Thursday, April 25, 2024

Biden và Macron sẽ hội đàm giải quyết ‘khủng hoảng tàu ngầm’

PARIS, Pháp (NV) – Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nói chuyện với Tổng thống Joe Biden trong một ngày gần đây, và đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên kể từ khi một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nổ ra giữa Pháp và Hoa Kỳ liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm với Úc, theo AP.

Ông Gabriel Attal, phát ngôn viên chính phủ Pháp, hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Chín, cho biết cuộc hội đàm qua điện thoại sắp diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra theo yêu cầu của Tổng Thống Joe Biden.

Tổng Thống Joe Biden (trái) và Tổng Thống Emmanuelle Macron tại hội nghị G7 hồi Tháng Sáu, bên Anh. (Hình: DOUG MILLS/POOL/AFP via Getty Images)

Ngoài ra, ông Attal nói thêm rằng thoạt tiên Pháp rất “sốc” và “tức giận” về chuyện thỏa thuận tầu ngầm này với Úc, nhưng bây giờ là lúc gạt sang một bên để tiếp tục tiến lên phía trước.

Pháp triệu hồi các đại sứ từ Hoa Kỳ và Úc về Paris, một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.

Theo Bộ Ngoại Giao Pháp, Jean-Yves Le Drian, ngoại trưởng nước này, hôm Chủ Nhật gặp cả hai vị đại sứ vừa trở về để thảo luận về “những hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng hiện nay.” 

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai quốc gia đồng minh Mỹ – Pháp nổ ra sau sự kết thúc đột ngột bản hợp đồng ký năm 2016 trị giá ít nhất $66 tỷ giữa Pháp và Úc để chế tạo 12 tàu ngầm diesel-điện loại quy ước. 

Ông Malcolm Turnbull (thứ hai từ phải), thủ tướng Úc, tiếp ông Emmanuelle Macron, tổng thống Pháp, khi hai bên ký hợp đồng để Pháp sản xuất tàu ngầm cho Úc hồi 2018. (Hình: Brendan Esposito – Pool/Getty Images)

Thay vào đó, Canberra ký với Washington và London về sản xuất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử. 

Pháp khẳng định họ không được thông báo trước về thỏa thuận tay ba trên.

Ông Attal đưa nhận định: “Điểm mấu chốt trong vụ khủng hoảng này, trước khi nói về khía cạnh thương mại, là những vấn đề chiến lược toàn cầu.”

“Câu hỏi được đặt ra là sự cân bằng các thế lực hiện tại ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những khu vực mà cũng là một phần tương lai của nước Pháp; đồng thời, mối quan hệ giữa Pháp với Trung Quốc.”

Thỏa thuận của Hoa Kỳ với Úc và Anh phản ánh quan điểm xoay trục của Washington đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, được xem là chiến lược trọng điểm toàn cầu khi Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng tại tuyến đường biển huyết mạch này. 

Ông Emmanuelle Macron, tổng thống Pháp, dự lễ hạ thuỷ tầu ngầm nguyên tử Suffren của Pháp tại Cherbourg, năm 2019. (Hình: LUDOVIC MARIN/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, Paris cảm thấy thỏa thuận trên dẫm chân trên quyền lợi nước Pháp trong một khu vực mà quốc gia này từ lâu có sự hiện diện mạnh mẽ, và cũng đang nỗ lực để củng cố, không kể đến hợp đồng sản xuất tàu ngầm cho Úc.

Ông Attal dẫn giải: “Pháp là một quốc gia thuộc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xin lưu ý đến lãnh thổ của Pháp ở New Caledonia, nơi các công dân Pháp sinh sống và lực lượng quân đội Pháp đóng tại đó. Đó là chưa kể đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng là một vấn đề của Liên Âu.”

Tổng Thống Emmanuelle Macron chờ đợi lời giải thích từ Tổng thống Biden về các nguyên nhân dẫn đến “sự rạn nứt lớn về niềm tin giữa đồng minh,” người phát ngôn chính phủ Pháp nói thêm. 

Vào tối Thứ Sáu, Ngoại Trưởng Le Drian lên án mạnh mẽ về thoả thuận Mỹ-Anh cung cấp kỹ thuật tàu ngầm nguyên tử cho Úc, mà Pháp coi là sự phản bội được thể hiện bởi “thái độ hai mặt, xem thường và dối trá.”

Ông Scott Morrison, thủ tướng Úc, hôm Chủ Nhật cho rằng Pháp “sẽ biết được hoàn toàn về việc chúng tôi có những mối quan tâm sâu sắc và nghiêm trọng” về khả năng của các tàu ngầm diesel-điện của Pháp không thể đáp ứng lợi ích chiến lược của Canberra. (MPL) [kn]

MỚI CẬP NHẬT