Thursday, March 28, 2024

Bắc Hàn lại bắn hỏa tiễn, bị nổ sau khi rời giàn phóng

SEOUL, South Korea (AP) – Một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung của Bắc Hàn bị rơi ngay sau khi vừa được bắn ra khỏi giàn phóng gần thủ đô Bình Nhưỡng hôm Thứ Bảy, cả Nam Hàn và Hoa Kỳ đều xác nhận sự kiện này.

Đây là lần thử hỏa tiễn thất bại thứ nhì của Bình Nhưỡng trong mấy tuần qua, nhưng rõ ràng là một thách thức đối với thế giới, trong lúc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và các chiến hạm Mỹ đang tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Các vụ thử hỏa tiễn của Bắc Hàn thường bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích, vì được coi là tiến trình chuẩn bị cho vũ khí nguyên tử, có thể bắn tới lục địa của Mỹ.

Vụ thử mới nhất này xảy ra vào lúc các giới chức Hoa Kỳ đang chuyển từ quan điểm dùng biện pháp cứng rắn sang quan điểm dùng chính sách ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, nhằm cố gắng giải quyết thách thức có thể nói là lớn nhất trong chính sách ngoại giao của Washington từ trước tới nay.

Thời điểm Bắc Hàn thử hỏa tiễn rõ ràng là đáng kinh ngạc: Chỉ vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp bàn việc giải quyết tình trạng Bắc Hàn gia tăng chương trình phát triển vũ khí.

Đại diện của Bắc Hàn tẩy chay cuộc họp này, do Ngoại Trưởng Rex Tillerson của Mỹ chủ tọa.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nam Hàn nói qua một tuyên bố rằng, Bắc Hàn bắn hỏa tiễn từ vùng Pukchang, gần thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Một giới chức Mỹ, nói trong điều kiện ẩn danh vì sự nhạy cảm của vấn đề, cho biết hỏa tiễn này nhiều phần là hỏa tiễn đạn đạo tầm trung KN-17. Sau khi rời giàn phóng được khoảng 2 phút, hỏa tiễn bị nổ thành nhiều mảnh và rớt xuống biển Nhật Bản.

Ngoại Trưởng Rex Tillerson (trái) chủ trì cuộc họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer)
Ngoại Trưởng Rex Tillerson (trái) chủ trì cuộc họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer)

Các nhà phân tích nói rằng, KN-17 là loại hỏa tiễn Scud của Nga, nhưng do Bắc Hàn phát triển. Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng cũng thử bắn hỏa tiễn, nhưng Hoa Kỳ cho là bị thất bại.

Bắc Hàn thường bắn thử nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo khác nhau, cho dù bị Liên Hiệp Quốc cấm, như là một phần trong chương trình phát triển vũ khí của họ.

Trong khi Bình Nhưỡng thường thử hỏa tiễn tầm ngắn, thế giới ngày càng lo ngại mỗi khi Bắc Hàn thử hỏa tiễn có tầm xa hơn.

Vụ bắn thử hỏa tiễn hôm Thứ Bảy được tiến hành vào lúc tình hình khu vực vô cùng căng thẳng.

Tổng Thống Donald Trump ban đầu đưa ra một đường lối rất cứng rắn với Bình Nhưỡng và đưa cả tàu ngầm nguyên tử có hỏa tiễn hành trình USS Michigan và hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào vùng biển Triều Tiên, cùng lúc nhanh chóng triển khai hệ thống chống hỏa tiễn THAAD mà Trung Quốc cực lực phản đối. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ lại có giọng điệu nhẹ nhàng hơn.

Ngoại Trưởng Vương Nghị (giữa) chuẩn bị tham gia cuộc họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer)
Ngoại Trưởng Vương Nghị (giữa) chuẩn bị tham gia cuộc họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer)

Hôm Thứ Sáu, Mỹ và Trung Quốc lại có quan điểm khác biệt về cách giải quyết vấn đề Bắc Hàn leo thang chương trình nguyên tử.

Ngoại Trưởng Tillerson nói rằng, mặc dù Mỹ không có ý định lật đổ hoặc làm mất ổn định Bắc Hàn, Washington không loại trừ khả năng quân sự, nhưng lại kêu gọi các nước gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng. Ông còn đề nghị viện trợ cho Bắc Hàn để quốc gia này ngưng chương trình nguyên tử.

Phát biểu tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, ông Tillerson nói rằng “nếu chúng ta không hành động đối với vấn đề đe dọa an ninh này hiện này, sẽ có hậu quả thê thảm cho thế giới.”

Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh chấp nhận các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lâu nay, và muốn có một bán đảo Triều Tiên phi nguyên tử. Tuy nhiên, ông lại không cho biết Bắc Kinh sẽ làm gì trong những ngày tới, mặc dù ai cũng biết Trung Quốc là quốc gia đỡ đầu cho Bắc Hàn.

Ông Vương đưa ra các đề nghị mà Bắc Kinh thường trình bày bấy lâu nay: Bắc Hàn bỏ chương trình nguyên tử, đổi lại, Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng tập trận trong khu vực.

Cả Washington và Seoul bác bỏ đề nghị này. (Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT