Friday, March 29, 2024

8 họa sĩ hoài niệm về quê hương qua ‘Màu Phố Cũ’ tại Little Saigon

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Màu Phố Cũ” là triển lãm hội họa của nhóm tám họa sĩ là bạn bè thân hữu của nhau gồm Ái Lan, Nguyễn Văn Bảy, Võ Hy, Phan Chánh Khánh, Dương Ngọc Sum, Lương Trường Thọ, Nguyễn Xuân Trung, và Trương Đình Uyên sẽ bắt đầu từ Thứ Sáu, 15 Tháng Chín, tại Việt Báo Gallery, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.

Họa sĩ Trương Đình Uyên, đại diện nhóm tám họa sĩ, cho biết triển lãm sẽ diễn ra bốn ngày, mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày. Lễ khai mạc, cắt băng khánh thành lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy. Bế mạc lúc 7 giờ tối Thứ Hai, 18 Tháng Chín.

“Hồi đầu năm nay, nhóm bạn họa sĩ chúng tôi ngồi với nhau và nảy ra ý định sẽ làm buổi triển lãm về cố đô Huế. Lúc bấy giờ trong nhóm có năm họa sĩ gốc Huế, nhưng sau đó mời thêm ba họa sĩ có tác phẩm giá trị nữa. Tuy nhiên, anh Lương Trường Thọ thì gốc miền Trung, anh Nguyễn Xuân Trung gốc miền Bắc, còn anh Nguyễn Văn Bảy gốc miền Nam,” ông kể.

“Và như vậy không thể chọn chủ đề về Huế. Lúc bấy giờ tôi mới nghĩ, nên chọn một cái tên có tính chung, gợi sự hoài niệm về quê hương, về những thành phố cũ khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Thế là chúng tôi chọn chủ đề là ‘Màu Phố Cũ’ (Nostalgia),” ông kể thêm.

Ông tâm sự: “Tôi có nói với mấy anh em họa sĩ rằng, có người từng triển lãm, có người học vẽ tại Việt Nam, có người học vẽ tại Mỹ nhưng chưa có cơ duyên triển lãm chung với nhau, nhất là tại Orange County nơi mọi người cùng sinh sống. Vì vậy ý tưởng cùng làm một triển lãm nhỏ nhưng quy mô, được anh em ủng hộ.”

“Chúng tôi dự trù tám họa sĩ thì mỗi người khoảng bốn đến sáu bức tranh, nên sẽ có khoảng 36-40 bức cho kỳ triển lãm này, trong đó khoảng một nửa là mới vẽ, còn một nửa là vẽ từ trước rồi. Ngoài một, hai bức của mỗi người về thành phố cũ, quê hương cũ thì còn có một số tranh nói về tình yêu, một số là điêu khắc, cùng một vài bức tranh trăn trở về thảm trạng ô nhiễm ở quê hương khi thấy Formosa thải chất độc, hại môi trường, làm cho người dân miền Trung khốn đốn,” ông giới thiệu.

“Riêng tôi, trong kỳ triển lãm này tôi gửi tới sáu bức, có bốn bức nói về hoài niệm về quê hương, về màu phố cũ, về thành phố Huế nơi tôi sinh ra và lớn lên. Còn lại là hai bức tranh tôi nói về vấn đề môi sinh, một bức là ‘Biển Chết,’ và một bức tôi rất tâm đắc là ‘Cá Chết Nổi Lên, Tôi Chìm Xuống.’ Chìm xuống ở đây là chìm xuống với nỗi buồn. Đó là bức tôi cảm tác khi nghe tin biển miền Trung bị hủy hoại vô lý do một công ty Formosa tới thải chất độc ra trên quê hương mà mình không có biện pháp nào ngăn ngừa. Điều đó làm tôi trăn trở, đau khổ và cảm tác vẽ nên bức tranh về môi sinh này. Trong tương lai tôi dự trù tổ chức một buổi triển lãm tranh của họa sĩ vẽ về đề tài này,” ông nói thêm.

Tranh sơn dầu “Mẹ” của họa sĩ Ái Lan. (Hình: Trương Đình Uyên cung cấp)

Ông cho hay: “Triển lãm ‘Màu Phố Cũ’ có nhiều thể loại nghệ thuật và chất liệu khác nhau, như sơn dầu, sơn dầu trên bố, acrylic, pastel (hay còn gọi là phấn tiên), tranh tổng hợp mix media, tranh cắt dán, điêu khắc trên đồng… Đây là triển lãm khá quy mô trong năm năm gần đây, và rất công phu.”

“Công phu là vì chúng tôi chọn lọc họa sĩ có tầm vóc một tí, nghĩa là những họa sĩ có tranh giá trị, tài năng của họ có thể giúp người xem tranh có thể thấy mình qua từng tác phẩm, nhớ đến những kỷ niệm xưa cũ mà quen thuộc nhưng cũng đầy ám ảnh,” ông nói.

“Triển lãm này tới bốn ngày, cũng là dịp để chúng tôi thử nghiệm xem đón được nhiều người đến thưởng lãm không. Thật sự, trong cộng đồng không có nhiều cuộc triển lãm tranh với tính cách quy mô. Lý do là hoặc quá đông thì cách trưng bày tranh bị ảnh hưởng vì không gian quá hẹp mà số lượng người tham gia quá nhiều. Hoặc buổi triển lãm quá ít người tham gia nên nó không thực sự có quy mô lớn,” ông tâm sự.

“Đây cũng là lần đầu tiên trong năm năm trở lại, có một nhóm tương đối nhỏ và có một sự tuyển chọn đàng hoàng, tức đa số họa sĩ là những họa sĩ tên tuổi và là những họa sĩ tương đối có những tác phẩm đẹp trong cộng đồng họa sĩ ở đây. Vì vậy, tôi mong đón nhiều bạn hữu, những người yêu thích hội họa, yêu thích nghệ thuật tìm tới chiêm ngưỡng tác phẩm mới của tám họa sĩ. Đây là những tác phẩm chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo và tâm huyết,” ông giới thiệu.

Dù vậy, nỗi ưu tư lớn nhất của ông hiện nay là: “Cá nhân tôi rất phục những người làm nghệ thuật trong cộng đồng Việt Nam. Bởi vì người nào dấn thân vào lĩnh vực sáng tác như hội họa thì phải hy sinh rất nhiều, mà đền bù cho công sức của họ bỏ ra thì không bao nhiêu.”

“Người Việt Nam ít thưởng lãm nghệ thuật so với dân tộc khác, có lẽ vì xứ mình nghèo, đất nước mình trải qua bao nhiêu năm dài chiến tranh nên nghệ thuật là thượng tầng kiến trúc của xã hội không được người ta chú trọng tới như những nước phát triển ở Tây phương hay những nước tiên tiến khác. Do đó cá nhân tôi rất ngưỡng mộ những người nghệ sĩ dám dấn thân làm trong việc này, bởi vì biết rằng họ phải trả một giá rất đắt, rất tâm huyết, nhưng hầu như không thu lại được gì,” ông phân tích.

“Họ giống như con tằm nhả tơ, vì đam mê mà họ làm thôi, chứ nếu nghĩ rằng mình được lợi nhuận nào đó qua việc bán những tác phẩm của mình thì rất là khó. Quả thật, rất khó bán tranh và rất khó tìm người thưởng tranh. Đa số người đến coi tranh là bạn của họa sĩ, hay bạn nhiếp ảnh đến thưởng lãm thôi, chứ cộng đồng mình cũng không quan tâm mấy,” ông nói.

“Người ta nói kiếp tằm thì phải nhả tơ, cũng giống như người đam mê nghệ thuật thì phải làm ra tác phẩm. Nhưng làm ra tác phẩm chỉ để mình ngắm thôi thì chưa toại nguyện ước mơ của mình, mà muốn được người đồng điệu thì rất mong đồng hương, người thưởng lãm đến tham dự, chia sẻ,” ông mời gọi.

Góp mặt tại triển lãm, họa sĩ Ái Lan, nữ họa sĩ duy nhất trong tám họa sĩ, cho biết: “Triển lãm nào tôi cũng đặt hết niềm vui trong đó vì có cơ hội bày tỏ những tâm sự của mình đến những khán giả xem tranh. Lần này, tình cảm tôi gửi vào tranh nói về một thời hoàng kim cổ truyền Huế. Tôi có một bức tranh đặc biệt cho triển lãm này mang tên ‘Dáng Xưa Tôn Nữ.’”

“Ngoài ra, bức ‘Thời Gian’ có dáng cô gái và con ngựa bên cạnh, ý là thời gian nhanh như bóng chim câu. Khi thời gian qua đi thì không bao giờ trở lại mà như một hoài niệm. Những gì hôm qua mình thấy thì hôm nay đã là quá khứ rồi. Có thể là hoài niệm vui, có thể là hoài niệm buồn về miền quê Việt Nam, về cuộc sống, về con người…” nữ họa sĩ chia sẻ.

Họa sĩ Trương Đình Uyên. (Hình: Trương Đình Uyên cung cấp)

Họa sĩ Ái Lan tên thật Công Tằng Tôn Nữ Ái Lan, sinh tại Huế. Học Mỹ Thuật Huế năm 1986. Giải thưởng Hội Mỹ Thuật Sài Gòn 2006, 2007. Bà có tranh trong các bộ sưu tập tại Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Nam Hàn, Đài Loan và Singapore. Là họa sĩ trẻ nghiêng về trường phái biểu tượng (symbolism) và bán trừu tượng (semi-abstract), tranh của bà luôn mang hình ảnh đẹp của người phụ nữ Á Ðông và trăng.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1934 tại Châu Đốc, An Giang. Ông tốt nghiệp và giảng dạy tại trường Mỹ Thuật Gia Định năm 1961. Ông đoạt được nhiều giải vàng, bạc, đồng của Pháp, Ý… Trong triển lãm này, bức poster lớn treo trước khi vào phòng tranh, sử dụng bức tranh sơn dầu “Ánh Sáng và Niềm Tin” của ông.

Họa sĩ Phan Chánh Khánh sinh năm 1949 tại Huế. Ông tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế chuyên về sơn dầu năm 1971. Năm 1992 ông di cư sang Hoa Kỳ. Ông không vẽ nhiều, các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng tranh lụa và tranh sơn mài truyền thống Việt Nam.

Họa sĩ Dương Ngọc Sum sinh tại Huế, tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1967, là sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức năm 1968. Ông định cư diện H.O. năm 1994. Ông từng đậu thủ khoa Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, sở trường hiện nay của ông là tranh cắt dán. Trong triển lãm này ông còn giới thiệu thêm tranh sơn dầu.

Mời độc giả xem phóng sự “Muôn nẻo đường đến với nghề nail”

Họa sĩ Lương Trường Thọ sinh tại Khánh Hòa. Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định. Hội viên Exotic Art Club Hamburg (Đức), World Art Foundation (California), Orange County Fine Arts (California). Ông là phó chủ tịch Hội Họa Sĩ Việt Nam Hải Ngoại, Nhóm Họa Sĩ Nam California. Ông tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và hải ngoại như Đức, Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Anh, Nhật… Ông chuyên về sơn dầu theo phong cách trừu tượng.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Trung sinh tại Hải Phòng, năm 1971 du học tại Hoa Kỳ, ngành học chính là mỹ thuật và thiết kế đồ họa. Ông đem đến triển lãm những kỷ niệm thời niên thiếu, những nơi chốn cũ, những bài ca xưa…

Họa sĩ Võ Hy sinh năm 1946 tại Huế. Ông bước vào ngành hội họa cách nay 7-8 năm, sau thời gian nghỉ hưu làm việc về kiến trúc, xây dựng thì ông tự học, tự trau dồi nghề nghiệp về hội họa, và thường xuyên vẽ để triển lãm với bạn hữu.

Họa sĩ Trương Đình Uyên sinh năm 1961 tại Huế. Ông tốt nghiệp cử nhân Mỹ Thuật tại Oklahoma, Hoa Kỳ năm 1986. Là hội viên của Hội Họa Sĩ Việt Nam Hải Ngoại và Nhóm Họa Sĩ Nam California. Ông sáng tác các loại hình nghệ thuật điêu khắc, hội họa, mixed media, digital art… (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT