Friday, April 19, 2024

‘Bác tài’ 14 năm đưa đón người cao niên gốc Việt



Thiên An/Người Việt


SANTA ANA (NV)- “Cô có muốn đi theo thì ra xe,” ông Trịnh Ngọc Luyện, “bác tài” của người cao niên tại Hội Cộng Đồng Người Việt Quận Cam (VNCOC), một tổ chức bất vụ lợi, nói với vào bên trong quầy tiếp tân, nơi tôi đang đứng đọc một số thông tin về các sinh hoạt của hội.









Ông Trịnh Ngọc Luyện (phải) và các hành khách cao niên. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


“Dạ có,” tôi đáp ngay. Nghe tên đã lâu và thỉnh thoảng thấy ông trên màn hình TV nói về luật di trú, đây là lần đầu tiên tôi gặp ông. Tôi tiến ra chiếc xe trắng đang đậu bên hông tòa nhà, và ngồi lẫn cùng năm cụ khoảng tuổi bà tôi.


Ông Luyện, năm nay 68 tuổi, kể rằng ông bắt đầu làm việc tại VNCOC khi ông khoảng 50 tuổi, cũng gần hai thập niên.


Đồng hương Việt Nam trong vùng Little Saigon biết đến ông Luyện qua việc dạy thi quốc tịch, phát quà cho người nghèo, hay chở thanh niên đi tìm việc làm…nhiều việc khác nhau ở VNCOC. Ít ai biết, ông trân trọng gọi công việc đón người cao niên, từ nhà đến trụ sở để sinh hoạt mỗi sáng và đưa họ trở về nhà vào mỗi chiều, là “lộc trời cho.”


“Đời ông nội tôi làm nghề cáng xe, đời bố tôi thì kéo xe, đến tôi thì là ‘cu li’ xe,” ông Luyện cười, nói về công việc chở hàng sau thời gian đi tù “cải tạo” sau 1975 và “cái duyên” làm “bác tài” cho người cao niên trong 14 năm nay.


Đều đặn mỗi ngày, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, ông đến trụ sở VNCOC vào khoảng 6 giờ sáng để kiểm tra hệ thống xe. Từ trung tâm, xe ông băng qua Bolsa, đến nhà các ông các bà để đón đi vào 7 giờ. Những người này sẽ sinh hoạt, chơi cờ, trò chuyện, ăn trưa tại trung tâm cho đến khoảng 1 giờ thì được ông Luyện bắt đầu đưa về nhà.









Ông Luyện kể về 14 năm “lộc” được làm việc với các cụ cao niên. (Hình: Thiên An/Người Việt)


Dù trẻ hơn nhiều chục tuổi, “bác tài” Luyện gọi các cụ ông cụ bà là anh, là chị, xưng tôi. Và dù trẻ hơn nhiều chục tuổi, tóc ông còn trắng còn hơn nhiều “hành khách” cao niên của mình.


Ông Luyện có cái phong thái gì khác lắm so với nhiều “bác tài” bươn chải mưa nắng. Ông hay mặc áo sơ mi màu sáng, “đóng thùng,” trông đạo mạo như một ông giáo thưở xưa. Giọng nói ông nhẹ nhàng, chậm và chuẩn, dù đó là khi nói bằng tiếng Anh với người bản xứ hay nói bằng tiếng Việt giọng “Bắc 54” với các cụ trong trung tâm VNCOC.


“Ai cũng thích cái ông Luyện này hết,” các cụ hành khách trên xe nói chắc nịch.


Xe khởi hành, tôi ngồi cùng ông Luyện và các cụ, để được nghe họ kể về nhiều buồn vui trên những chuyến đi tương tự. Họ nói về những lúc cứ hay quên thuốc hay quên hàm răng giả khiến “bác tài” phải mất công quành lại, về những tranh cãi không đầu không đuôi, về đứa con ở xa mới về thăm hồi Tết, hay về bà bạn mới hôm nào còn ngồi cạnh giờ đã “đi rồi”…


Một chuyến đi


Tôi đến trụ sở VNCOC ngay trước giờ chuyến xe cuối khởi hành. Ông Luyện mới trở về sau chuyến đi trước. Trời trưa, nắng, không nóng lắm, nhưng cũng đủ để người ta muốn được ngồi ngay vào chiếc xe có máy lạnh mở sẵn.


Xe ông Luyện lạ ở chỗ chẳng thấy bác tài mở lời réo gọi gì. Người nào cũng như đã quá quen thuộc. Ông Luyện xách túi và giỏ bỏ lên xe trước. Các cụ ông, cụ bà từ phòng sinh hoạt đi ra sau. Người khỏe thì đi nhanh, người yếu phải chống gậy đi cuối cùng. Ông Luyện đứng tại cửa xe, đỡ họ lên.


“Người nhà xa thì ngồi ở băng cuối. Người xuống trước thì ngồi băng trên. Riêng cụ lớn tuổi nhất thì ngồi cạnh tôi. Các cụ quen rồi.” ông Luyện giải thích. Ông chỉ tôi ngồi vào ghế của một cụ ông hôm đó vắng mặt.









“Bác tài” giúp đưa một cụ ông lên xe. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


“Cháu bao nhiêu tuổi rồi, có chồng chưa? Mấy con rồi?” Hai cụ bà ngồi cạnh vồn vã hỏi thăm cô phóng viên. Hai bà, một là Hà Bùi Mai, 85 tuổi, con cái sống ở New York, và một là Nghiêm Đức, 84 tuổi, con sống ở Anh,  đi xe ông Luyện mỗi ngày để đến sinh hoạt tại trung tâm cao niên của VNCOC.


“Hồi đó bác ở với con ở New York. Ở đó chán lắm. Thỉnh thoảng lại tranh cãi với tụi nó, như phải giặt quần áo thế nào… Bạn bác rủ bác qua đây chơi, thấy ở đây vui quá, nên bác ở lại luôn,” bà Mai vui vẻ kể.


Xe hôm đó chở năm người, có thêm tôi và ông Luyện là bảy. Ông dặn mọi người đeo dây an toàn, và khởi hành.


Xe bắt đầu lăn bánh là tiếng chuyện trò vang lên rôm rả.  Mỗi cụ một tính, có cụ nói nhiều, oang oang, có cụ nói ít, duyên dáng, cũng có người thì chỉ thì thầm với bà bạn thân suốt đoạn đường. Riêng cụ bà 89 tuổi thì ngủ từ đầu đến cuối chuyến đi, đến khi được bảo gần tới nhà, thì nói đúng một câu: “Xe hôm nay chạy nhanh thế!”


Từ việc đi xe sao cho an toàn, kể chuyện con cái, hay tranh cãi chuyện chính trị, xã hội, lịch sử… tiếng nói và tiếng cười cứ thế liên tiếp nhau. Xe chạy chậm hơn nhiều so với luồng giao thông trên đường Bolsa.


“Bình thường mấy bà nói nhiều hơn, bữa nay thấy cô nên bớt rồi đó,” ông Luyện cười, cho biết. “Còn nghe tiếng các bà cãi là mình còn vui. Chứ nhiều bữa hôm nay mới nghe, ngày mai đến đón thì đứa con ra tiếp báo rằng mẹ đã mất tối qua.”


Xe chạy trên đường Bolsa, tới đoạn đường cần phải rẽ thì chạy chậm lại. Dừng xe trước cửa nhà của “hành khách,” ông Luyện bước xuống trước, mở cửa xe, xách đồ và đi cạnh họ vào trong. Những cụ nào yếu hơn, sợ té, thì được cõng, bế, hay đỡ đi thật chậm.


14 năm “lộc”


Sau khi đưa cụ bà cuối cùng, cũng là người ở xa nhất, về đến nhà bà, ông Luyện chở tôi về lại trụ sở VNCOC. Tôi lên ngồi ở hàng ghế trước cạnh tài xế, và có dịp được nghe ông kể đôi điều về 14 năm “lộc” “được” đưa đón người cao niên, về cái duyên với VNCOC, và về quãng đời nhiều thăng trầm của một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.









Hành khách của một chuyến đi là khoảng bảy người, thường ở gần nhau trên cùng một con đường. Hình chụp trước trụ sở VNCOC, trước khi khởi hành. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


“Sau khi đi tù ‘cải tạo’ ra thì tôi lang bạc ở ngoài, người ta mời đi làm nhưng tôi từ chối. Rồi tôi thấy sống được là nghề lái xe vận chuyển hàng hóa. Những khi lái xe từ Bắc đến Nam, Lạng Sơn, Móng Cái đến miền Tây, nhiều khi thấy người ta khổ quá, như bậc cha bậc mẹ chúng ta, thì chở luôn không lấy tiền… Có lẽ những điều tôi làm khi xưa đã cho tôi cái ‘lộc’ bây giờ với các cụ.”
Ông kể chậm, trong khi xe tiếp tục chạy từ từ ngược Bolsa về lại Santa Ana.


Ông cho biết gia đình qua Mỹ diện HO, và ông tự ép mình phải nghiên cứu về ngôn ngữ, luật lệ ở xứ người.

“Quan trọng là không giấu cái dốt, phải chịu học,” ông nói. Sau này ông cũng rành rẽ về luật di trú, để giúp gần 10,000 người trong tổng số 37,000 người mà VNCOC hướng dẫn vào quốc tịch.


Ông kể những ngày đầu tại VNCOC: “Trước những người phỏng vấn mình, tôi nói tôi muốn làm tại đây là vì hai chữ ‘cộng đồng’ trong tên của hội, và nói nếu nơi này thực sự phục vụ đồng bào thì tôi sẽ ở lại.”


“Hồi xưa, người ta cấp cho một cái xe bus, tôi đưa ra kế hoạch dùng xe van, rồi được ông Lou Correa (bây giờ là thượng nghị sĩ) tặng cho một chiếc xe van để thay thế xe bus. Xe bus xe to, không thuận tiện, lại để các cụ ngồi cả tiếng trên xe. Rồi xe xăng propane hư lại rất khó sửa. Xe van tiện lợi, nhẹ nhàng đưa lên đưa xuống. Bảo hiểm cho xe ít chỗ ngồi lại rẻ hơn. Lại tiết kiệm được cho hội.” 


Ông kể tiếp tôi nghe những buồn vui trong nghề, trong những chuyến xe chở các cụ, về những lúc đang đi thì có người không tự chủ được đi cầu đầy ra phải dọn dẹp, về ông chồng đi cấp cứu và qua đời để lại bà vợ sau này chỉ còn một mình ngồi trên băng ghế cũ, về những người cao niên tuy lớn tuổi nhưng lúc nào cũng cười đùa vui vẻ, về tình cảm như gia đình giữa các nhân viên cùng làm việc tại VNCOC…


Hiện tại, bên cạnh việc đưa đón người cao niên đến trung tâm sinh hoạt, ông Trịnh Ngọc Luyện phụ trách hai nhiệm vụ khác tại VNCOC: quản lý trung tâm sinh hoạt cho người cao niên và hướng dẫn làm hồ sơ, dạy học thi nhập tịch vào mỗi Thứ Bảy.



Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT