Thursday, March 28, 2024

Tranh cãi về thành quả 100 ngày của Tổng Thống Donald Trump

Hà Giang/Người Việt (tổng hợp)

Một đề tài đang gây sôi nổi bàn cãi là Tổng Thống Donald Trump đạt thành tích nào trong 100 ngày đầu tiên.

Tổng Thống Donald Trump ông tuyên bố hôm 24 Tháng Tư 2017, trước một cử tọa tại Kenosha, tiểu bang Wisconsin, rằng: “không một chính quyền nào đã tạo được nhiều thành quả hơn tôi trong 90 ngày đầu tiên.”

Tuyên bố trên bị nhiều bình luận gia cho là “kiêu ngạo” cho một chính quyền được tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, chỉ trên dưới 40% theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận “chấm điểm” các tổng thống mới nhậm chức được 100 ngày.

Mức ủng hộ trung bình của Trump đứng ở khoảng 40% – thấp nhất cho một tổng thống trong thời gian này – và là điều khiến người ta không thể không đặt câu hỏi là liệu Trump có khả làm gì trong tương lai.

Đúng với cá tính cố hữu của mình, trước đó, ông Donald Trump đã gửi đi một tweet, dằn mặt những tờ báo mà ông dự đoán sẽ chấm điểm mình một cách gắt gao:

“Cho dù tôi có đạt được bao nhiêu thành quả trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ, và quả thật (tôi) đã làm được nhiều lắm, giới truyền thông cũng vẫn cứ ‘giết’ (tôi)!”

Chẳng riêng giới truyền thông, các sử gia lật đua nhau lại tài liệu để tìm thành quả của các đời tổng thống Mỹ từ Franklin D. Roosevelt, rồi kết luận ông Trump “không có nhiều bằng chứng” để khoe là chính quyền mình đã làm được nhiều việc nhất trong 100 ngày đầu tiên.

So với những vị tiền nhiệm, tổng Thống Donald Trump không tạo được thành quả lớn nào về lập pháp: Barack Obama đã thông qua một kế hoạch kích cầu lớn và luật trả lương bình đẳng trong 100 ngày đầu tiên. Cùng trong thời gian này, Hạ Viện ủng hộ kế hoạch giảm thuế của George W. Bush, mà ông ký thành luật vào Tháng Sáu. Bill Clinton thông qua đạo luật về nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế. Roosevelt tận dụng được một cuộc khủng hoảng ngân hàng để cho Quốc Hội phê chuẩn hàng loạt những dự luật cao nhất trong nhiều thập niên. Lyndon Johnson ổn định được tâm lý của người dân trong một quốc gia buồn thảm sau khi John F. Kennedy vụ ám sát.

Đương nhiên việc làm của Tổng Thống Trump trong ba tháng đầu được đánh giá tốt xấu khác nhau, tùy người chấm điểm.

Cái nhìn của giới ủng hộ

Trước hết, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Reince Priebus, trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC khẳng định rằng: “ông ấy [Tổng Thống Donald Trump] sẽ thực hiện những điều mình cam kết và làm với tốc độ nhanh chóng mặt.” Ông Priebus dẫn ra việc tăng ngân sách quốc phòng và quyết định rút ra khỏi TPP.

Việc thẩm phán Neil Gorsuch, một người khá bảo thủ, được bổ nhiệm vào tối cao pháp viện, cũng được giới ủng hộ ông Trump cho là một thắng lợi lớn, dù để làm được việc này, đảng Cộng Hòa đã phải đổi quy tắc của Thượng Viện để lấn lướt sự phản đối của đảng Dân Chủ, một điều có thể tạo nguy hiểm cho chính đảng mình trong những lần bỏ phiếu sau này, khi đảng Dân Chủ cầm quyền.

Nhiều đảng viên Cộng Hòa, nhất là những người sớm ủng hộ Donald Trump như Bryan Lanza, phó giám đốc truyền thông của chiến dịch tranh cử tổng thống cho liên danh Trump-Pence, tế nhị nói cử tri hiểu rằng muốn thực hiện được những điều mình hứa, vị tổng thống mới này sẽ phải cần rất nhiều thời gian.

“Giới cử tri bầu cho Trump chấm ông điểm A về mặt nỗ lực. Họ biết ông đang cố gắng hết sức và để làm được những gì ông cam kết phải có một quá trình rất dài.” Bryan Lanza nói, và khẳng định: “Hoa Thịnh Đốn sẽ không thể thay đổi trong vòng 100 ngày. Việc ông Trump muốn làm là phá vỡ một tổ chức, một cơ cấu mà bản chất không muốn thay đổi.”

Thành quả lớn nhất của Tổng Thống Donald Trump trong 100 ngày đầu tiên có lẽ là việc ông vẫn giữ vững được sự hỗ trợ và lòng tin của những cử tri đã đưa mình vào Tòa Bạch Ốc. Một cuộc thăm dò do ABC/Washington Post công bố hôm Chủ Nhật, cho thấy trong những người bầu cho ông, mức ủng hộ là 94%. Một loạt các cuộc thăm dò ý kiến khác cho biết chỉ từ 2% đến 4% người từng bỏ phiếu cho ông hối hận về lựa chọn của mình.

Những lời chỉ trích

Giới chỉ trích ông khe khắt hơn nhiều. Họ cho rằng không những Donald Trump đã không tạo được thành quả chính trị đáng kể trong 100 ngày đầu, mà qua những cáo buộc vu vơ không bằng chứng, còn làm lu mờ hình ảnh của văn phòng một tổng thống. Chẳng hạn cáo buộc cựu Tổng Thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại của Donald Trump, hay cáo buộc hàng triệu cử tri bất hợp pháp đã dồn phiếu cho đối thủ Hillary Clinton.

“Đây không phải là Abraham Lincoln, đây không phải là John Kennedy, đây không phải là Ronald Reagan, đây là một người có cái nhìn khác hoàn toàn khác về nước Mỹ,” ông Joseph Crowley, một người thuộc đảng Dân Chủ ở New York, nói: “Ronald Reagan sử dụng 100 ngày đầu tiên để xoay chuyển tâm trạng của quốc gia, đặt nền móng cho một nhiệm kỳ tổng thống thành công, ngược lại Trump đã làm trầm trọng thêm những câu hỏi về sự thiếu kinh nghiệm và tính khí của ông ta.”

Max J. Skidmore, giáo sư khoa học chính trị thuộc đại học Missouri ở Kansas, tác giả cuốn “Presidential Performance: A Comprehensive Review,” nhận định: “Trump đúng là một tổng thống khác hẳn những tổng thống khác, nhưng khác vì lý do khác với những gì ông ta nói.”

“Chẳng những ông [Donald Trump] hầu như không thực hiện được điều gì, mà nhiều nỗ lực của ông (các sắc lệnh cấm nhập cư bị tòa án liên bang đình chỉ, dự luật quan trọng bác bỏ Obamacare thậm chí còn không được mang ra bỏ phiếu trong lúc đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở cả hai viện) đều là những thất bại lớn.”

Về di trú, các sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông đã hai lần bị tòa án liên bang bác bỏ.

Về cải tổ y tế, đảng Cộng Hòa hiện vẫn còn đang tiếp tục tìm cách đưa ra một dự luật hủy bỏ và thay thế Obamacare. Nhưng cho đến lúc cái mốc 100 ngày đã gần kề, vẫn không rõ liệu dự luật mà trước đó đã không được mang ra bỏ phiếu, vì không có sự ủng hộ tối thiểu tại hạ viện [nơi đảng Cộng Hòa chiếm đa số] bây giờ có đủ số phiếu ủng hộ hay chưa.

Về việc xây bức tường ngăn cách Mỹ với Mexico, và bắt Mexico phải trả tiền, tường thì chưa biết bao giờ mới xây, Mexico thẳng thừng từ chối không trả tiền. Hiện Tòa Bạch Ốc đang ráo riết đàm phán để giữ cho chính phủ tiếp tục hoạt động qua ngày 28 Tháng Tư, với hy vọng sẽ ép đảng Dân Chủ phải ủng hộ một số khoản tài trợ cho việc xây tường. Giới phân tích cho rằng đây là một chiến thuật chứa nhiều rủi ro.

Về cải tổ thuế: Hôm Thứ Tư, chính quyền Donald Trump đưa ra các đề nghị cắt giảm mức thuế nhắm vào các công ty từ 35% xuống 15% cũng như giảm thuế mạnh cho người dân. Nhưng đề nghị thiếu chi tiết đang phải đối diện với câu hỏi là lấy tiền đâu để bù lại khoản bị mất đi vì tiền thu thuế bị xuống thấp.

Theo tờ Washington Post, cho đến giờ Tổng Thống Trump đã ban hành 24 sắc lệnh, 22 bản ghi nhớ, và 20 tuyên bố. Ông đã phê chuẩn 28 dự luật thành luật, 13 trong số này nhằm đảo ngược các chính sách của thời Obama, số còn lại được giới chuyên gia gọi là “những bộ luật lặt vặt,” và như vậy, chưa ban hành được bộ luật nào lớn.

Những nhận xét thú vị

Nhiều sử gia cho rằng đo lường thành quả trong 100 ngày đầu của một tổng thống là việc làm không có ý nghĩa lắm vì việc một tổng thống chưa ký được một đạo luật quan trọng trong vòng 100 ngày không có nghĩa là ông ấy sẽ là một tổng thống dở.

Tác giả Max J. Skidmore vạch ra rằng cả hai Tổng Thống Truman và Dwight Eisenhower đều phải bận tâm với chiến tranh trong suốt 100 ngày đầu tiên, cho nên không có nhiều thành quả về lập pháp trong thời gian đó, nhưng cả hai sau này đều được cho là những tổng thống thành công. Tương tự, chính quyền Bill Clinton cũng từng trải qua 100 ngày đầu tiên hỗn loạn, nhưng sau đó đã thành công trong chính sách mở rộng kinh tế và ông Clinton rời chức vụ với điểm ủng hộ rất cao (gần 60%).

Ông H.W. Brands, một nhà sử học thuộc trường đại học Texas-Austin, tác giả cuốn “Traitor to His Class: The Privileged Life and Radical Presidency of Franklin Delano Roosevelt,” cho rằng đánh giá thành quả 100 ngày của tổng thống chỉ là “trò chơi của giới truyền thông.”

Đồng ý với H.W. Brands, ông John Frendreis, một nhà khoa học chính trị tại đại học Loyola ở Chicago, cho rằng 100 ngày của Donald Trump có vẻ tương tự như 100 ngày của Bill Clinton, cũng thiếu tổ chức, rời rạc và đánh dấu bằng sự thất bại trong việc thông qua dự luật quan trọng, gói kích thích kinh tế (cải tổ y tế trong trường hợp của Trump). Ông Frendreis lập luận: “Điều đáng chú ý là Tổng Thống Clinton đã khá thành công sau khởi đầu không mấy suôn sẻ, điều này cho thấy Trump cũng có thể xoay chuyển tình hình.”

Tác giả cuốn: “Nothing to Fear: FDR’s Inner Circle and the Hundred Days That Created Modern America,” ông Adam Cohen, quan niệm rằng đôi khi thành tựu lớn nhất của một vị tổng thống trong thời gian đầu là những thành quả vô hình, trừu tượng. Chẳng hạn, “Tổng Thống Franklin Roosevelt đã trấn tĩnh được một quốc gia bị nao núng cùng cục bởi cuộc Đại Suy Thoái kinh tế, trong khi đó, Tổng Thống Lyndon Johnson trấn an được người dân Mỹ sau cú sốc Tổng Thống John Kennedy bị ám sát,” tác giả Cohen dẫn chứng.

“Dù chưa có được nhiều thành tựu rõ ràng cụ thể, chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đã thay đổi quỹ đạo chính trị và văn hoá của nước Mỹ – không được bằng mức độ như Franklin Roosevelt làm sau khi kế vị Herbert Hoover, nhưng nhiều hơn một vị tổng thống mới trung bình,” ông Cohen nhận định.

Có lẽ chuyện đáng nói nhất trong cái mốc 100 ngày của Donald Trump là qua ba tháng đầu “thử việc” ông giờ đây đã được thực tế dạy cho biết hiểu rõ hơn về quyền hạn và giới hạn của một tổng thống. Kinh nghiệm này mọi vị tổng thống bước vào Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên đều phải rút tỉa, nhưng so với họ, Tổng Thống Donald Trump, người trước đây chưa hề tham chính, có nhiều điều để suy gẫm nhất. Những kinh nghiệm ông rút tỉa được trong 100 ngày qua chỉ có thể giúp ông làm việc hữu hiệu hơn trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Việc văn phòng của Tổng Thống Donald Trump vừa mời toàn thể Thượng Viện được đến Tòa Bạch Ốc để thảo luận với các dân cử về vấn đề đối ngoại là một sự kiện đáng chú ý, có thể đánh dấu việc ông sẵn lòng cộng tác với mọi giới để đạt được kết quả tốt nhất.

Liên lạc tác giả: [email protected]
———-

job-rating-poll-0426
Mức ủng hộ của một số tổng thống ở thời điểm 100 ngày tại chức
Donald Trump: 41%
Barack Obama: 68%
G. W. Bush: 56%
Bill Clinton: 49%
Ronald Reagan: 67%
Jimmy Carter: 64%

MỚI CẬP NHẬT