Thursday, March 28, 2024

Kỹ thuật ‘robot’ giúp trẻ em trị tự kỷ

WASHINGTON, D.C (NV) – Người máy hay “robot” ngày càng tân tiến và trở thành một phần không thể thiếu của xã hội. Bây giờ, kỹ thuật người máy còn có thể giúp trẻ em trị tự kỷ.

Theo tin của UPI, để biết người máy giúp trẻ em tự kỷ hiệu quả đến mức nào, các chuyên gia tâm lý làm một cuộc khảo sát với 12 em trong độ tuổi từ 6 đến 12. “Robot” có thể giúp những em bị tự kỷ bằng những liệu pháp ở nhà như giúp các em chú ý hơn và biết nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện.

Một người mẹ của một bé trai tham gia khảo sát cho biết người máy giúp con bà rất nhiều. Theo bà, con trai mình bắt đầu biết giao tiếp với người khác và ngày càng bớt lúng túng.

“Con trai tôi nhìn và tiếp xúc với robot, tôi nghĩ điều đó làm cho con mình khá hơn. Con tôi tiếp xúc với người khác tốt hơn, biết nhìn vào mắt người khác nhiều hơn,” người mẹ xin giấu tên chia sẻ.

Bà nói tiếp: “Nhờ kỹ thuật này, tôi biết được con mình thông minh và học nhanh đến mức nào. Kỹ thuật robot còn giúp mẹ con tôi có thời gian để hiểu nhau hơn và giúp con tôi thể hiện những phẩm chất của mình hơn.”

Ông Brian Scassellati, giám đốc nghiên cứu robot ở Yale và người đứng đầu nghiên cứu cho biết đây là cuộc nghiên cứu dài một tháng của đại học Yale và là lần đầu tiên các chuyên gia dùng người máy tự động để giúp trẻ em tự kỷ.

Ông nói: “Chúng tôi gửi người máy cho các gia đình tham gia nghiên cứu, để đó một tháng và những người máy tự quyết định cách giảng dạy, cách giúp trẻ em giao tiếp.”

Theo ông, đây là những robot có kích thước để được trên bàn và được chế tạo để giúp trẻ em tự kỷ. Những robot này kể chuyện và cho các em chơi những trò giúp phát triển khả năng giao tiếp, biểu lộ cảm xúc và mở rộng tầm nhìn.

Ông Scassellati cho hay một số nghiên cứu khác cũng dùng robot để trị tự kỷ nhưng cách làm của người máy đã được định sẵn.

Trong số những nghiên cứu này có nghiên cứu của một nhóm chuyên gia người Hòa Lan.

Hồi đầu năm 2018, người máy giúp trẻ em trị tự kỷ của nhóm chuyên gia này gặt hái được thành công. Người máy của nhóm này có tên là “Nao” được đại học Radboud University Medical Center ở Hòa Lan thử nghiệm. Robot này biết đi, biết nói và biết nhảy múa với sự điều khiển của những chuyên gia.

Ngược lại, robot của ông Scassellati được quyền tự quyết định, dựa vào những buổi trị liệu hằng ngày. Ông còn cho rằng người máy có thể trị liệu cho trẻ em mà gia đình không cần phải tốn nhiều tiền.

“Người máy có thể kể chuyện, đưa ra những trò chơi giúp khả năng giao tiếp của các em và còn có thể chọn độ khó cho những trò chơi này. Người máy còn đóng vai một người bạn, một đối thủ, hoặc một người thầy,” ông Scassellati giải thích.

Sau một tháng, các nhà nghiên cứu phân tích các thước phim của những buổi trị liệu dài đến 125 tiếng. Các thước phim này cho thấy nhờ học với robot mà trẻ em chú ý tốt hơn khi tiếp xúc với người lớn. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng robot có tiềm năng giúp con người giao tiếp tốt hơn.

Ông Thomas Frazier, giám đốc khoa học của Austim Speaks, một tổ chức giúp người tự kỷ, cho rằng dùng robot để tiếp xúc với trẻ em tự kỷ, với những câu chuyện và trò chơi là một tiến bộ lớn. (TL)

10 nơi đắt đỏ ở Mỹ

MỚI CẬP NHẬT