Thursday, March 28, 2024

Nhân viên cao niên nhất của tiểu bang Indiana nghỉ hưu ở tuổi 102

INDIANAPOLIS, Indiana (AP) – Một cụ ông 102 tuổi, người hiện là công chức cao tuổi nhất của tiểu bang Indiana, vừa quyết định nghỉ hưu sau gần sáu thập niên làm việc nơi này, nói rằng “Cơ thể bạn sẽ cho biết khi nào là đến lúc nghỉ hưu.”

Cụ Bob Vollmer dự trù ngày làm việc cuối cùng của mình tại Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên của tiểu bang Indiana là ngày 6 Tháng Hai tới đây. Cụ đang là một trắc địa viên (surveyor) của cơ quan này.

Cụ Vollmer, vào làm việc cho cơ quan từ năm 1962, sinh ra trong một gia đình có những người tuổi thọ rất cao. Mẹ của cụ sống tới năm 108 tuổi.

Trắc địa viên Vollmer, một cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến, hằng ngày vẫn đi đến các nơi trong tiểu bang Indiana để thu thập dữ kiện kỹ thuật và xác định đường ranh giới của các khu đất do Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên quản lý.

Tuy nhiên, cụ nói cơ thể của cụ thời gian gần đây báo với cụ rằng đã đến lúc nghỉ hưu.

“Tôi nghĩ rằng cơ thể bạn sẽ cho biết khi nào đến lúc nên nghỉ huu,” cụ Vollmer nói với đài truyền hình địa phương WXIN-TV. “Các bác sĩ nói với tôi rằng một trong những lý do khiến tôi còn hoạt động được là vì tôi có bộ phổi rất tốt,” cũng theo cụ Vollmer.

Cụ Vollmer tính dùng thời giờ nghỉ hưu của mình để đọc sách và làm ruộng (chứ không phải làm vườn cây cảnh).

Cụ cũng tính quay trở lại các chiến trường xưa ở vùng Nam Thái Bình Dương khi cụ còn phục vụ trong Hải Quân Mỹ.

Cụ Bob Vollmer làm việc đo đạc. (Hình: John Maxwell/ Indiana Department of Natural Resources via AP)

Cụ Vollmer tình nguyện gia nhập Hải Quân sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, theo một bản thông cáo của tiểu bang Indiana năm 2016, nhân dịp Thống Đốc Eric Holcomb trao tặng cụ giải thưởng cao quý nhất của tiểu bang là Sagamore of the Wabash.

Sau chiến tranh, cụ Vollmer về đi học đại học, tốt nghiệp trường Purdue University với bằng kỹ sư sinh học và nông nghiệp năm 1952. Đến năm 1962, cụ về làm việc cho Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên tiểu bang Indiana từ đó tới nay.

Trong bao nhiêu năm làm việc đó, cụ chứng kiến nhiều thứ thay đổi, kể cả việc dụng cụ đi từ mảnh giấy và cây viết chì sang đến các món ứng dụng khoa học kỹ thuật cao như máy GPS cầm tay.

Cụ Vollmer nói rằng thời gian phục vụ trên các chiến hạm thời Đệ Nhị Thế Chiến cho cụ ý tưởng làm việc trong ngành trắc địa.

“Tôi thấy một trong các sĩ quan của chiến hạm lên đài chỉ huy, dùng kính lục phân (sextant) và đồng hồ đeo tay để định vị trí chiến hạm. Dĩ nhiên là về sau tôi cũng biết rằng đó cũng là một phần của việc trắc địa.” (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT