Friday, April 19, 2024

Nghiên cứu: Chất hóa học từ vật dụng trong nhà gây nguy hại cho thận

DURHAM, North Carolina (NV) – Kết quả một cuộc nghiên cứu được công bố hôm Thứ Năm, 13 Tháng Chín, nói rằng một số chất hóa học nhân tạo, gọi là “per- và polyfluoroalkyl substances,” viết tắt là PFAS, không tự phân hủy và gây nguy hiểm cho thận.

Theo cuộc nghiên cứu, người ta bị nhiễm các chất này qua đất đai bị ô nhiễm, thực phẩm, nước và không khí.

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Bác Sĩ John Stanifer thuộc trường đại học Duke University ở Durham, North Carolina, nói rằng “thận con người là bộ phận rất nhạy cảm, nhất là khi gặp phải chất độc trong môi trường có thể xâm nhập vào máu.”

“Bởi vì có quá nhiều người đang phải tiếp cận với các chất hóa học PFAS này, cũng như các chất mới như Genx, chúng ta cần phải hiểu là các chất hóa học này có gây bệnh cho thận hay không, và nếu có thì như thế nào,” theo lời bác sĩ Stanifer.

Khi xem xét kết quả 74 cuộc nghiên cứu về PFAS, các nhà nghiên cứu thấy rằng các chất hóa học nói trên có liên hệ tới các trường hợp suy thận cũng như các bệnh khác về thận. Các nhà nghiên cứu cũng nói họ đặc biệt lo ngại cho trẻ nhỏ vì dễ bị nhiễm các chất hóa học này hơn là người lớn.

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho hay các chất PFAS có thể tìm thấy trong bao bì chứa thực phẩm; các loại vải chống thấm; các đồ dùng nấu ăn không bị dính (non-stick); các chất chùi bóng, sơn, các chất chùi rửa; và thuốc xịt chống cháy. Các chất PFAS có thể tích tụ thời gian dài trong cá, các gia súc cũng như con người, cũng theo EPA.

Kết quả cuộc nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí Clinnical Journal of the American Society of Nephrology. (V.Giang)

Mời độc giả xem phóng sự “Đáy biển trên cao nguyên – Chuyện một người hoạ sĩ”

MỚI CẬP NHẬT