Thursday, April 18, 2024

Lương bổng các viện trưởng đại học tăng cao nhờ tiền thưởng

WASHINGTON, DC (NV) – Lương bổng của vị viện trưởng đại học được coi là trả lương cao nhất nước Mỹ đã được tăng gấp bốn số lương bổng của ông trong một năm, lên tới $4 triệu, nhờ vào một thỏa thuận về tiền thưởng, theo kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây về lương bổng viện trưởng tại các đại học tư thục.

Theo SF Chronicle, ông Nathan Hatch, viện trưởng Wake Forest University ở North Carolina, lãnh số lương khoảng hơn $1 triệu vào năm 2014. Sang đến năm 2015, ông lãnh về số tiền cao gấp bốn lần, căn cứ theo các dữ kiện có được gần đây nhất, nhờ vào một thỏa thuận có từ lâu, là mỗi năm trường để riêng ra $255,000 và ông sẽ nhận được tất cả số tiền này nếu tiếp tục ở được vị trí viện trưởng sau 10 năm.

Tiền thưởng này khiến lương bổng của ông Hatch vượt lên cao hơn bất kỳ các viện trưởng trong các trường ‘danh giá’ nhất nước Mỹ, kể cả viện trưởng Stanford University cũng như trong nhóm Ivy League, đồng thời cũng cho thấy sự gia tăng vượt bậc về tiền lương viện trưởng, vốn thường bị chỉ trích là không có liên hệ gì đến phẩm chất việc làm của những người này.

Tạp chí Chronicle of Higher Education hồi năm ngoái xem xét lương bổng của giới lãnh đạo khoảng 500 trường tư coi như giàu có hàng đầu ở Mỹ và thấy rằng trong năm 2015, mức lương trung bình của các viện trưởng đại học tư là khoảng $569,932, tăng 9% so với năm trước đó.

Trong tất cả các trường này, có khoảng 58 viện trưởng lãnh mức lương hơn $1 triệu trong năm 2015, so với chỉ có 39 người một năm trước đó.

Ở California, người được lãnh lương cao nhất là ông C.L. Max Nikias, ở trường University of Southern California (USC). Với số lương gần $3.2 triệu, ông là viện trưởng được trả lương cao hàng thứ ba trong nước.

Cựu viện trưởng Stanford, ông John Hennessy, lãnh về $1.2 triệu, đứng hàng 38, trên ông Peter Salovey ở đại học Yale University, với số lương $1.16 triệu, đứng hàng 40. Ông Drew Gilpin Faust, ở Havard, có mức lương $1.57 triệu, đứng hàng thứ 21.

Để so sánh, người ta thấy bà Janet Napolitano, người đứng đầu toàn thể hệ thống đại học công lập University of California (UC), lãnh $570,000 trong cùng năm đó.

Các giới chức đại học tư thục thường nêu ra những thành quả chói sáng của các vị viện trưởng để giải thích lý do vì sao những người này phải được mức lương cao.

Tuy nhiên, Luật Sư Raymond Cotton, ở Washington, D.C., người từng thương thảo hơn 350 giao kèo viện trưởng các đại học công và tư từ năm 1980 tới nay, cho hay một lý do mạnh mẽ nhất để giải thích điều này là các công ty tìm người, do thường được hưởng khoảng 1/3 số lương năm đầu tiên của người mà họ giới thiệu, luôn tìm cách đẩy mức lương lên cao.

Một lý do khác nữa là vấn đề tiền thưởng.

Khi ông Cotton khởi sự thương thảo giao kèo của các viện trưởng khoảng gần 40 năm trước đây, “không hề có vấn đề tiền thưởng,” ông cho biết.

Nhưng dần dần, các hội đồng quản trị đại học ngày càng có nhiều người xuất thân là giới doanh gia, “và đó là nơi ý tưởng tiền thưởng khởi sự,” theo ông Cotton.

Trong 10 người được coi là có lương bổng cao nhất trong cuộc nghiên cứu của Chronicle of Higher Education, có chín người lãnh được nhiều tiền từ tiền thưởng và thỏa thuận đặc biệt như của ông Hatch, hơn là mức lương căn bản của họ.

“Chẳng có dữ kiện nào cho thấy trả lương cao đưa đến việc có các nhà lãnh đạo giỏi,” theo ông William Tierney, một giáo sư về lãnh vực đại học tại USC và là đồng giám đốc cơ quan Pullias Center For Higher Education, cũng là đồng tác giả cuộc nghiên cứu.

Ông Tierney cho rằng “các đại học Mỹ nay đang bắt chước cách hành xử của Wall Street. Và khi làm điều đó, chúng ta đánh mất đi vị thế đạo đức của mình. Chúng ta trở thành các doanh nghiệp như những nơi khác.” (Lê Tâm)

MỚI CẬP NHẬT