù mức đền bù chẳng là bao nhiêu, chỉ đáng một, hai ngày thu tiền điện mà thôi.


Lỗi ở thủy điện Sông Tranh 2 đã quá rõ ràng. Nhất là ở khâu khảo sát, thăm dò địa chất. Cách đây chưa lâu, Viện Vật Lý Ðịa Cầu đưa ra kết luận, trước khi xây thủy điện, nơi đây chỉ có vài trận động đất nhỏ, đến nay tầng suất động đất liên tục. Nó gây hoảng loạn và căng thẳng thần kinh liên miên cho người dân sống bên cạnh.


Cách khắc phục lỗi đập không đơn giản một chút nào. Và việc xác định trách nhiệm, chắc cũng gian nan, vất vả không kém. Ông bộ trưởng vội vã khẳng định “Sông tranh 2 vẫn rất an toàn” là đang cố vớt vát và trấn an địa vị chính mình thì đúng hơn, chứ người dân không dại dột gì mà nghe theo lời ‘người lạ,’” vì ai biết được chuyện gì sẽ xảy đến dưới lòng đất đang bất ổn kia nay mai.


 


Nhìn về điện hạt nhân Ninh Thuận


 


Hiện trạng Việt Nam là hiện trạng chấp vá cộng với các giải pháp “mì ăn liền,” từ thượng tầng ngang dọc, chồng chéo xuống hạ tầng. Ðiều đó dễ gây nguy hại và tác động lớn lao đến mọi thành quả đã đạt được trong quá khứ. Ðất nước cần nhìn thấy lúc này là sự xuất hiện của các bậc thầy kiến trúc cho tổng thể lĩnh vực, hài hòa, hội nhập và phát triển.


Nhưng từ lâu, Việt Nam đã tạo đòn bẩy lợi ích nhóm vô đối, khuyến khích một xã hội bằng cấp và hướng người dân chạy theo đồng tiền một cách bạt mạng.


Lợi ích nhóm thì sừng sững đó, ý tưởng gì đem lại lợi nhuận thì họ “vẽ” ra thôi, hậu quả gần xa chỉ đất nước đáng thương tự giải quyết. Bằng cấp trong một xã hội đầy rẫy vấn nạn giáo dục là tấn bi kịch trệu trạo của quốc gia, nhiều hoài nghi và gây cô đơn mặc cảm với mặt bằng tri thức nhân loại. Thực trạng đồng tiền trở thành đích ngắm tuyệt đỉnh, uy quyền tuyệt đối, khiến xã hội rơi vào bong bóng quỹ đạo vô cực trong một đất nước teo tóp ngân sách và ảm đạm nhân tình.


Ở Việt Nam, họa sĩ là những nghệ sĩ vẽ bằng cây cọ, đã trở thành khái niệm cũ. Ðương thời, có sự xuất hiện của các “họa sĩ” chuyên vẽ bằng tiền, thân cận và bôi trơn bộ máy chính quyền các cấp cũng bằng tiền.


Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (ÐHN Ninh Thuận) là một trong những câu trả lời hoàn mỹ.


Ninh Thuận xưa nay nổi tiếng là vùng nắng gió bậc nhất cả nước, địa chất cũng bất ổn so với Sông Tranh 2. Thủy điện này là dự án được đáp xuống nhẹ nhàng và êm xuôi, chỉ khi xuất hiện vết rỉ, lưu lượng nước lớn tuôn xối xả ở thân đập thì dư luận cả nước mới chú trọng nó. ÐHN Ninh Thuận ngược lại, luôn luôn nóng. Vì sao vậy?


Tình trạng chung của Việt Nam là làm việc gì bất kể, không chóng thì chày cũng xảy ra chuyện. Con đường vài năm lại vá víu. Chiếc cầu vài năm lại nứt nẻ. Hầm cống vài trận mưa là ngập lụt. Huống hồ là ÐHN. Ngay cả đội ngũ đảm trách xây dựng ÐHN Ninh Thuận, đất nước họ cũng đã từng không an toàn, di sản vẫn đó còn lăm le chết chóc đến ngày nay. Có thể kinh nghiệm họ có, nhưng không ai nói trước được điều gì. Thêm nữa, chuyện rút ruột ở công ty con của Rosatom lại đánh động nỗi niềm của chúng ta.


Mặt khác, xây dựng ÐHN Ninh Thuận là đụng chạm vấn đề dân tộc-tôn giáo nhạy cảm. Người Chăm, tộc người bản địa, với hệ thống đền tháp tôn giáo tín ngưỡng và cộng đồng tập trung đông đúc sẽ nghĩ ngợi gì?










Thôn Vĩnh Trường, tỉnh Ninh Thuận, nơi sẽ lập nhà máy điện hạt nhân số 1. (Hình: Ninh Bình/Người Việt)


Một cái thủy điện nhỏ, cách hành xử đã rất kém. 40,000 tính mạng người dân ngày đêm phấp phỏng ăn không ngon, ngủ không yên. Huống hồ là ÐHN.


Loại trừ cái thủy điện gây nguy hiểm cho “quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc” của người dân là quyết sách tối cao vào lúc này.


Loại trừ ÐHN Ninh Thuận còn là quyết sách an dân nhất, tiết kiệm nhất và đón nhận cái nhìn thiện cảm nhất từ dư luận thế giới.

MỚI CẬP NHẬT