Friday, March 29, 2024

Ái Hữu Long Xuyên-An Giang họp mặt Tất Niên sớm


Nguyên Huy/Người Việt


 


“Năm nay Hội Ái Hữu Long Xuyên-An Giang tổ chức Tất Niên cũng là họp mặt mừng Xuân sớm là vì để bà con Long Xuyên-An Giang khắp nơi có thư thả thì giờ đến tham dự cho đúng nghĩa đoàn tụ ngày Xuân.










Các nữ hội viên Long Xuyên-An Giang trong ngày Tân Niên Xuân Nhâm Thìn 2012.


Thứ Hai là cận ngày tuy có không khí Xuân và Tết nhiều hơn, nhưng đa số lại bận rộn với Xuân với Tết trong gia đình nên thì giờ rất eo hẹp. Sau nữa là những ngày cận Tết, đầu Xuân thì ‘book’ được nhà hàng thật là khó khăn. Vì những lẽ trên nên anh chị em trong hội cùng đồng lòng tổ chức Tất Niên và mừng Xuân sớm đi một chút.”


Cả hai ông Liêm Bùi trong ban tổ chức và Võ Hiền Nhơn phó nội vụ đều cho biết như vậy.


Theo ông Võ Hiền Nhơn thì buổi tiệc Tất Niên này là dịp cho bà con Long Xuyên-An Giang cùng đứng chung trước bàn thờ Tổ mà ban tổ chức sẽ đặc biệt sắp xếp năm nay. Chúng ta cùng chung một Tổ. Người dân Long Xuyên còn có tổ tiên chung của những ngày mở nước về phương Nam thời các Chúa Nguyễn, quy tụ được không chỉ những người dân miền Trung, miền Bắc mà còn có cả các dân tộc Hoa, Khmer, Chàm. Tất cả đã cùng từng mở đất phương Nam để có được vùng đất phì nhiêu như ngày nay.


Ông Liêm Bùi trong ban tổ chức cho biết thêm: “Bà con Long Xuyên-An Giang chúng tôi hàng năm có hai lần gặp gỡ, một vào dịp Hè và một vào dịp Tất Niên hay Tân Niên. Dịp Hè thì cả hội đều dồn sức vào tổ chức cho lớp trẻ hậu sinh biết đến quê hương xứ sở, nên không khí buổi gặp gỡ này thường là vui chơi, thoải mái. Nhưng những buổi gặp mặt Tất Niên hay Tân Niên thì trang trọng hơn để con em biết trân trọng đến những phong tục cổ truyền trong nền nếp văn hóa của người Việt mình.”


Buổi tiệc Tất Niên sẽ diễn ra từ lúc 6 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 13 Tháng Giêng tới đây tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, số 8058 đường Lampson Ave. (góc đường Beach) trong thành phố Garden Grove, CA 92841.


Tiệc sẽ có hai phần là phần Nghi Lễ cúng Tất Niên Tổ Tiên Ông Bà trước một bàn thờ có đủ lễ bộ thờ cúng như khi còn ở quê nhà, có câu đối đỏ, có bánh chưng xanh, có lân có pháo rộn ràng. Sau đó là một lễ chúc thọ các hội viên từ 80 tuổi trở lên. Những hội viên này là những khách danh dự của hội. Với những hội viên khác, ban tổ chức cũng yêu cầu “tất cả các hội viên tham dự nên mặc quốc phục, cả nam lẫn nữ để không khí buổi họp mặt Tất Niên được trang trọng hơn, không bị lạc vào không khí nhàm chán của những buổi tiệc vui họp mặt thường lệ,” ông Liêm Bùi nhắc nhở thêm.


Sau phần nghi lễ là phần phát quà Tết cho các hội viên tham dự đồng thời là một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những câu hò điệu hát của sông nước miền Nam ngọt ngào trên dòng An Giang nước biếc với những cô gái hiền thục trong những tấm áo bà ba nền nã và chiếc quần láng lụa Tân Châu.


Ông Võ Hiền Nhơn còn cho biết xen kẽ trong những tiết mục văn nghệ là các quan khách thân hữu của Long Xuyên-An Giang sẽ lên trình bày những cảm nghĩ của mình với người dân và quê hương Long Xuyên, đồng thời cũng nhắc nhớ đến những phong vị Tết một thời nơi quê nhà mà những hội viên cao niên bây giờ, lúc ấy còn là tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống mỗi khi Xuân về Tết đến. Biết bao nhiêu là ý với tình khi người ta còn độ tuổi đương thì, nay có dịp cùng nhau trao qua đổi lại như một cuộc tính sổ cuối năm, cũng là tính sổ đời lưu vong đã 37 năm có lẽ.


Dĩ nhiên là cũng không thiếu việc tổng kết một năm qua của Ban Chấp Hành gồm hội trưởng Lưu Sĩ Trí, hai hội phó là Võ Hiền Nhơn và Cao Hữu Tài cùng tổng thư ký là Dương Sĩ Tín và thủ quỹ là bà Trần Mộng Uyển cùng nhà thơ Nhất Phương ban Báo Chí Xã Hội, để bà con cùng đóng góp thêm vào việc duy trì những sinh hoạt tốt đẹp của hội cũng như cho lớp trẻ Long Xuyên-An Giang.


Ông hội phó Võ Hiền Nhơn xin nhật báo Người Việt chuyển đi hộ lời mong mỏi sau: “Chúng tôi trong ban điều hành tha thiết mong mỏi đồng hương Long Xuyên-An Giang tới dự buổi Tất Niên này thật đông để chúng ta cùng làm sống lại cái Tết của cha ông cho con cháu noi theo, dù chúng ta còn ở trên quê hương hay đang lưu vong chốn hải ngoại, lúc nào chúng ta cũng giữ vẹn được nghĩa tình.”


Long Xuyên-An Giang là một tỉnh từng có nhiều thay đổi về địa danh theo các thời Pháp thuộc, đệ I Cộng Hòa, đệ II Cộng Hòa và chế độ hiện nay do vì an ninh và tổ chức hành chánh của từng chế độ. Nhưng dù có địa danh nào Long Xuyên hay An Giang thì vùng đất này sông ngòi chằng chịt, hệ thống đường thủy nhiều hơn đường bộ, vùng đất của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và có những địa danh nổi tiếng như Cù Lao Ông Chưởng với cá mắm đầy sông, rau cỏ đầy ruộng, lúa trải đầy đồng, cây trái đầy vườn nên mức sống của người dân rất thanh nhàn sung túc.


Ra đến hải ngoại qua những đợt di tản 75, ODP, HO người dân Long Xuyên-An Giang đã cùng cộng đồng người Việt khắp nơi đóng góp công sức vào sự phát triển của các nơi mình cư ngụ. Tại Nam California, người dân Long Xuyên-An Giang có nhiều người rất thành công trong thương trường nhưng hầu hết đều xin không nêu danh tánh. Cả tuổi trẻ của Long Xuyên-An Giang, học vấn của các em cũng khá xuất sắc, có nhiều trường hợp thành đạt nhưng cũng khiêm nhường xin không nêu tên. Ðó phải chăng là cái đức tính của người dân miền sông nước phì nhiêu của đồng bằng Cửu Long. Nhưng chắc chắn đó là cái tính khiêm nhường của người dân Việt.


–––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT