Thursday, March 28, 2024

Bưởi-Chu Văn An, nhớ thầy nhớ bạn một thời dưới mái trường xưa



Nguyên Huy/Người Việt


 


Nhớ thầy, nhớ bạn, một thời dưới mái trường xưa là tâm tình sâu lắng của tất cả những ai đã từng được một thời đèn sách. Riêng với những học trò của Bưởi-Chu Văn An nó còn là nỗi niềm nhớ thương trải rộng. Bưởi, trường Chu Văn An như thường gọi cũng lênh đênh theo vận nước.










Ban tổ chức trình diện chào mừng Ngày Nhớ Ơn Thầy và Mái Trường Xưa. (Hình Phạm Gia Ðại)


Từ khi Pháp thành lập trường Bảo Hộ (Collège du Protectorat) trên địa phận làng Bưởi, ngoại ô thành phố Hà Nội, thì ai cũng muốn gọi là trường Bưởi chứ không muốn nhắc đến cái tên Trường Bảo Hộ. Ðến khi trường được trao về chính phủ Quốc Gia Việt Nam thì trường mới được mang danh danh thần Chu Văn An.


Nói đến Chu Văn An, khi trường còn ở ngoài Bắc thì năm 1949, nền giáo dục được mở rộng, Chu Văn An cho thi tuyển học sinh vào lớp đệ Thất, sĩ số thi đậu đông quá nên Bộ Giáo Dục đã mở thêm trường Nguyễn Trãi tại dinh thự của Phủ Thủ Hiến cũ trên đường Ðồng Khánh, gần Bờ Hồ, trung tâm thành phố Hà Nội. Những học sinh nào thi đậu vào đệ Thất Chu Văn An mà ở phía Nam Hà Nội được vào học Nguyễn Trãi, nên học sinh Nguyễn Trãi Hà Nội lớp ấy cũng vẫn coi mình là Chu Văn An, nhưng học nhờ ở Nguyễn Trãi.


Khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, trường Chu Văn An cũng theo gần cả triệu người di cư vào miền Nam. Mấy năm đầu, chưa có được trường sở phải học nhờ phía sau trường Petrus Trương Vĩnh Ký, nơi các dẫy nhà để xe “mái,” (tức xe đạp gọng nam) và đi bên cửa sau qua sân vận động của trường trổ ra đường Trần Bình Trọng và Nguyễn Hoàng. Ðến đầu thập niên 60, Chu Văn An có trường sở mới gần cư xá sinh viên nên trường mới được an cư cho đến ngày miền Nam tự do bị lọt vào chế độ cộng sản.


Trải dài một thời gian hơn 40 năm, Bưởi-Chu Văn An đã đào tạo ra hàng hàng lớp lớp nhân tài trong giới trí thức và văn nghệ sĩ cũng như các giới chuyên môn về kinh tế, chính trị, quân sự. Con cháu của họ sau này, khi ra đến hải ngoại vì vận nước suy vong, cũng lại tiếp nối được cha anh để hòa nhập thành công trong xã hội mới.


Hồi tưởng lại quá khứ, những cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An của hàng chục niên khóa khác nhau đã bàn nhau phải có một buổi gặp gỡ nhau để cùng nhau nhớ thầy, nhớ bạn, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không phai mờ được dưới mái trường Chu Văn An đã trải dài cùng vận nước.


Thế là vào sáng hôm Chủ Nhật, 18 Tháng Mười Một vừa qua, gần 400 cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An đã kéo nhau đến nhà hàng Seafood Place trên đường Brookhurst, trong thành phố Garden Grove để mừng vui gặp lại thầy cũ, bạn xưa.


Từ trước giờ khai mạc là 11 giờ sáng, nhiều cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An đã có mặt. Những mái tóc bạc, phơ phất trước gió lạnh hình như cũng chan chứa niềm vui hạnh ngộ. Những cựu học sinh trẻ, trẻ thì nay cũng xấp xỉ lục tuần, nhìn những lớp đàn anh già có mặt từ thời trường còn ở làng Bưởi Hà Nội, nay đã ngoại 80, nhưng tất cả như không có một phân cách nào mà chỉ thấy rần rần chạy trong mạch máu niềm kiêu hãnh đáng yêu là “dân Chu Văn An” với nhau.


Niềm kiêu hãnh đó có phải là được thừa hưởng từ cái tinh thần yêu nước của Danh Thần Chu Văn An với “Thất Trảm Sớ” vang danh trong lịch sử của dân tộc Việt không? Hay niềm kiêu hãnh ấy là từ những cuộc biểu tình, bãi khóa tranh đấu của học sinh trường Bưởi với nhà nước thực dân Pháp? Hay là tinh thần chống Cộng cao độ khi rùng rùng kéo nhau đi phản đối đuổi phái đoàn cộng sản do Văn Tiến Dũng cầm đầu theo Ủy Hội Quốc Tế đình chiến vào miền Nam lợi dụng sự hiệp thương theo Hiệp Ðịnh Geneve 1954 để khích động người dân miền Nam chống chính quyền quốc gia lúc bấy giờ? Học sinh Chu Văn An thời đó, dưới lá cờ Hiệu Ðoàn nền xanh lơ có ngọn lửa đỏ chính giữa, đã xông lên tận các tầng lầu của khách sạn Majestic và Gallieni để lùng sục phái đoàn cộng sản khiến Ủy Hội Quốc Tế phải đưa trực thăng đến di tản phái đoàn cộng sản VN đi nơi khác. Sau vụ đó một số học sinh Chu Văn An đã bị chính quyền quốc gia Việt Nam vì lý do ngoại giao đã lùng bắt và bị đuổi học giống như các lớp đàn anh ở trường Bưởi trước đó. Rồi những năm sau này, Chu Văn An đã cho ra trường những nhân tài cho đất nước cả về quân sự lẫn hành chánh.


Ðược như thế, học trò Chu Văn An nào cũng ghi khắc công ơn dạy dỗ của các bậc thầy đã một đời tận tụy cho lớp hậu sinh không chỉ về kiến thức mà còn cả về tinh thần dân tộc.


Trong buổi họp mặt này có đến trên 20 giáo sư đã được anh em mời đến. Nhiều giáo sư trước đó cũng là học trò Chu Văn An, khi ra trường tốt nghiệp các lớp sư phạm rồi được trở về lại với ngôi trường cũ. Không khí đã sôi động hẳn lên khi xướng ngôn viên Phạm Gia Ðại đến xin cựu học sinh Bưởi là Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, hôm nay cũng là ngày sinh nhật thứ 90, cho biết cảm tưởng, thì Giáo Sư Trần Ngọc Ninh rất vui tươi, dí dỏm khoe rằng từng là học sinh trường Bưởi. Rồi lần lượt là các giáo sư khác. Có vị nhắc đến những niên khóa mình đã phụ trách. Có vị nhắc đến những kỷ niệm của mình với đám sau quỉ và ma này. Tâm tình thầy trò như đã dàn trải, nhất là với các vị giáo sư cũng từng là học sinh của Chu Văn An nên ranh giới thầy trò đã được cởi bỏ không biết tự lúc nào.


Một điểm rất đáng ghi nhận là trong bất cứ một buổi họp mặt nào của Bưởi-Chu Văn An, bao giờ chính giữa sân khấu cũng là bàn thờ Danh Thần Chu Văn An để con cháu ngày nay của ngài giữ vững được tinh thần yêu nước và truyền lại cho con em của mình tinh thần ấy. Một buổi tế lễ với những nghi lễ truyền thống được các cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An cử hành trang trọng trước hương án thờ Danh Thần Chu Văn An.


Trống và chiêng cùng đổ hồi trong khi tất cả cùng đứng nghiêm chỉnh hành lễ và nghe xướng ngôn viên buổi lễ trang trọng đọc, “Trong giờ phút này, giữa bầu không khí trang nghiêm, hiện diện nơi đây là quí giáo sư tại thế của trường Chu Văn An, quí trường bạn và các môn sinh cùng thân hữu, đồng thành kính tưởng niệm & tri ân quý thầy hiệu trưởng, quý thầy giáo sư giảng huấn và Ban Quản Trị Hiệu Ðoàn Chu Văn An, toàn thể hiệp thông khấn nguyện Quý Hương Linh Viên Mãn nơi Miền Cực Lạc. Cầu xin ban phước cho sự đoàn kết, giữ vững danh thơm ngôi trường vạn thế. Hoa quả cúi dâng, thắp nén tâm hương cùng nhau kính tạ.”


Cũng trong dịp này, ban tổ chức đã thực hiện được một đặc san của Bưởi-Chu Văn An với chủ đề “Ngày Nhớ Ơn Thầy và Mái Trường Xưa.” Tuy đặc san chỉ có gần 100 trang khổ báo tabloid nhưng có một nội dung giá trị và phong phú với tài liệu về các hiệu trưởng của Bưởi-Chu Văn An và các giáo sư của trường. Trong số những vị này có người là những danh nhân của nền văn học VN như Dương Quảng Hàm, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Sĩ Tế, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Nguyên Sa Trần Bích Lan…


Cũng theo đặc san này thì những vị tiền bối cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An là những học giả Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm Trần Văn Tuyên, Nhất Linh Nguyễn tường Tam, Nguyễn Hiến Lê, Phùng Tất Ðắc, Nguyễn Ðình Hòa, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Vũ Ðình Liên, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Khiêm và Nguyên Sa Trần Bích Lan. Tất cả những vị này đều là những người đã đóng góp công lớn vào nền văn học nghệ thuật của Việt Nam trong thời cận đại.


Một bài viết của CVA Nguyễn Huy Hiền về lịch sử Bưởi-Chu Văn An cho ta rất nhiều tài liệu quý hiếm về ngôi trường xưa của các cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An kể từ sử gia Trần Trọng Kim cho tới những Chu Văn An trẻ tuổi sau này. Trong khi đó Giáo Sư Vũ Ngọc Ánh viết về kỷ niệm “Tôi đi học trường Bưởi” cho người đọc, kể các các CVA sau này được biết về trường Bưởi tiền thân của trường Chu Văn An nó như thế nào mà nổi tiếng khắp Bắc Nam. Một bài khác nữa của Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm cũng cho ta biết về ngôi trường tiền thân Chu Văn An ấy qua những vị như Luật Sư Trần Văn Tuyên và nhà văn Nguyễn Hiến Lê.










Cắt bánh sinh nhật mừng tuổi thọ quý thầy. (Hình Nguyên Huy/Người Việt)


Phụ trách tổ chức “Ngày Nhớ Ơn Thầy và Mái Trường Xưa” năm nay gồm có các CVA Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Ðịch Hà, Nguyễn Ðình Vĩnh, Phạm Ðình Tuân, Nguyễn Huy Hiền, Nguyễn Mậu Tùng, Ðặng Quỳnh, Vũ Quốc Phong, Bùi Ðức Uyên, Trần Quang Ðôn, Nguyễn Song Thuận, Nguyễn Quý Khôi, Phạm Gia Ðại, Lê Tuấn, Nguyễn Mạnh Kính.


Có thể nói, cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An ngày nay có mặt trên khắp thế giới, hầu như nơi nào có người Việt sinh sống thì đều có các cựu học sinh CVA. Họ có thể thành lập các hội ái hữu hoặc những nhóm nếu chỉ có ít người. Tất cả dù nhiều hay ít, đều có chung một tâm tình là “mình là dân Chu Văn An” mà.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT