Friday, April 19, 2024

Harvard bảo vệ sinh viên gốc Nam Á khỏi tình trạng phân biệt giai cấp

CAMBRIDGE, Massachusetts (NV) – Đại học Harvard University là trường mới nhất ở Mỹ bổ sung các biện pháp bảo vệ sinh viên gốc Nam Á bị phân biệt giai cấp, theo NBC News.

Kể từ Tháng Ba, các tổ chức sinh viên gốc Nam Á thông báo cho Ban Giám Hiệu trường Harvard về tình trạng phân biệt dựa trên giai cấp của người Ấn Độ tại các đại học khắp nước Mỹ.

Khuôn viên Đại Học Harvard. (Hình minh họa: Maddie Meyer/Getty Images)

Những người sinh ra trong các tầng lớp thấp nhất, được gọi là Dalit (giai cấp cùng đinh) trong hệ thống giai cấp Ấn Độ, phải đối mặt với tình trạng bạo lực và áp bức. 

Mặc dù hệ thống giai cấp hiện nay được xem là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng vẫn có tác động sâu rộng trong xã hội.

Cùng với sự gia tăng dân số Nam Á nhập cư vào Mỹ kể từ những năm 1980 và 1990, hệ thống phân hóa giai cấp từ Ấn Độ cũng lan ra ngoại quốc.

Người thuộc giai cấp cùng đinh Dalit, chiếm 25% ở Mỹ, phải đối mặt với bạo hành bằng lời nói lẫn thể xác, theo nghiên cứu của Equality Labs, một tổ chức chống chủ nghĩa thượng tôn da trắng. 

Sinh viên từ nhiều nguồn gốc chủng tộc khác nhau tại trường Đại Học Harvard. (Hình minh họa: Maddie Meyer/Getty Images)

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy có tới 1/3 sinh viên giai cấp Dalit bị ảnh hưởng đến việc học trước cảnh phân biệt đối xử.

Các sinh viên phản đối tình trạng này cũng gặp phải những rào cản, đặc biệt là do sự thiếu kiến thức giữa các nhà quản trị tại các trường đại học.

Cô Aparna Gopalan, một nghiên cứu sinh Ấn Độ tại Harvard và là thành viên Liên Minh Sinh Viên Hậu Đại Học, đã từng tham gia đàm phán kể từ Tháng Ba để bổ sung thêm các biện pháp bảo vệ vào hợp đồng của công đoàn, cho biết trong các Phòng Hội Ðồng chỉ có các quản trị viên người da trắng, những người không có kiến thức cơ bản về chế độ giai cấp tại văn hóa Ấn Độ.

Một phụ nữ Ấn cầm biểu ngữ kêu gọi chấm dứt tình trạng kỳ thị giai cấp cùng đinh Dalit tại Mumbai. (Hình minh họa: Punit Paranjpe/AFP via Getty Images)

Nhưng sau nhiều tháng đàm phán giữa công đoàn và Ban Quản Trị nhà trường, cũng như sự hỗ trợ từ nhóm Equality Labs, biện pháp bảo vệ khỏi phân biệt giai cấp được phê chuẩn vào hợp đồng Liên Minh Sinh Viên Hậu Đại Học.

Đại Học Harvard từ chối bình luận ngoài việc xác nhận hợp đồng được phê chuẩn.

Sau khi điều khoản được chấp thuận, nhiều sinh viên thuộc nhóm Dalit bắt đầu lên tiếng về việc bị nhiều người phân biệt đối xử, trong đó có cả giáo sư có nguồn gốc Nam Á. 

Các giáo sư này chú ý đến những sinh viên thuộc giai cấp cao hơn, làm ngơ các sinh viên nguồn gốc Dalit.

Bà Thenmozhi Soundararajan, tổng giám đốc Equality Labs, cho biết không chỉ bị bạo hành lời nói, những người Dalit phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục, phân biệt đối xử về nhà ở, bất công trong cạnh tranh cơ hội và bị tấn công thể xác.

Biểu tình chống tình trạng bạo hành tình dục giai cấp cùng đinh Dalit tại Ấn Độ. (Hình minh họa: Punit Paranjpe/AFP via Getty Images)

Những sinh viên Dalit cũng cảm thấy không thuộc về các cộng đồng Nam Á vốn tràn ngập chủ nghĩa giai cấp và những sinh viên thuộc tầng lớp thượng lưu.

Harvard là trường đại học mới nhất bổ sung biện pháp bảo vệ sinh viên khỏi chủ nghĩa giai cấp, sau đại học University of California, University of Davis và Colby College.

“Đây không phải là chiến thắng một sớm một chiều. Đây là kết quả của việc xây dựng sự quản trị theo hướng bình đẳng đẳng cấp. Tôi đang chứng kiến sự thay đổi, các trường đại học đều muốn thực hiện điều này,” bà Soundararajan nói.

Bà Soundararajan hy vọng những thay đổi ở cấp đại học có thể là những bước đầu tiên cho một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT