Thursday, March 28, 2024

Hủ tục cắt cửa mình trẻ em gái cũng xảy ra ở Mỹ

DETROIT, Michigan (AP) — Bà Zehra Patwa chỉ được biết mấy năm trước đây là trong chuyến đi cùng với gia đình về Ấn Độ lúc 7 tuổi, bà đã bị cắt bao quy đầu nữ (female circumcision), cũng còn được gọi là cắt cửa mình, một điều thường xảy ra cho các bé gái tại một số nơi ở Á Châu, Phi Châu và Trung Đông.

Bà Patwa, năm nay 46 tuổi, không nhớ gì về việc phải trải qua hình thức giải phẫu này, vốn bị Liên Hiệp Quốc lên án và bị cấm ở Mỹ.

Patwa, nay là một giám đốc điều hành các chương trình kỹ thuật ở New Haven, Connecticut, đang tham gia vào nỗ lực chống hủ tục đã có từ nhiều thế kỷ này.

Việc bắt giữ một bác sĩ ở Michigan mới đây, do bị cáo buộc là thực hiện việc giải phẫu hai bé gái 7 tuổi, cũng ở trong giáo phái Dawoodi Bohra thuộc Hồi Giáo Shiite như bà Patwa, cho thấy việc cắt cửa mình nữ giới nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trong thế giới Tây Phương, nơi người di dân đến sinh sống và hình thành các cộng đồng riêng và tiếp tục duy trì thói tục của họ.

Tùy theo từng dân tộc, việc cắt cửa mình được thực hiện ở các độ tuổi khác nhau, bằng những cách khác nhau, nhưng nói chung được giải thích là để kiểm soát đời sống tính dục, giữ vệ sinh bộ phận sinh dục tốt hơn, gia tăng khoái cảm cho người đàn ông và khiến dễ có bầu hơn.

Tuy nhiên, những người chống đối việc này nói rằng có thể gây ra trở ngại khi sinh con, khiến đau đớn khi giao hợp và khiến người phụ nữ mất đi mọi cảm xúc.
Bác sĩ Jumana Nagarwala bị cáo buộc là thực hiện việc cắt cửa mình trên hai bé gái ở Minnesota, khiến để lại các vết sẹo và trầy sướt.

Luật sư của bà Nagarwala cho hay thân chủ mình chỉ làm một hành động có tính cách tôn giáo.

Các công tố viên hôm Thứ Sáu truy tố hai người khác cũng thuộc giáo phái Bohra là bác sĩ Fakhruddin Attar và bà vợ ông ta là Farida Attar, về tội đồng lõa trong vụ này.

Ông Attar làm chủ trung tâm y tế ở Detroit và các điều tra viên cho hay hai vợ chồng này biết rằng bà Nagarwala thực hiện các vụ cắt cửa mình sau giờ hoạt động chính thức của trung tâm.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho hay việc cắt bỏ hay gây tổn thương cho các bộ phận sinh dục phái nữ không có tác dụng tốt đẹp nào cho lãnh vực sức khỏe nhưng đã được thực hiện trên khoảng 200 triệu người phái nữ ở 30 quốc gia. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT