Thursday, March 28, 2024

Chùa Phổ Đà mừng Đại Lễ Phật Đản


Quốc Dũng/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Chùa Phổ Đà trang nghiêm thiết kế khung cảnh của một vườn Lâm Tì Ni, một lễ đài đức Phật thị hiện đản sanh, tứ chúng đồng tu hội, cùng hân hoan kính mừng kỷ niệm đản sanh đức Phật, thành kính lắng đọng tâm tư, chiêm ngưỡng hình tượng cao vợi của Đấng Chí Tôn trong ba cõi, đón nhận ngày vui muôn thuở, kính mừng Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2560, Dương Lịch 2016.” 

Đó là lời Đại Đức Thích Chánh Định, trụ trì chùa Phổ Đà, Santa Ana, giới thiệu về Đại Lễ Phật Đản tổ chức vào Thứ Bảy, 28 Tháng Năm, và đọc câu thơ: “Kính lạy ngài đấng cha lành trong nhân loại/Đức từ bi tắm gội khắp năm châu/Ưu đàm nở cho ngàn năm thơm mãi/Phật ra đời cho ba cõi tựa nương.”

Cung nghinh chư tôn thiền đức quang lâm lễ đài. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Đại đức nói về sự ra đời của đức Phật: “Vào một buổi sáng Tháng Tư cách đây 2,640 năm, trong giờ phút thiêng liêng đất trời giao cảm, nhạc thiêng vang lừng, địa cầu tinh tú ngừng chuyển động, bầu trời trong lành tỏa ngát hương thơm cúng dường, hoa tươi khoe sắc e ấp nâng niu đôi chân một bậc vĩ nhân vào đời với bao điềm lành viễn lộ. Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, đã xuất hiện trên thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”

Sau ba hồi chuông trống Bát Nhã, Hòa Thượng Thích Trí Tuệ, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, viện chủ chùa Phổ Đà, phát biểu: “Hôm nay, chùa trong khung cảnh nhỏ hẹp, cũng hòa nhịp theo những tâm tư, những trí tuệ, những lòng từ bi để cùng thắp sáng lên ngọn đèn chánh pháp, để cùng cúng dường đức Phật, đó là để biết ơn và báo ơn đức Phật. Chúng ta hãy cố gắng làm sao phát bồ đề tâm, đem ánh sáng trí tuệ của chính mình vào ngày kỷ niệm đản sanh của đức Phật, bởi đây là lúc tâm Phật của chúng ta phát khởi, để làm một Phật tử tốt đẹp.”

Hòa thượng cho hay, lời tuyên ngôn của đức Phật lúc ngài vừa đản sanh “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn,” nghĩa là “Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý,” phát đi một nguồn sáng lương tâm cho nhân loại. Lời tuyên ngôn này không hề mang ý nghĩa tự tôn, cao hạ. Ngoài sự khẳng định và xác chứng quả vị giải thoát tối hậu, sự khám phá và chinh phục tự ngã đồng thời đó là biểu hiện từ bi vô lượng nhằm độ thoát chúng sanh.

Tiếp theo, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, thuộc tu viện Lộc Uyển, cho biết: “Không phải vô duyên vô cớ mà Liên Hiệp Quốc có một thông báo lấy ngày Phật Đản là ngày vô cùng trọng đại cho những người con Phật, và những người không phải con Phật được dịp ghi nhớ về sự có mặt của đức bổn sư Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.”

“Đạo Phật có mặt trên hành tinh này sớm nhất so với những truyền thống tâm linh khác. Sự có mặt của đạo Phật mang đến hòa bình, an lạc. Và rộng hơn, đạo Phật như một mảng văn hóa lớn, đóng góp được cho nền phát triển rất nhân văn của hành tinh. Tuy vậy, có những lúc sự có mặt của đạo Phật dường như chìm lặng do điều kiện chính trị của những quốc gia rất kỳ thị Phật Giáo. Thế nhưng, không phải vì lý do đó mà dòng chảy tuệ giác của Đức Thế Tôn bị chấm dứt,” hòa thượng nói.

Phật tử trong nghi thức lễ tắm Phật sơ sanh. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Hòa thượng nói tiếp: “Dù cho hành tinh này phát triển đến ngần nào, nhưng không thể nhìn đạo Phật như một tôn giáo chậm tiến, không cùng song hành với thế giới văn minh. Trong quá khứ, lúc Đức Thế Tôn thành đạo, tuệ giác của ngài đã rất hiện thực. Do vậy xã hội càng phát triển thì vẫn tìm ra rất nhiều điều trong nền tảng giáo lý Phật dạy rất nhân văn, rất tiến bộ. Thậm chí dù khoa học có vươn đến chiều cao đến dường nào, thì cũng tìm ra trong giáo lý đạo Phật có vô vàn điều để học, để đặt nền tảng cho sự phát triển khoa học.”

“Xin gửi gắm đến các vị Phật tử, chúng ta phải tự hào rằng mình đã thừa hưởng được gia tài tuệ giác của Đức Thế Tôn, tự hào rằng dòng chảy đạo Phật cho tới hôm nay dù có qua nhiều vùng văn hóa khác biệt, dù có bị kỳ thị, thậm chí nhiều lúc bị loại trừ và tàn sát, nhưng dòng chảy đạo Phật chưa hề có một cuộc bạo động để dành ưu thế thắng bại trên hành tinh này. Người Phật tử hãy tự hào rằng, trong tự tâm thức của chúng ta có hai phẩm tính vô cùng tuyệt vời cống hiến được cho hành tinh này, đó là từ bi và trí tuệ,” hòa thượng nói.

Tiếp đến là nghi thức lễ tắm Phật sơ sanh. “Đây là giây phút thiêng liêng và mong đợi nhất của mọi người con Phật. Đó là khoảnh khắc lấy nước chiên đàn tắm lên kim thân của đức Từ Phụ,” Đại Đức Thích Chánh Định nói.

Mọi người không ai bảo ai, tuần tự xếp hai hàng trang nghiêm, tiến về phía Đức Phật sơ sinh, múc ba gáo nước tắm trên mình Đức Phật. Tắm Phật, để quán tưởng rằng, ba gáo nước này sẽ trôi đi tất cả những phiền não khổ đau, tiêu trừ mọi cấu uế trong tâm, đưa thân, khẩu, ý trở về thanh tịnh.

Tắm Phật cũng là cơ hội để gội rửa những cấu bẩn trong hành động, lời nói và ý nghĩ. Tắm Phật cũng là lúc để tĩnh thức rằng, cuộc đời này quá vô thường, biến hoại, khổ đau, cần quay về nương tựa vào chánh pháp, cũng chính nơi đây, đấng từ bi đã bỏ mọi trần cấu, chứng quả vị Bồ Đề.

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT