Thursday, March 28, 2024

Xuân về trong cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ

Mỗi nơi mỗi sắc góp mừng Tết đến


 


Ngọc Lan/Người Việt


WESTMINSTER (NV)Hôm nay đã là 25 Tháng Chạp, Tết này không có 30, nên chỉ còn bốn ngày nữa là năm Nhâm Thìn sẽ bắt đầu. Dù muốn dù không, dù chuẩn bị hay không chuẩn bị, không khí Tết cổ truyền tự bao đời vẫn làm xôn xao lòng người.









Gói bánh chưng tại nhà thờ La Vang ở Orange County. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Phóng viên Người Việt làm một vòng quanh Little Saigon, nơi tập trung đông đảo người Việt tại Hoa Kỳ, và đi xa hơn nữa, thử tìm hiểu xem người Việt sống tại các tiểu bang khác, đang chuẩn bị đón Tết ra sao.


Các tiểu bang xa: Vào chợ Việt Nam mới thấy Tết


Vừa nghe nhật báo Người Việt hỏi, “Chuẩn bị Tết ra sao rồi?” thì câu trả lời gần như lập tức của chị Thuhuyen Ðinh ở New Jersey, chị Hằng Nguyễn ở Ohio, và chị Khanh Nguyễn ở North Carolina, đều là, “Không có Tết gì hết!” hay “Tết nhứt gì ở đây!”









Các em thiếu nhi ở Raleigh, North Carolina, tập mùa chuẩn bị trình diễn trong Hội Chợ Tết. (Hình: Khanh Nguyễn cung cấp)


Nói là vậy, nhưng kèm theo câu trả lời đó là tiếng cười tươi của những người phụ nữ dù sống bao năm ở Mỹ, vẫn nhớ phong tục tổ tiên, để “cho mấy đứa nhỏ biết Tết”.


Bằng giọng Hà Nội ngọt ngào, chị Thuhuyen, đang làm nail tại tiểu bang New Jersey, cho biết, “Không giống như bên Cali, khi bước ra đường là đã có thể thấy Tết, ở đây phải vào chợ Việt Nam, nhìn thấy người ta bày bán bánh mứt, dưa hấu, mới thấy không khí Tết chút xíu.”


Theo chị Thuhuyen, thành phố South New Jersey, nơi chị ở, “cũng đông người Việt, nhưng không đến nỗi là đi đâu cũng thấy có người Việt”. Do đó, nếu muốn thật sự thấy không khí Tết Nguyên Ðán ra sao thì phải chịu khó lái xe sang tiểu bang Philadelphia, nơi có rất đông người Hoa và người Việt gốc Hoa sinh sống. “Ở đó họ tổ chức tưng bừng hơn,” chị Thuhuyen nói.









Một gian hàng Tết trong chợ Việt Nam ở Ohio. (Hình: Hằng Nguyễn cung cấp)


Chị Hằng Nguyễn, làm nghề y tá, đang sống tại tiểu bang Ohio, cũng có nhận xét gần giống chị Thuhuyen. “Ở đây không có không khí Tết cộng đồng, vì người Việt tại đây không có ‘tụm’ lại như ở California.” Theo chị Hằng, muốn tìm không khí Tết nơi công cộng “thì cũng chỉ có vào chợ Việt Nam mà thôi”.


“Tết năm nay sao thấy ai cũng xìu xìu sao á!” Chị Khanh Nguyễn, một kỹ sư tin học ở tiểu bang North Carolina, nhận xét.


Theo chị, “có lẽ do thời gian Tết đến cận với những ngày lễ lạt của Mỹ vừa qua nên thấy mọi thứ có vẻ gấp gáp, lu bu quá trời!”


Tuy nhiên, nơi chị Khanh ở, thành phố Raleigh, North Carolina, một hội chợ Tết sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 22 Tháng Giêng, tức 29 Tháng Chạp. “Hội chợ Tết có một ngày thôi, nhưng hình như người Việt Nam nào ở đây cũng tới nên cảm giác nhộn nhịp, vui lắm, đông đến không chen chân nổi luôn.” Chị Khanh nói một cách hào hứng.









Gói bánh chưng Tết tại một gia đình ở New Jersey. (Hình: Thuhuyen Dinh cung cấp)




Nhà nào muốn Tết thì tạo Tết 


Mười năm ở New Jersey, chị Thuhuyen cảm nhận, “năm nào cũng vậy, chưa thấy Tết nào hơn Tết nào, chỉ có ngày mùng Một thì các cộng đoàn người Việt tại đây tổ chức gặp gỡ, chúc Tết đầu năm vậy thôi”.


Tuy việc trang hoàng nhà cửa đón Tết của chị Thuhuyen “năm có năm không, năm nào mai đào rẻ thì mới mua về chưng, còn không thì thôi,” nhưng chuyện “gói bánh chưng trong nhà vừa để ăn vừa để biếu” thì năm nào gia đình chị cũng làm.


“Năm nay mùng Một Tết rơi vào Thứ Hai, ai cũng đi làm, nên gia đình sẽ họp mặt nhau vào buổi tối để chúc Tết, lì xì. Riêng tôi thì sẽ đóng cửa tiệm sớm ngày hôm đó để về lo Tết trong nhà.” Chị Thuhuyen cho hay.









Chợ hoa Phước Lộc Thọ tại Little Saigon. (Hình: Nick Ut)


Chị Hằng Nguyễn dù “than” rằng những ngày cận Tết “phải đi làm muốn chết” nhưng “vì nhà mình có con nên cũng cố gắng bày ra cái này cái kia cho chúng biết về Tết của tổ tiên”.


Trước Tết hai tuần, chị Hằng mua dừa khô về làm mứt, cũng như bắt đầu chưng mai giả trong nhà. Những ngày gần Tết, chị làm thêm món “bánh thuẫn,” đặc sản ngoài quê chị. “Ngày xưa bánh này là loại bánh ‘luxury’ ngoài quê mình, vì tốn trứng, đường và bột nhiều hơn các loại bánh khác, mà quê nghèo thì ngày Tết cũng khó mà tìm mua cho đủ các thứ nguyên liệu ấy.” Không có khuôn làm bánh thuẫn, chị dùng khuôn “cup cake” thay vào, “Kệ, ở Mỹ cái gì cũng lớn.” Tiếng cười người phụ nữ miền Trung nghe giòn như nắng cháy.


Mặc dù cứ luôn miệng nói, “Năm nay lu bu quá! Sát Tết mà chưa làm được gì hết!” nhưng thực ra chị Khanh Nguyễn cũng đã làm xong mứt gừng dẻo, làm thịt ngâm nước mắm, làm dưa món ăn bánh chưng, và không thiếu hũ củ kiệu nhâm nhi ngày Tết.









Ông Lê Bột, 74 tuổi, người “tổng chỉ huy” gói hơn 4,000 bánh chưng cho nhà thờ La Vang vào dịp Xuân Nhâm Thìn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


“Chờ đến 28, 29 Tết, tôi sẽ đi mua trái cây chưng bàn thờ. Vẫn giữ tục lệ ông bà là chưng thơm, quýt, dưa hấu, xoài trên đĩa trái cây. Ở đây không có mai Việt Nam đành mua mai Mỹ về chưng thế.” Chị Khanh cho biết.


Thêm vào đó, do có hội chợ Tết mỗi năm một lần, nên chị Khanh cùng bạn bè họp lại tập cho các con cháu mình một vài bài múa để “múa trong hội chợ” nữa.


Chị Khanh tâm sự, “Ở đây ra đường thì không cảm thấy được gì đâu. Chỉ có nhà nào muốn Tết thì tạo Tết, còn không thì thôi. Lúc còn độc thân, mình cũng chả quan tâm đến Tết, nhưng giờ có con, nên mới chú ý tổ chức cho đàng hoàng để các con hiểu được phong tục Việt Nam.” 


Tết ở Little Saigon 


Ai sống ở Little Saigon cũng đều nhận thấy rằng không khí Tết nơi này luôn tưng bừng rộn rã không kém gì những ngày còn ở quê nhà, dù quy mô chợ có nhỏ hơn, người có ít hơn “Sài Gòn lớn” ở quê nhà.


Ngay từ tối Thứ Sáu, 13 Tháng Chạp, chợ hoa Phước Lộc Thọ đã khai trương, thu hút không những khách địa phương mà cả khách phương xa nô nức kéo về. Ðại lộ Bolsa từ ngày đó trở nên đông đúc, nhộn nhịp và càng “chật chội” hơn.









Bánh chưng đắt hàng tại nhà thờ La Vang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Những hàng bánh mứt nổi tiếng xưa nay như Ðông Hưng Viên, Van’s Bakery, Mỹ Hiệp,… những tiệm giò chả lâu đời như Ðức Hương, Hòa Bình, Tân Hoàng Hương,… những tiệm hoa, trái cây dọc theo chợ ABC, dọc theo đại lộ Bolsa, người nối người, vừa thong thả nhìn ngắm, vừa hối hả lựa chọn, mua sắm Tết. Mặt người chen màu hoa tạo nên một hình ảnh rất riêng cho người Việt Nam trong những ngày cuối năm cuống quýt này.


Các chợ Việt Nam quanh vùng Little Saigon không thiếu thứ gì cho những gia đình Việt Nam muốn theo đủ lễ nghi, phong tục ông bà. Nếu cần, người ta cũng dễ dàng tìm mua được những “hàng mã hiện đại nhất” để đốt cho ông bà trong những kỳ cúng kiếng. 


Hội Tết Sinh Viên “Xuân An Bình” 


Hội Tết Sinh Viên 2012 mang tên “Xuân An Bình “ do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California tổ chức diễn ra từ ngày Thứ Sáu, 27 đến ngày 29 Tháng Giêng, tại công viên Garden Grove (cạnh trường trung học Bolsa Grande).


Phát huy thế mạnh của mình, năm nay, Hội Tết Sinh Viên tiếp tục có các chương trình như thi đánh cờ tướng, thi “Bé Ðẹp,” thi sáng tác thơ, thi Hoa Khôi Liên Trường, thi chụp ảnh. Bên cạnh đó là Làng Việt Nam, với nhiều hình ảnh của nông thôn, làng quê, những gian hàng trò chơi, ăn uống, và sự góp mặt của các cơ sở thương mại trong vùng cũng góp phần làm nên thành công cho Hội Tết Sinh Viên từ bao năm qua. 


Diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa 


Diễn hành Tết Nhâm Thìn do thành phố Westminster tổ chức sẽ diễn ra vào sáng Thứ Bảy, 28 Tháng Giêng, tức Mùng 6 Tết, bắt đầu từ lúc 9 giờ 30 sáng, trên đại lộ Bolsa, từ đường Magnolia đến đường Bushard.


Năm nào diễn hành Tết cũng lôi cuốn sự tham dự của hàng ngàn người đến xem, đứng đầy hai bên đường. 


Chương trình tại các chùa, nhà thờ 


Tại chùa Ðiều Ngự, Westminster, chương trình Cung Chúc Tân Xuân đang được chuẩn bị khá chu đáo.


Vào ngày Chủ Nhật, 29 Tết, từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng Mùng Một, có chương trình văn nghệ Ðón Giao Thừa mừng năm mới do Trung Tâm Asia thực hiện. Lúc 11 giờ 30 tối có lễ đón Giao Thừa, Vía Bồ Tát Di Lặc, phát lộc đầu năm.


Từ Mùng Một đến Mùng Ba, lúc 11 giờ sáng có cúng Ngọ Phật và tiến cúng chư hương linh, ông bà tổ tiên, 7 giờ tối có tụng kinh cầu an đầu năm và thuyết pháp.


Tại Trung Tâm Công Giáo, Santa Ana, Thánh Lễ Minh Niên được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng Mùng Một Tết với đầy đủ các nghi thức cổ truyền Việt Nam.


Chương trình mừng Xuân Nhâm Thìn tại chùa Huệ Quang cũng không kém phần sống động bên cạnh không khí trang nghiêm nơi cửa Phật.


Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa, cho biết bắt đầu từ 7 giờ tối Chủ Nhật, chương trình văn nghệ đặc biệt mừng Xuân Nhâm Thìn do đài Little Saigon TV tổ chức sẽ được thu hình và phát sóng trực tiếp. Từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng Mùng Một những con đường quanh khu vực chùa Huệ Quang sẽ được đóng, để Phật tử và đồng hương có thể đến viếng chùa, đón Giao Thừa, xem múa lân, nghe đốt pháo, cũng như xin xăm, phát lộc lì xì.


Ngày Mùng Một, từ 6 giờ sáng, có chương trình lễ rước Phật Di Lặc, cầu nguyện, xin lộc đầu năm. Từ 10 giờ đến 4 giờ chiều, chùa Huệ Quang khoản đãi cơm chay, bún bì chả giò chay cho Phật tử và đồng hương viếng chùa. 


Hội Xuân giáo xứ La Vang 


Năm nay, lần đầu tiên nhà thờ La Vang, Santa Ana, tổ chức Hội Xuân cũng như tổ chức gói bánh chưng bán cho giáo dân và đồng hương trong suốt hơn 10 ngày.


Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, Linh Mục Vũ Ngọc Long, đại diện nhà thờ, cho biết, “Ðây là năm đầu tiên nhà thờ tổ chức Hội Xuân La Vang kéo dài ba ngày, từ chiều Thứ Sáu đến tối Chủ Nhật tuần này. Sẽ có các loại trò chơi cho trẻ con, thi thiếu nhi mặc quốc phục Việt Nam, có chương trình văn nghệ do các ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Ngoài ra còn có các gian hàng ẩm thực với đầy đủ thức ăn ba miền Bắc Trung Nam do các mẹ trong giáo xứ tự tay nấu.”


Về ý nghĩa của việc tổ chức gói bánh chưng năm nay, linh mục nói, “Do ở nhà thờ La Vang có đến ba sắc dân đến dự lễ, là Việt Nam, Mỹ và người Spanish. Cho nên việc tổ chức gói bánh trước hết là để mọi người cùng làm việc với nhau, người Mễ, người Mỹ ngồi lau lá cho những người Việt Nam gói bánh. Thứ hai là để giới thiệu về phong tục của người Việt Nam cho người các sắc dân khác biết, cũng như để các em nhỏ được sinh ra tại đây hiểu thêm về dân tộc. Cuối cùng là gói bánh nhằm gây quỹ giúp giáo xứ có thêm kinh phí đào tạo cho giới trẻ.”


Trong khuôn viên nhà thờ La Vang, xe chở các thiết bị, dụng cụ chuẩn bị dựng các gian hàng cho hội chợ đậu đầy trên sân.


Bên trong nhà thờ, không khí gói bánh chưng nhộn nhịp, rất là vui. “Hơn 3,000 bánh đã được gói và bán không kịp cho đồng hương,” ông Lê Bột, người “tổng chỉ huy” chương trình gói bánh chưng của nhà thờ La Vang cho biết. “Ðến hết Thứ Sáu này, có lẽ phải gói xong hơn 4,000 bánh.” Ông nói thêm.


Học nghề gói bánh chưng từ cha mẹ, ông Lê Bột, năm nay đã 74 tuổi, sang Mỹ từ năm 1993, liên tục làm người phụ giúp gói bánh chưng cho các nhà thờ mỗi dịp Xuân về.


“Có năm bác ấy giúp cho Trung Tâm Công Giáo gói gần 7,000 bánh chưng,” anh Khiết, một giáo dân phụ trông coi lò nấu bánh, tiết lộ thêm.


Ông Bột là người chịu trách nhiệm tính toán lượng nếp, đậu, nhân cho việc gói bánh. Ông cũng là người nêm nếm gia vị cho đậu, thịt làm nhân, trước khi đưa ra cho mọi người gói.


Người gói đông đúc, người đến mua cũng tấp nập.


Một chị dẫn con đến mua bánh chưng cho biết, “Bánh tại đây ngon lắm! Mua rồi, ăn rồi, giờ đến mua thêm.”


Ðiều người mua thích thêm khi đến nhà thờ La Vang là được tận mắt chứng kiến mọi người đang say sưa gói bánh, được dẫn vào xem nồi nấu bánh chưng “khổng lồ” có thể nấu đến 500 bánh một lần cho những bánh có trọng lượng 4 pound, và hơn hết, bánh ngon và “vừa mới ra lò.”


Ðến nhà thờ La Vang, nhìn các cô chú lớn tuổi, bỏ thời gian đến cùng nhau lau lá, ngâm nếp, làm nhân, gói bánh, nấu bánh, ép bánh, lại lau lá cho khô trước khi cột và bọc bằng bao nylon, ai phụ được việc gì thì làm việc đó, mới thấy hết được sự ấm áp của ngày Xuân trong những ngày giá lạnh nơi đây.


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT