Friday, March 29, 2024

Thuốc có giá $40 nhưng phải trả copay tới $285

SAN FRANCISCO, California (NV) – Hai năm trước đây, bà Gretchen Liu, 78 tuổi, bị chứng gọi là Transient Ischemic Attack (TIA-Cơn thiếu máu tạm thời), do máu không lên được tới não trong thời gian ngắn, lúc đang đi du lịch ở Trung Quốc.

Khi trở về nhà ở San Francisco, bác sĩ cho bà uống loại thuốc có tên telmisartan để giúp điều hòa áp huyết.

Bà Liu và ông chồng Z. Ming Ma được bảo hiểm theo chương trình Anthem Medicare. Bà Ma mua thuốc telmisartan qua Express Scripts, một công ty cung cấp các dịch vụ về dược phẩm cho Anthem và cũng gửi thuốc đến nhà.

Theo bản tin của PBS, bà Ma phải trả số tiền copay là $285 cho lượng thuốc dùng trong 90 ngày.

“Tôi thấy giá quá cao mà không hiểu vì sao. Đây là thuốc loại generic mà,” theo lời bà Ma.

Nhưng vì tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe, bà Ma đành phải trả tiền.

Một tháng sau đó, hai ông bà lại có chuyến đi khác và bà Ma phải mua thêm thuốc dự phòng.

Do chưa hết hạn 90 ngày, công ty Anthem không chịu trả cho tiền mua thuốc. Do vậy, trong lần đi mua sắm ở tiệm Costco, ông chồng bà Ma hỏi người dược sĩ nơi này là nếu ông mang toa thuốc tới và trả tiền mặt thì chi phí sẽ là bao nhiêu.

Người dược sĩ cho ông biết là vào khoảng $40.

“Tôi thật bàng hoàng,” bà Ma nói. “Tôi không hề biết rằng nếu tôi trả tiền mặt, họ sẽ cho tôi giá khác.”

Việc bà Ma phải trả số tiền copay cao hơn giá thuốc không phải là điều hiếm thấy.

Kết quả một cuộc nghiên cứu do trung tâm Schaeffer Center for Health Policy and Economics tại trường đại học University of Southern California (USC) thực hiện và công bố hồi Tháng Ba, cho thấy tiền trả copay bảo hiểm cao hơn giá thuốc xảy ra trong khoảng 25% các lần bệnh nhân mua thuốc.

Các nhà nghiên cứu ở USC phân tích 9.5 triệu toa thuốc trong sáu tháng đầu của năm 2013 và thấy rằng số tiền copay trả cao hơn trung bình vào khoảng $7.69.

Nữ kinh tế gia Karen Van Nuys thuộc đại học USC, một trong các thành viên tham gia cuộc nghiên cứu,  cũng thấy rằng chính cá nhân bà nếu tự trả tiền cho loại thuốc trợ tim của mình thì chỉ có $35, trong khi dùng bảo hiểm thì phải trả copay là $120.

Kinh tế gia Geoffrey Joyce tại USC, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, nói rằng sự nghịch lý này xảy ra là vì các công ty bảo hiểm để cho giới trung gian điều hành, gọi là “pharmacy benefit managers- PBM”, tự quyết định là thuốc nào được bảo hiểm trả và số tiền copay là bao nhiêu.

Ngoài ra, cũng có các thỏa thuận về “rebate” giữa công ty dược phẩm và các PBM, khiến các dược phòng có lợi hơn nếu chuyên chú bán một loại thuốc nào đó và được đưa lại một phần tiền. (V.Giang)

Microsoft nói Nga định tin tặc vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới

MỚI CẬP NHẬT