Thursday, April 25, 2024

Cựu Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng ra mắt sách ‘Thác Lũ-Mưa Nguồn’


Lâm Hoài Thạch/Người Việt


WESTMINSTER, (NV) Trưa Chủ Nhật, 17 Tháng Tư, buổi ra mắt sách “Thác Lũ Mưa Nguồn,” hồi ký quyển I (1945-1957) của cựu Dân Biểu VNCH Nguyễn Lý Tưởng, tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster thu hút đông đảo người tham dự.


Sau nghi thức khai mạc, ông Nguyễn Ðức Luận, trưởng ban tổ chức, thay mặt tác giả, ngỏ lời chào mừng quan khách, bà con và bạn bè đến tham dự.








Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng phát biểu trong buổi ra mắt sách. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


“Chúng tôi là học trò của thầy Nguyễn Lý Tưởng, cũng là người đồng chí hướng của thầy, và thầy cũng xem chúng tôi như người thân trong gia đình. Tất cả những ân tình đó được, chúng tôi rất cám ơn giáo sư Nguyễn Lý Tưởng. Và cũng từ ân tình đó mà chúng tôi xin được đứng trước quý vị để gởi lời chào mừng tất cả quý vị hiện diện hôm nay.” Ông Luận nói.


Ông nói thêm, “Sự hiện diện hôm nay gồm những bậc tôn đường mà giáo sư rất tôn kính từ trong nước cũng như ở hải ngoại, cũng có nhiều quý vị ngày xưa là những thân hữu cùng trang lứa học sinh, sinh viên còn đi học trong thời VNCH. Hiện diện hôm nay, cũng có những người đã từng sát cánh với giáo sư trong công cuộc đấu tranh chống Cộng Sản độc tài để xây dựng một miền Nam Việt Nam phú cường, hạnh phúc và nhân ái.”


Tác giả Nguyễn Lý Tưởng ngỏ lời chào mừng và cám ơn mọi người đến tham dự, và ông rất vui mừng được gặp lại quý ân nhân và bạn bè của riêng cá nhân ông và gia đình. Sau đó ông giới thiệu những quan khách, bạn bè thân hữu cùng bà con thân thuộc từ xa, gần đến tham dự.


Ông cũng không quên giới thiệu kỹ sư Ðỗ Như Ðiện đã cho sáng kiến để giáo sư thực hiện quyển hồi ký này.


Vị diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Trần Huy Bích, nói về nội dung của tác phẩm.


“Chúng ta nên để ý, nên tôn trọng, nên đọc quyển “Thác Lũ-Mưa Nguồn” của Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng, vì theo nhận xét của tôi có vài lý do là, tác giả ở vào hoàn cảnh được biết rất nhiều ở làng Dương Lộc, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gần đến Huế. Ðó là thời của ông, thời của chúng tôi qua hai nền Ðệ I và Ðệ II Cộng Hòa, đã có những nhân tài xuất hiện ở đó rất nhiều, và cũng có nhiều người liên hệ hoạt động với nền Ðệ I và Ðệ II Cộng Hòa, kể cả những người phía bên Cộng Sản,” Tiến Sĩ Trần Huy Bích cho biết.


Ông cho biết thêm, “Trong họ của ông, cùng làng với ông, bên cạnh đó có nhiều nhân vật rất đặc biệt như vợ ông đã hiểu biết rất nhiều về sự việc này, nên ông viết rất kỹ và rất rõ. Khi chúng ta đọc quyển sách này, chúng ta sẽ biết rất nhiều các nhân vật liên hệ đến lịch sử của nhiều năm vừa qua.”








Bìa cuốn sách “Thác Lũ-Mưa Nguồn” của cựu Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Vị diễn giả thứ nhì là Tiến Sĩ Lê Hồng, nói về “Tư cách nhân chứng của tác giả trong biến cố Tết Mậu Thân.” Ông cho biết, tác giả viết rất kỹ bởi vì người viết là một giáo sư đại học, một nhà văn, một nhà cách mạng… Nên khi viết về biến cố Tết Mậu Thân ở Huế là vì lúc đó ông đang có mặt ở Huế. Nhưng may mắn trong đêm giao thừa đó, tác giả đã đi về một làng cách thành phố Huế hơn 10 cây số để thăm người mẹ già, vì thế ông đã thoát chết.


“Sở dĩ bài viết của giáo sư được tôi ca tụng, bởi vì giáo sư đã kể tất cả những chuyện đã xảy ra, mà những điều đó, những giữ kiện đó rất chính xác, vì giáo sư đã nói chuyện thẳng với Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, chỉ huy trưởng Quân Khu I, và đã nói chuyện với tỉnh trưởng Thừa Thiên để biết hết tình hình chính trị và quân sự lúc đó ở Huế như thế nào,” Tiến Sĩ Lê Hồng nói.


Vị diễn giả thứ ba là Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huệ, nói về “Duyên văn nghệ với Hội Thơ Tài Tử Việt Nam và Hải Ngoại” của bà, của tác giả và nhà văn Nhất Phương. Song song với việc này, bà có kể lại rằng, năm 2000, nhân đưa cháu gái của bà đi học ở Boston, bà đã vô tình đọc được quyển “Ðàn Bướm Lạ Trong Vườn” của Nguyễn Lý Tưởng, viết về một câu chuyện buồn của tác giả lúc còn thơ ấu.


Theo bà kể, mới có 10 tuổi mà tác giả đã chứng kiến cái chết của người cha ở trong tù vào năm 1947, cái chết của người anh cả vào năm 1949, và cái chết của đứa cháu gái lúc cháu còn thơ dại. Rồi sau đó tác giả phải rời gia đình lúc mới 10 tuổi, và người mẹ của ông có khuyên rằng, “Con ơi, con phải sống làm sao cho nên người xứng đáng. Những điều người ta thích, người ta khen con, thì con phải cố gắng làm. Những điều không phải, ngươi ta chê con, thì con đừng bao giờ làm.”


“Và đó là lời khuyên mà Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng đã ôm ấp hết tất cả đời mình. Tất cả những niềm đau đó, những ký ức đó đã chôn sâu vào ký ức của giáo sư, và cũng chính những đau đớn đó đã thúc giục giáo sư theo con đường lý tưởng của mình,” Tiến Sĩ Phạm Thị Huệ nói.


Bà nói thêm, “Cuốn sách này sẽ nói lên tình nghĩa gia đình; niềm tin tôn giáo, và chúng tôi nghĩ rằng, cũng nhờ niềm tin tôn giáo mà trong bao nhiêu năm, giáo sư vẫn tiếp tục sống với con đường đạo đức, ngay thẳng của mình, như giáo sư đã mở lời đầu tiên trong quyển ‘Thác Lũ-Mưa Nguồn’ là, ‘Ðây là lời của Ðấng Thánh, Ðấng Chân Thật, Ðấng giữ chìa khóa của vua Ða-Vít: Người mở ra thì không ai đóng lại được; Người đóng lại thì không ai mở ra được.’”








Hoạt cảnh “Múa Trống” của đoàn trống Thiên Ân trong buổi lễ ra mắt sách. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Vị diễn giả thứ tư là Giáo Sư Nguyễn Ðức Cung, cựu dân biểu VNCH, nói về “Tư cách nhân chứng của tác giả trong quá trình 60 năm hoạt động cho Ðảng Ðại Việt.”


“Tôi quen anh Nguyễn Lý Tưởng từ năm 1959, khi ở tại Viện Hán Học. Sau cuộc lật đổ cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vào ngày 1 Tháng Mười Một, năm 1963, phải nói rằng, những người quốc gia, nhất là những thành phần trẻ và trí thức tâm quyết đều cảm thấy hụt hẫng, đặc biệt những người ấy đang học tại Ðại học Huế.” Giáo Sư Nguyễn Ðức Cung nói.


Ông nói tiếp, “Chúng tôi cảm thấy hụt hẫng vì không tìm ra một chỗ dựa nào trong thế đấu tranh của mình trước sự lũng đoạn của một số cán bộ Cộng Sản chen vào hàng ngũ của một số tôn giáo để khuấy đục cả miền Nam, thì Ðảng Ðại Việt xuất hiện, và cho chúng tôi một chỗ gọi là một thế đứng để từ đó, chúng tôi nuôi một lý tưởng đấu tranh.”


“Lúc đó, tôi cũng như anh Nguyễn Lý Tưởng và một số anh em khác đã gặp nhau trong môi trường của Ðảng Ðại Việt. Và từ năm 1965 cho đến bây giờ, chúng tôi cũng tưởng niệm trong lòng là, 50 năm đời chúng tôi có Ðại Việt.” Ông nói thêm.


Tiếp theo là lời phát biểu của một vài quan khách đến tham dự.


Sau đó, tác giả chia sẻ tâm sự của ông với mọi người.


“Người xưa có nói: ‘Mượn chuyện văn chương mà họp mặt bạn bè’ (Dĩ văn hội hữu). Hôm nay, tôi có một tác phẩm mà tôi đã đem hết tâm sự đời mình gởi gắm vào đó: Sách ‘Thác Lũ-Mưa Nguồn’ hồi ký của Nguyễn Lý Tưởng (quyển I từ 1945-1975) do Người Việt Book xuất bản. Amazon thực hiện in ấn và phát hành. Người Vietshop.com là đại diện tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này vừa được các bạn của tôi trong giới dân biểu, nghị sĩ, giáo sư, luật sư… nói về nội dung. Nhân dịp này, gia đình chúng tôi mời bà con, bạn bè họp mặt để mừng đứa con tinh thần của tôi (sách Thác Lũ-Mưa Nguồn) mới ra đời.” Tác giả chia sẻ.


Sau đó, tác giả công bố vài tin vui, và nêu lên những thành viên trong ban chấp hành mới của Ðảng Ðại Việt.


Xen kẽ trong chương trình của buổi ra mắt sách là các chương trình văn nghệ với các tiếng hát của ca sĩ Mỹ Tiên, ca sĩ Mỹ Thúy, phần biểu diễn của đoàn trống Thiên Ân, nhóm Niềm Vui và những tiếng hát của các ca sĩ Mỹ Lan cùng bé Trần Thiện Anh Chí, Vũ Hùng,… cùng những người điều hợp chương trình là Nhất Phương, Hồng Quyên và Hoàng Dương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT