Friday, March 29, 2024

Nhiều sinh viên California bị đói, sống nhờ thực phẩm tặng và food stamp

BERKELEY, California (NV) – Tại UC Berkeley, trong khi nơi bán thức ăn ở tầng trên của tòa nhà sinh viên có những món như ly cà phê mocha lớn với giá $4.5 hay nitro cold brew với giá $5 một ly, thì ở tầng dưới cũng có nơi chứa thực phẩm, nhưng lại hoàn toàn miễn phí – dành cho những sinh viên phải trông nhờ vào sự giúp đỡ để sống còn.

“Tôi hết tiền,” theo lời Christopher, sinh viên năm thứ ba, khi nhét hộp nước táo, nửa gallon sữa, hộp Puffin Cereal cùng hai hộp đậu pinto và bắp, năm món theo giới hạn của nơi cấp thực phẩm UC Berkeley Food Pantry, vào túi đeo lưng của mình.

Christopher, người yêu cầu không nêu tên họ, cho hay anh phải trông nhờ nơi cho thực phẩm này để sống còn, nhất là trong những khi hết tiền bất ngờ. Tuần qua, có người rạch bánh xe của anh, và nay anh phải chi $110 để mua vỏ mới. Nếu không có sự trợ giúp của nơi này, anh sẽ phải chọn lựa giữa xe và thực phẩm.

Thường thì khi phải đối diện với chọn lựa như vậy, sinh viên thường chọn cách nhịn đói.

Christopher là một trong hàng ngàn sinh viên đại học UC Berkeley phải trông nhờ vào Food Pantry. Hồ sơ ghi lại cho thấy chỉ trong Tháng Chín đã có 1,549 sinh viên đến nhận thực phẩm. Nhiều người khác cũng ghi danh vào chương trình food stamp, ở California gọi là CalFresh, mỗi tháng có thể cấp tới $192 tiền thực phẩm.

Khoảng hơn 500 sinh viên UC Berkeley nộp đơn xin trợ cấp food stamp kể từ Tháng Giêng tới nay, so với 111 cho cả năm ngoái và 41 cho năm trước đó.

Nhưng không phải ai xin cũng được chấp thuận. Năm nay, số người được chấp thuận là 73%, so với 62% của năm 2015. Có nghĩa là cũng có người bị đói nhưng không được nhận food stamp.

Một cuộc nghiên cứu của hệ thống University of California trên 9,000 người ở khắp 10 khuôn viên đại học trong năm 2015 cho thấy cứ năm người thì có một người, chừng 19%, cho hay không đủ ăn vì không đủ khả năng tài chánh. Có khoảng 23% khác cho hay thường xuyên dùng thực phẩm dưới tiêu chuẩn dinh dưỡng và không đổi món.

Vấn đề “không có an toàn thực phẩm-food insecurity” – nghĩa là từ thiếu ăn đến đói – nay trở thành sự thường thấy đại học, không chỉ trong hệ thống UC hay CSU ở California mà cả ở các trường khác như Stanford University, nơi lần đầu tiên trong lịch sử trường sẽ mở cửa phòng ăn trong thời gian nghỉ mùa Xuân (Spring Break) cho các sinh viên không có điều kiện ăn bên ngoài.

Một cuộc thăm dò của US News and World Report cho hay có 71% các sinh viên nhận tiền học bổng Pell Grant tại tiểu bang Wisconsin, nói rằng họ phải thay đổi cách mua thực phẩm và thói quen ăn uống vì không đủ tiền. Khi được hỏi là có đủ ăn hay không, khoảng 27% nói rằng họ không đủ tiền để mua thực phẩm và phải ăn ít đi.

Khi được hỏi là có khi nào phải nhịn ăn cả một ngày vì không có tiền mua thực phẩm, khoảng 7% các sinh viên đại học hai năm trả lời là có, với khoảng 5% sinh viên đại học bốn năm cho hay từng gặp phải trường hợp này. (Lê Tâm)

MỚI CẬP NHẬT