Thursday, April 18, 2024

Bắc Hàn: Mỹ chớ để thành phần chống đối ở Mỹ cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ

BÌNH NHƯỠNG, Bắc Hàn (NV) – Chính quyền Bắc Hàn hôm Chủ Nhật, 24 Tháng Hai, khuyến cáo Tổng Thống Donald Trump chớ để thành phần chống đối họ ở Mỹ làm lung lạc và cản trở nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia, trong lúc Chủ Tịch Kim Jong Un đang dùng xe lửa đi xuyên qua Trung Quốc để đến tham dự cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì với Tổng Thống Trump ở Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở Hà Nội vào ngày Thứ Tư và Thứ Năm, tám tháng sau khi có cuộc họp thượng đỉnh của họ ở Singapore, trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ tại chức và một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

Công nhân hỏa xa xem xét đường sắt tại Đồng Đăng. (Hình: AP Photo/Minh Hoang)

Sau cuộc họp, hai bên hứa sẽ cùng có nỗ lực tiến tới giải giới nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên thỏa thuận với lời lẽ mơ hồ này chỉ đưa đến rất ít kết quả thực tế và các thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ cùng các giới chức an ninh quốc gia ở Mỹ đã khuyến cáo ông Trump chớ có một thỏa thuận “làm cảnh”, mà không ngăn cản các tham vọng về võ khí nguyên tử của Bắc Hàn, theo bản tin hãng thông tấn Reuters.

KCNA, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn, nói rằng các chống đối đó chỉ nhằm mục đích cản trở cuộc thảo luận.

“Nếu tổng thống Mỹ nghe lời của các kẻ khác thì có thể phá tan ước mơ cải thiện mối quan hệ với Bắc Hàn và hòa bình thế giới, đồng thời cũng làm mất đi cơ hội lịch sử,” theo KCNA.

Chính phủ Trump trong thời gian qua đã đòi hỏi Bắc Hàn phải từ bỏ chương trình nghiên cứu và chế tạo võ khí nguyên tử, vốn cùng với khả năng phóng hỏa tiễn tầm xa, có thể là mối đe dọa cho Mỹ.

Washington cũng nói rằng việc giải giới này phải được thực hiện trước khi có việc Mỹ hủy bỏ biện pháp cấm vận.

Tuy nhiên, chỉ một tuần trước ngày có họp thượng đỉnh, ông Trump lại đưa ra chỉ dấu nhượng bộ, nói rằng sẽ tháo gỡ cấm vận nếu có tiến triển thực sự trong việc từ bỏ võ khí nguyên tử.

Ông Trump cũng nói rằng Bắc Hàn không cần phải gấp gáp từ bỏ chương trình nguyên tử của mình, cho thấy nay bằng lòng với phương cách “có qua có lại” mà Bắc Hàn vẫn đòi hỏi. (V.Giang)

 

MỚI CẬP NHẬT