Friday, March 29, 2024

Ăn Tết ở Little Saigon: ‘Thành công và thân thiện!’

 


Bài và hình: Huy Phương/Người Việt 


 


“Thành công và thân thiện!” Ðó là nhận xét của một đôi vợ chồng Mỹ-Việt mới về Little Saigon hơn 10 ngày để ăn Tết Việt Nam về cộng đồng người Việt tị nạn ở đây.

Trong khi người Việt khắp nơi trên thế giới, đua nhau“về quê ăn Tết,” thì cũng không thiếu những gia đình trên đất Mỹ, chọn một quê hương thu nhỏ là Little Saigon để có mấy ngày vui Xuân, có chợ hoa, diễn hành, hội chợ Xuân và nghe pháo nổ như những ngày xưa ở quê nhà.









Cô Tâm Trần và chồng tại chợ Tết Phước Lộc Thọ.


Cô Tâm Trần, nguyên là nhân viên Vietnam Airline theo chồng về Mỹ năm 2008. Hiện cô đang làm trong một siêu thị và chồng cô, Dave là một giáo sư trung học tại thành phố Albany, New York. Bốn năm bận rộn theo cuộc sống mới, năm nay cô và chồng chọn Little Saigon để “về quê ăn Tết” cho chồng hiểu thêm văn hóa và sinh hoạt của người Việt tại đây, và cũng để thăm viếng người anh ruột hiện là một giáo sư tại học khu Garden Grove. Ðây cũng là lần đầu tiên đến Little Saigon, nên cái gì cũng lạ lùng và hấp dẫn đối với cô. Từ phố xá, các nhà hàng đầy các thức ăn Nam Trung Bắc đến các các sinh hoạt văn hóa mà ngay ở Việt Nam cô cũng không tìm thấy. Trong máy ảnh của Tâm Trần chứa hằng nghìn tấm ảnh sinh hoạt của Little Saigon, nhiều nhất là chợ hoa, chùa chiền và sinh hoạt hội chợ Tết Sinh Viên Nam Cali. Chỉ tiếc gia đình Mỹ Việt này không tính trước dược, nên sáng Thứ Bảy khi cuộc diễn hành trên phố Bolsa diễn ra thì cô và chồng đã phải lên máy bay về New York.


Ðáp câu hỏi “điều gì cô thích nhất” trong chuyến đi này, cô Tâm cho biết chính là Hội Chợ Tết. Cô khâm phục tuổi trẻ ở đây, không chỉ lớp sinh viên lớn, mà các em nhỏ ở trung tiểu học tại đây cũng đã sinh hoạt trong hội chợ, tìm hiểu văn hóa Việt Nam và hình ảnh dễ thương nhất đối với cô là các em nhỏ tình nguyện làm công việc đi nhặt rác trong hội chợ, khách vô ý vứt rác ở đâu là các em theo nhặt ở đó.









Ông bà Lục Kiên rất thích thú với Hội Tết Sinh Viên.


Chợ hoa ở Little Saigon cũng đủ loại hoa, nếu so với chợ hoa Saigon thì tầm vóc nó chỉ nhỏ hơn mà thôi. Về thức ăn, vì đã lâu ngày ít ăn thức ăn Việt Nam nên bây giờ ăn cái gì cũng thấy ngon. Mặt khác ở Albany, NY. không có hàng quán Việt Nam như ở đây, ngay như muốn đi chợ Tàu mua thức ăn cũng phải mất hai tiếng lái xe.


Cô Tâm Trần cho rằng phở ở Little Saigon là ngon nhất, và cô cũng thử qua một nhà hàng chay, và cô không ngờ ở đây lại có nhiều nơi bán thức ăn chay như vậy.


Ðối với cộng đồng người Việt ở vùng này cô Tâm Trần cho rằng người Việt chúng ta ở đây rất thành công trong thương mãi cũng như trong học vấn. Cũng đồng ý với vợ về nhận xét này, ông Dave cho rằng cộng đồng người Việt ở đây phát triển và tốt hơn ở New York và nói thêm người Việt ở đây rất thân thiện hơn những nơi khác mà ông đã đi qua.


Chuyến đi “ăn Tết” này đối với đôi vợ chồng Việt Mỹ này để lại nhiều ấn tượng cho họ, nhất là đối với cô Tâm Trần, một người mới từ Việt Nam mới sang định cư tại Mỹ, sinh sống tại một vùng ít người Việt, đây là một dịp cho cô tìm hiểu sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại, mà có thể lâu nay cô chỉ biết một cách phiến diện qua tin tức báo chí trong nước.


Ðể có thể gần gũi hơn với cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, ông Dave cho biết hai vợ chồng định di chuyển về sinh sống ở Houston, nơi mà khí hậu ấm hơn New York, giá nhà không quá cao như ở Cali, và để cho vợ ông đi chợ… Việt Nam. 


“Lâu lắm mới được nghe lại tiếng pháo đêm Giao Thừa!”


Ông Lục Kiên, nguyên quân nhân Sư Ðoàn 23BB, vượt biên và định cư tại Mỹ từ năm 1982, từ thành phố Clear Water, Florida, có con trai ở Nam Cali, đã về chơi Little Saigon nhiều lần, thường là trong mùa Hè, nhưng đây là lần đầu tiên ông và gia đình đi Cali ăn Tết. Mười ngày ở Nam Cali, vợ chồng ông Lục Kiên ít khi có mặt ở nhà. Con trai ông đã xin nghỉ phép thường niên để đón cha mẹ về “ăn Tết” và suốt ngày ông dành thời giờ để thăm viếng nhiều nơi trong chuyến đi này.


Ông bà Kiên đã đi xem chợ hoa Phước Lộc Thọ ngày Tết ban ngày và cả ban đêm, viếng chùa Ðiều Ngự đêm ba mươi và đón giao thừa tại chùa Huệ Quang, xem diễn hành trên đại lộ Bolsa và đi hội chợ Tết Sinh Viên tới… hai lần. Gia đình này còn dành thời gian để đi biển, ghé thăm các tiệm nữ trang ở Phước Lộc Thọ, mua sắm ở phố Tàu và nhiều nhất là thưởng thức các món ăn Việt Nam tại Little Saigon. Mặc dầu đã 75 tuổi, ông Kiên nói rằng “vui quá quên cả mệt,” và “về đây, đi bộ nhiều cũng như tập thể dục,” “ăn nhiều hơn thường lệ,” thấy người như khỏe ra. Về các món ăn ở Bolsa, ít nhất là mỗi một lần, lần lượt ăn qua cho đủ món mà ở nơi ông bà ở, kiếm không ra, như trong các cửa hàng ăn tại Phước Lộc Thọ, có những món ăn như ốc luộc, chả ốc mà người ở xa đến rất thích.


Mười ngày với chương trình đày đặc, chuyến đi Little Saigon lần này, bà Kiên cho biết, quá vui, quá “đáng tiền,” mặc dầu cháu nội, cháu ngoại ở nhà đang trông ông bà về. Mười ngày bắt đầu bằng chợ hoa và kết thúc bằng xem diễn hành và hội chợ Tết Sinh Viên, một chuyến đi “ăn Tết” khá đầy đủ. Bà Lục Kiên nói: “Thích thú nhất, cũng như những ngày còn trẻ, là được nghe pháo đêm Giao Thừa nổ rộn rã, tại chùa Huệ Quang, người ta kéo nhau ra đường, tiếng pháo kéo dài gần một tiếng sau 12 giờ đêm. Ban ngày thỉnh thoảng còn nghe những trang pháo ở khắp mọi nơi, khai trương đầu năm của các cửa tiệm, nghe vui như những ngày tháng cũ ở Việt Nam.”


Tên chuyến bay trở về Florida, ông bà Lục Kiên có mang thêm một thùng quà đầy nem, chả và các thức ăn Huế như bánh bột lọc, tré… để làm quà cho các con. 


Trong buổi tưởng niệm nhạc sĩ Nhật Ngân tối Chủ Nhật tại nhật báo Người Việt, tình cờ tôi gặp lại anh Trần Kiên Dân, một cựu quân nhân trong ban nhạc của TTHL Quang Trung, làm việc chung cùng với NS Nhật Ngân ngày trước. Anh Dân định cư tại Anh Quốc từ năm 1981, Chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn tại Luân Ðôn, có mẹ sinh sống ở Mỹ, lần này cũng về Little Saigon ăn Tết. Chỉ buồn là trong dịp này, anh phải dự đám tang của người bạn thân cùng đơn vị ngày xưa, mới qua đời hai ngày trước Tết.


“Chưa về Saigon ăn Tết được thì ăn Tết ở Little Saigon cũng vui!” Ðó là ý nghĩ chung của nhiều người ở xa, ở khắp mọi nơi, về đây ăn Tết.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT