Thursday, April 25, 2024

Cẩn trọng mua sắm mùa lễ: Coi chừng đồ giả

 


Đằng-Giao/Người Việt


CARSON, California (NV)
Từ 10 đến 12 giờ trưa Thứ Sáu, Bộ Nội An (Homeland Security) và Sở Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới (U.S. Customs and Border Protection) tổ chức một cuộc họp báo với mục đích khuyến cáo mọi người cẩn thận, tránh mua lầm đồ giả khi mua sắm quà cáp từ giờ đến cuối năm.

 

Hàng hóa giả mạo vừa bị tịch thu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Theo tập quán Hoa Kỳ, mùa mua sắm hàng năm thường bắt đầu từ Black Friday. Nhưng với số người mua bán qua các cửa hàng trên internet như eBay hoặc Amazon, việc mua hàng và gởi hàng đã bắt đầu từ trước lễ này.

Đây là cơ hội tốt để kẻ gian trà trộn hàng hóa giả để lừa gạt khách hàng thích mua đồ rẻ.

Ông Jere T. Miles, nhân viên điều tra của Bộ Nội An vùng Los Angeles, cho biết rằng trong năm 2014, Bộ Nội An đã tịch thâu được hai ngàn chuyến hàng đồ giả trị giá trên $1 tỷ. Hàng hóa tịch thu được gồm đủ loại, từ xà bông, bột giặt đến mỹ phẩm, đến túi xách phụ nữ v.v..

“Kẻ gian đợi dịp người ta đổ xô đi mua hàng để tung đồ giả ra thị trường,” bà Elva Muneton, nhân viên Sở Quan Thuế nói.

Bà tiếp: “Mua đồ online hay tại địa phương, quí vị luôn luôn chọn những nơi quen thuộc và để ý “đồ rẻ là đồ ôi.” Nếu thấy giá rẻ quá thì phải lưu ý. Mua ở những tiệm lớn, có tên tuổi là an tâm nhất.”

Ông Joege Garcia, một nhân viên khác của Sở Quan Thuế căn dặn thêm: “Ngay cả khi vào những tiệm có uy tín, quí vị vẫn nên đề phòng vì kẻ gian vẫn có thể mua hàng thật rồi đem trả lại. Trong thời gian bận rộn, nhân viên cửa hàng đem đồ giả ra bán lại mà không biết.”
 
Một trong những sản phẩm dễ bị làm giả nhất là giày Vans.

 

Đế giày giả (dưới). ( Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cô Daniela Jenson, đại diện giày Vans nói: “Quí vị không nên mua sắm trong tình trạng chen lấn vì sẽ bị lầm ngay. Cách hay nhất là nên đi với một thiếu niên vì ở tuổi này, các em có cặp mắt tinh đời hơn người lớn. Và tuyệt đối tránh đồ chợ trời.”

Về mua giày online, cô Jenson nói: “Quí vị có thể vào website vans.com để được hướng dẫn đến những cửa hàng được tín nhiệm. Đừng tin vào hình ảnh của các cửa hàng online vì họ thường “treo đầu dê, bán thịt chó.””

Ông Darryl Roth, đại diện công ty Monster than: “Kẻ gian tàn nhẫn đến mức làm giả cả nón bảo hiểm nữa mới đáng quan tâm. Một cái nón đúng tiêu chuẩn an toàn để đi trên xa lộ, chúng tôi bán từ $500 đến $1,000 mà họ làm còn tệ hơn loại dành cho xe đạp và bán dưới $50.”

Ông lo ngại: “Xài nón giả, chỉ cần té xe trên xa lộ là có thể tiêu mạng liền.”

 

Nón thật có mác an toàn.  ( Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ngoài ra họ còn làm hộp quẹt loại Zippo, bông tai và đồ trang sức loại xuyên qua mũi hay lưỡi có logo của Monster.”

Cách phân biệt giữa đồ thật và giả, hiện giờ, không khó lắm. Ông nói: “Bên ngoài, phía sau nón có chữ “DOT,” kẻ gian in khác chúng tôi nên nếu chú ý, quí vị thấy ngay.”

“Bên trong, nón thật có mác an toàn trong khi đồ giả không có,” ông chỉ rõ.

 

Bên trong, nón giả sơ sài hơn.  ( Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông cam đoan: “Đây là những thứ Monster chưa bao giờ sản xuất. Hãy nghĩ thử coi, khách tiêu dùng đeo những chất “không ai biết” như vậy vào người, vào miệng mình thì độc hại biết bao nhiêu.”

Một thương hiêu của sự uy tín về vật dụng điện là UL cũng có mặt.

Ông John Drengenberg nói: “Mỗi năm UL đóng dấu cho 22 tỷ sản phẩm trên toàn thế giới để bảo vệ người tiêu dùng. UL là dấu hiêu của sự an toàn về điện. Thật đáng tiếc là có những người làm đồ điện dưới tiêu chuẩn và làm giả luôn con dấu UL của chúng tôi, ngay cả nhãn 3D hologram.”

Ông lắc đầu không vui: “ Rất tiếc là không có cách nào để giới tiêu thụ có thể phân biệt thật giả. Họ nên mua đồ ở những tiệm lớn hoặc được tín nhiệm lâu năm.”

Dĩ nhiên Sở Quan Thuế và Bộ Nội An luôn đề cao cảnh giác để kịp thời ngăn chận kẻ giam đem hàng hóa giả vào nước, nhưng họ vẫn kêu gọi mọi người hãy cẩn thận kẻo tiền mất, tật mang.

***

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT