Thursday, April 25, 2024

Nón sắt thời Đệ Nhất Thế Chiến chống pháo kích tốt hơn nón thời nay

DURHAM, North Carolina (NV) – Một loại nón sắt được lính Pháp sử dụng thời Đệ Nhất Thế Chiến giúp bảo vệ chống sức ép của đạn pháo kích nổ trên đầu hơn cả loại của quân đội Mỹ chế tạo thời nay, theo kết quả nghiên cứu của một trường đại học Hoa Kỳ.

Theo bản tin của hãng thông tấn AFP, các kỹ sư ngành y sinh học (biomedical) tại đại học Duke University  ở North Carolina thử khả năng chống đạn pháo kích của các mẫu nón sắt từ thời Đệ Nhất Thế Chiến với loại nón sắt tối tân hiện nay của quân đội Mỹ, bằng cách sử dụng các làn sóng chấn động.

Tác giả cuộc nghiên cứu, sinh viên tiến sĩ Joost Op’t Eynde, nói rằng  “tuy chúng tôi thấy rằng tất cả các nón sắt đều cho sự bảo vệ chống lại sức ép của đạn pháo kích, chúng tôi đã ngạc nhiên khi nhận ra rằng chiếc nón sắt từ cả 100 năm trước có hiệu quả không kém gì nón sắt thời nay.”

“Và thật ra một số nón sắt thời cổ còn cho sự bảo vệ tốt hơn trong một số lãnh vực,” cũng theo Op’t Eynde.

Kết quả cuộc nghiên cứu, được đăng tải trên tạp chí PLOS ONE, cho thấy rằng nón sắt loại ‘Adrian” của Pháp thời Đệ Nhất Thế Chiến cho sự bảo vệ tốt hơn các nón sắt thời đại mới trước các trái đạn nổ ngay trên đầu.

“Cuộc nghiên cứu này, theo sự hiểu biết của chúng tôi, là lần đầu tiên xem xét đến khả năng bảo vệ của các nón sắt khi bị pháo kích,” theo Op’t Eynde.

Các loại nón sắt được thử nghiệm gồm loại “Brodie” được lính Anh và Mỹ dùng trong thời Đệ Nhất Thế Chiến, loại “Adrian” của Pháp, “Stahlhelm” của Đức và loại Advanced Combat Helmet của quân đội Mỹ hiện nay.

Việc thử nghiệm được tiến hành trên một hình nhân giả, bị sức ép của các làn sóng chấn động có cường độ khác nhau, để mô phỏng tác động của một trái đạn đại bác.

“Rủi ro thương tích cho người đội nón sắt loại Adrian của Pháp, thời 1915, ít hơn các loại nón sắt khác được thử nghiệm, kể cả loại nón sắt tân tiến của thời nay,” theo các tác giả cuộc nghiên cứu.

Nón sắt Adrian của Pháp có một cái mào ở trên chỏm đầu, vốn theo các nhà nghiên cứu thì có thể giúp làm lệch hướng sức ép.

Sau vụ pháo kích của Iran vào một căn cứ Iraq có quân Mỹ trú đóng khiến khoảng 100 người bị chấn thương não, việc bảo vệ người lính chống sức ép của đạn pháo nay được chú ý hơn.

“Việc có vành nón rộng hơn hay có cái mào có thể tạo sự khác biệt để bảo vệ chống sức ép pháo kích, cũng cho thấy mức độ quan trọng của việc nghiên cứu này,” theo Op’t Eynde. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT