Thursday, April 18, 2024

Một vật nhỏ bằng que diêm có thể chữa hết bại liệt

Hãy tưởng tượng, đặt một vật nhỏ bằng que diêm vào màng óc có thể giúp người bị bại liệt cử động và đi lại được.

Theo một bài viết trên báo mạng Bloomberg News, đó là những gì các khoa học gia ở Úc đang thực hiện.

Kỹ thuật hoàn toàn mới này, sử dụng một vật nhỏ có một hệ thống xung điện đan quyện vào nhau, cho thấy rất thành công khi thí nghiệm với các hoạt động thần kinh của con cừu. Kế đến, kỹ thuật này sẽ được thí nghiệm đối với con người, sớm nhất là vào Tháng Chín, 2018, theo ông Nick Opie, một kỹ sư sinh học tại đại học University of Melbourne, Úc, và là người đứng đầu dự án này.

Các nhà khoa học dùng một vật gọi là “stentrode,” lớn bằng que diêm, có lưới bọc xung quanh, nối bằng sóng (wireless) vào một bộ phận sử dụng kỹ thuật robot, giống như một bộ phận giả của xương hoặc một phần của tứ chi, để có thể điều khiển sự kiểm soát màng óc của bệnh nhân liên quan đến các chuyển động và vận động của người này.

Đây chỉ là một phần phát triển trong lãnh vực phát triển robot cho con người, mà viện McKinsey Global Institute dự đoán, từ năm 2013, là sẽ giúp trên 50 triệu người bị bại liệt, đang sống tại các quốc gia đã phát triển, và có thể tạo ra lợi nhuận kinh tế lên đến $2,000 tỷ/năm vào năm 2025.

“Mục tiêu của chúng tôi là làm cho con người cử động trở lại, tự lập, và tự liên lạc với người khác được,” ông Opie nói. “Chúng tôi sử dụng phương cách để lấy thông tin đã được màng óc phát ra, nhưng lại bị đưa vào phần não bị hư hại.”

Các nhóm nghiên cứu khác cũng có cùng suy nghĩ.

Neuralink Corp., công ty mới mở của tỷ phú Elon Musk, đang phát triển một loại máy có dung lượng chứa dữ liệu lớn, có thể nối với màng óc, rồi từ đó qua các máy điện toán, làm cho người bại liệt cử động được.

Bộ phận nghiên cứu Building 8 của công ty Facebook đang nghiên cứu giúp con người dùng tín hiệu từ trong đầu gởi ra, để có thể đánh máy trên bàn phím máy điện toàn.

Thủ tục tạo xung điện

“Stentrode” được làm bằng một lưới xung điện, bao quanh một vật bằng que diêm, rồi đẩy vào trong vỏ não dây thần kinh vận động có nhiều mạch máu. Đây là phần của não kiểm soát sự di chuyển của cơ thể. “Stentrode” được đưa vào não qua một cái ống. Sau đó, ống được rút ra, “stentrode” tự động mở rộng, đẩy các vách mạch máu ra, tạo một khoảng trống, rồi thu thập các dữ kiện hoạt động của não.

Tiến trình này không khác gì phương thức các bác sĩ thần kinh lấy các cục máu của các bệnh nhân bị đột quỵ, và có thể làm trong thời gian từ 30 đến 40 phút. Lõi của “stentrode” được làm bằng kẽm và titanium, có thể giãn nở, làm cho nó có thể đi qua mạch máu mà không cần phải giải phẫu để đưa vào.

“Cách chúng tôi làm không phải giải phẫu màng óc,” ông Opie nói. “Nhiều kỹ thuật khác đòi hỏi phải lấy bộ óc ra, rất nguy hiểm. Chúng tôi tránh làm công việc có quá nhiều rủi ro.”

Tuy nhiên, trong khi phương thức này ít mang tính cách xâm phạm hơn là mổ màng óc, khả năng nhận được tín hiệu từ màng óc cũng có những giới hạn.

Phản ứng của Mỹ

Kỹ thuật chữa bại liệt này do các nhà nghiên cứu ở đại học University of Melbourne, bệnh viện Royal Melbourne Hospital, và Viện Thần Kinh Học và Tâm Thần Học Florey, hỗ trợ, với phần đóng góp của Cơ Quan Nghiên Cứu Các Dự Án Cao Cấp của Mỹ ở Arlington, Virginia, và Hội Đồng Nghiên Cứu Y Khoa và Sức Khỏe Quốc Gia Úc, qua việc chu cấp tài chính.

Hiện có khoảng 100,000 cựu chiến binh Mỹ bị thương hoặc bị bệnh liên quan đến bại liệt, theo “Paralyzed Veterans of America,” một tổ chức bao gồm các cựu chiến binh.

Kỹ thuật này “có thể thay đổi cuộc đời của các thương binh và những người khác bị bại liệt,” Tổng Thống Barack Obama nói trên một Youtube video hồi Tháng Tư, 2016, khi đề cập đến vấn đề này.

Synchron Inc., một công ty do ông Opie và các cộng sự thành lập để phát triển “stentrode,” nói hồi Tháng Tư năm ngoái là họ đã gây quỹ được hơn $10 triệu để thực hiện dự án này.

Một khi bảo đảm được an toàn đối với con người, Synchron sẽ tìm cách thí nghiệm đối với 30 người khắp thế giới, có thể là vào năm 2019, ông Opie nói, và cho biết thêm là còn quá sớm để định giá tốn bao nhiêu để sản xuất một “stentrode.” (Đ.D.)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 23 tháng 11 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT