Friday, March 29, 2024

Chuyện hậu sự

 

Kỳ I: Cái chết không rẻ như ta tưởng!

Bài và hình: Huy Phương/Người Việt

Làm người ai cũng phải đến lúc chết, và cái chết là nhất định, nhưng không ai muốn bàn đến chuyện chết và lo cho chuyện chết được êm đẹp. Chúng ta đã từng sắp xếp cho những chuyến du lịch lâu ngày như mua vé máy bay, sắp xếp hành trang, thuê nhà trọ, yêu cầu bưu điện giữ lại thư từ.

Nhưng với chuyến ra đi vĩnh viễn, không trở về, chỉ có một số nhỏ lo mua đất chôn, sắp xếp chuyện hỏa thiêu, mua trước phần nhà quàn, nhưng ít người sửa soạn cho mình chuyện sau khi nằm xuống, thế tục thường gọi là “chuyện hậu sự,” bởi vì chuyện ấy còn xa, thậm chí đôi khi người ta còn sợ hãi mỗi lúc phải nói đến.



Người Việt Nam có sở thích dựng mộ bia đứng và chôn gần cộng đồng người Việt.

Chôn hay thiêu? Quàn bao lâu? Nghi thức tôn giáo? Giá cả ra sao? Ðó là những câu hỏi phải có được biết trước khi chết.
Từ một bình hoa đến một cuốn sổ ký tên, cây bút đều tính bằng tiền.

Ngày xưa có câu chuyện một anh chàng hà tiện sắp chết đuối được người ta đến cứu nhưng trả giá, thấy giá quá đắt, anh ta nói: “Ðắt quá, thà chết còn hơn!”

Sau khi đọc phóng sự này mà các bạn thấy cái chết quá đắt, nhiều chuyện không ngờ như bạn tưởng, thì hãy đừng vội chết, và nói:“Ðắt quá, thà sống còn hơn!”

Nên chết vào ngày nào?

Tuần rồi nhà văn TK Thanh Thủy vừa ra mắt hai tập truyện cười XHCN tại quận Cam, mang tên “Chết Ngoài Kế Hoạch.”

Ðó là chuyện chết ở Việt Nam thời bao cấp. Nay nói đến chuyện chết ở Mỹ, thì chết cũng phải cho đúng ngày để con cháu còn lo chuyện chôn cất. Nếu các cụ ra đi vào ngày Chủ Nhật hay Thứ Hai đầu tuần thì con cháu còn có đủ thời gian vài ba ngày lo cho cụ những chuyện “lích kích” phải làm: đăng cáo phó, lo chuyện nhà quàn, nghi lễ đưa tiễn, chôn cất hay hỏa thiêu.

Nhưng nếu cụ mất vào ngày Thứ Sáu cuối tuần thì gia đình không thể nào lo kịp, đành phải để cụ nằm trong phòng lạnh cho đến Thứ Bảy hay Chủ Nhật tuần sau, vì như lúc sinh thời thì cụ cũng biết, quàn linh cữu vào ngày thường, bà con, bạn bè bận đi làm, cũng không nhờ con cháu được, nên sự bất đắc dĩ, không ai muốn quàn cụ vào những ngày thường, rất bất tiện cho bà con thăm viếng. Nhưng quàn Thứ Bảy & Chủ Nhật thì gia đình phải trả thêm tiền phụ trội.

Nếu các cụ mất vào trước những ngày lễ lớn như Thanksgiving, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch hay Nguyên Ðán thì cũng phải để cụ chờ qua lễ mới mở cửa nhà quàn cho bà con thăm viếng được. Cử hành tang lễ cho các cụ trong những ngày lễ lớn, vui vẻ như thế, thật lòng không phải điều kiêng cữ, nhưng không ai muốn.

Theo sự dọ hỏi của chúng tôi, nếu sau khi người chết được đưa vào phòng lạnh (danh từ nhà quàn gọi là “care center”) mà gia đình chưa thể tiến hành tang lễ như bận rộn, thân nhân ở ngoại quốc hay các tiểu bang khác trong nước Mỹ chưa về kịp, thì dù một hai tuần, nhà quàn cũng không tính thêm tiền. Cũng may là từ trước đến nay, chưa có gia đình nào “bỏ quên” thân nhân trong phòng lạnh mà không cử hành tang lễ!

Phải làm gì khi có thân nhân qua đời?

Nếu thân nhân qua đời ở bệnh viện thì thủ tục đơn giản hơn vì đã có hồ sơ bệnh lý và các bác sĩ chăm sóc. Nhưng khi có người thân mất tại nhà riêng, việc đầu tiên của gia đình là phải gọi cảnh sát thành phố. Cảnh sát thành phố khi được thông báo sẽ đến nơi làm biên bản, khám nghiệm, công nhận là một cái chết thông thường không có gì khả nghi vì già hay bệnh tật. Trường hợp có nghi vấn (nghi ngờ là án mạng hay tự tử) thì cảnh sát sẽ đưa thi hài đi để cho bác sĩ hay chuyên viên khám nghiệm.



Một phần mộ chưa dựng bia.

Việc sau đó là gọi cho nhà quàn, trong vòng hai tiếng đồng hồ sẽ có nhân viên đến để đưa thi hài người quá cố vào phòng lạnh.

Gia đình có tín ngưỡng Phật Giáo có quyền yêu cầu bệnh viện để thân nhân nằm yên tĩnh trong vòng 8 tiếng hay để nhà quàn nhận xác trễ.

Chôn hay thiêu?

Một số quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Thái Lan, Miến Ðiện, Cao Miên, Lào và một phần của Nam Việt Nam khi có người thân trong gia đình chết, thường theo cách hỏa táng. Các quốc gia theo Phật Giáo Bắc Tông, như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam thường dùng cách chôn cất.

Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, ở Việt Nam ít khi nghe người ta nói chuyện thiêu người chết, vì đất đai còn rẻ, nhiều gia đình chôn thân nhân của mình trong vườn nhà hay trong phần đất ruộng của mình, nhưng sau khi cộng sản vào Nam, nghĩa trang thường bị đào xới để quy hoạch theo lệnh nhà nước, có nhiều huyệt mộ, phải chạy theo lệnh nhà nước, cải táng nhiều lần, nên dân chúng thường muốn hỏa táng để tiện lợi cho gia đình.

Hỏa táng còn được xem là bảo vệ môi sinh, không phải tốn đất chôn, giảm bớt được nhiều chi phí như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ hoặc cải táng, di dời,… cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi.

Ở hải ngoại, trừ một số gia đình giàu có đã lo mua đất chôn trước khi mình qua đời hàng chục năm, mua hai huyệt cho hai vợ chồng hay một khu chung cho cả gia đình, một số khác muốn hỏa táng (có giá rẻ hơn là địa táng) và vì lý do ngày nay ở Mỹ con cái trong gia đình ít khi được sống trong cùng một địa phương, nên không muốn chôn cha mẹ trong nghĩa trang, mà sau đó không có thời gian lui tới thăm viếng.

Mộ phần

Người Việt có câu “Sống có nhà thác có mồ!” Ai cũng mong lúc sống có nhà để đụt mưa nắng, lúc chết có mồ chôn.

“Sống vô gia cư, thác vô địa táng” là câu nói có vẻ khinh miệt đối với những kẻ lúc sống không nhà cửa, lúc chết không có được một nấm mộ chôn. Nhưng thực trạng ngày này, đất tại các thành phố lớn còn đắt hơn vàng, những gia đình nghèo ít có khả năng mua trước một miếng đất cho cha mẹ, nhất là khi bỏ tiền mua một miếng đất rồi, muốn quan tài hạ huyệt, còn bao nhiêu tốn phí nữa.

Chúng ta thử giở một mục rao vặt để xem giá một hai lô đất mà người mua trước đây vài năm, muốn nhường lại cho những ai cần:

1-Ðất trong khu đồng hương Sóc Trăng (Hazard-Beach) hai huyệt $6,000 – Ðất trong khu Thuyền Nhân (Bolsa-Hoover) hai huyệt $7,680.

2-Hai lô đất trong nghĩa trang West Lake Mausoleum, Westminster Memorial Park $21,000 (giá nghĩa trang $23,195).

3-Hai lô đất trong nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Talbert) giá $15,900.

Nếu chúng ta mua lại được một hai lô đất chôn không phải có đất là đã xong chuyện mộ phần. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ người phụ trách nghĩa trang và nhà quàn tại Peek Family là ông Victor Vũ và ông đã cho biết giá cả của một ngôi mộ có bia đứng và ngôi mộ có bia nằm (như trong các nghĩa trang Mỹ) giá cả rất chênh lệch.

Hiện nay khi quý vị cần một phần đất với bia nằm giá sẽ là $4,395 (đất) và $775 (bia). Phần đất có bia mộ đứng (phần lớn người Việt thích loại bia này) giá sẽ là $8,395.00 + $6,000 đến $7,000 cho tấm bia.

Như vậy nếu gia đình nào hôm nay mới nghĩ đến chuyện mua cho gia đình hai phần đất và sẽ dựng bia đứng thì sẽ phải trả cho đất là $16,790.00 và khoảng $13,000.00 cho một mộ bia hai người.

Có đất không có nghĩa là đã xong

Khi bạn đã sở hữu một phần đất và dự định sẽ chôn thân nhân mình vừa mới qua đời ở đó, nhưng để cho một phần đất trở thành một huyệt mộ để có thể hạ quan (tài) xuống và lấp đất, dựng bia rồi trồng hoa trang trí thì bạn còn phải trả những chi phí sau đây:

-Công đào và lấp đất: $1,250.

-Mua kim tĩnh (phần băng xi măng để đặt quan tài vào trong) giá từ $595 đến $40,000 (còn theo dày mỏng, chất liệu và tấm đan đúc đặt trên nắp quan tài trước khi lấp đất).

-Tiền mua và khắc mộ bia ghi tên tuổi người chết như đã ghi ở trên.

Kỳ II: Dịch vụ chôn cất và hỏa táng: Sống có giai cấp, chết có thứ hạng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT