Thursday, March 28, 2024

Cựu nữ sinh Gia Long rộn ràng với ‘Xuân Hoài Niệm’


Nguyên Huy/Người Việt


 


GARDEN GROVE (NV) – Vào chiều tối Chủ Nhật, 5 Tháng Hai, cuối tuần này, chị em cựu nữ sinh trung học Gia Long lại cùng nhau họp mặt mừng Xuân mới trong chủ đề “Xuân Hoài Niệm” vào lúc 5 giờ 30 chiều tại nhà hàng Mon Cheri, 12821 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.










Cựu nữ sinh trường Áo Tím Gia Long trong một buổi ra mắt tân ban chấp hành. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Gia Long Quế Hương, trong một cuộc đàm thoại với phóng viên Người Việt, cho biết: “Sau những kỳ đại hội toàn thế giới, chị em Gia Long chúng tôi càng thấy mối dây thân ái với nhau trong tình bạn cũ trường xưa càng ngày càng thắm thiết. Xa thì qua điện thoại, email, gần thì mỗi năm chúng tôi có đến ít ra là hai lần họp mặt, không kể buổi ‘Count Down’ cùng liên trường vào đêm giao thừa dương lịch mà năm nào Gia Long chúng tôi cũng tích cực tham gia. Năm nay Gia Long chúng tôi tổ chức họp mặt mừng năm mới vào đầu Xuân thay vì tất niên như mọi năm.”


Ðược hỏi về chương trình hạnh ngộ trong “Xuân Hoài Niệm” năm nay hẳn là có gì khác với mọi năm, Gia Long Quế Hương sốt sắng cho biết: “Có nhiều lắm. Trước hết là chúng tôi đã được 12 thầy cô nhận đến chung vui cùng các học trò cũ. Ðây là tinh thần ‘Tôn Sư Trọng Ðạo’ mà Gia Long chúng tôi mong con em mình sẽ gìn giữ được như thế hệ cha anh. Chúng tôi sẽ dành những phút trang trọng nhất để chúc Tết thầy cô và kính dâng thầy cô chút quà kỷ niệm. Nội dung món quà của tình thầy trò rất đặc biệt, ban tổ chức chúng tôi xin được giữ bí mật, không tiết lộ trước.”


“Thứ đến là một chương trình vui Xuân liên tục với những tiết mục đặc sắc, chẳng hạn như màn ảo thuật do một tài tử ảo thuật của Hollywood vốn là con em Gia Long sẽ đến cống hiến giúp vui. Chương trình văn nghệ có tới 14 tiết mục trong đó có những ‘cây nhà lá vườn’ của Gia Long đã nổi tiếng trong cộng đồng mình như chàng rể Gia Long Trung Chỉnh, ban tam ca Ba Con Mèo ‘The Cat’s Trio’ với Uyên Ly, Minh Xuân và Kim vốn là những Gia Long một thời áo trắng. Rồi Hương Thơ, Thanh Thảo, Song Ngân cũng từng là những cô nữ sinh Gia Long làm điêu đứng biết bao các chàng Petrus Ký, Chu Văn An ngày nào,” chị Quế Hương kể tiếp.


Rồi chị “bật mí” thêm: “Tiết lộ thêm nhé, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn, khoa học gia và nhà thơ, văn, nhạc Nguyễn Ðình Toàn vốn là rể của Gia Long cũng sẽ có mặt lên bày tỏ những hoài niệm. Hoài niệm gì về Gia Long thì chưa biết, nhưng khối tình với Gia Long thì đã rõ. Ròng rã từ ba tháng nay, cuối tuần nào Gia Long chúng tôi cũng tấp nập tập dượt với nhau để lần hội ngộ ‘hoài niệm’ này sẽ là mối hoài niệm da diết khôn nguôi.”


Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, kể từ sau một thời gian ngắn có chút lủng củng nội bộ, nay đã vượt thoát được và trở thành một khối vững chắc với những đại hội toàn thế giới cứ vài năm lại được tổ chức luân phiên một lần tại những nơi có cộng đồng người Việt quần cư đông đúc như California, Houston (Texas), Virginia. Kể từ ngày thành lập nay đã qua 25 năm gắn bó với nhau. Theo Gia Long Quế Hương thì hội viên chính thức có khoảng từ 150 đến 200 chị em. Còn hội viên tham gia trong bất cứ một buổi tổ chức nào của Gia Long cũng có đến 600 chị em kèm theo những rể Gia Long và con cháu. Nếu tính toàn thế giới thì chị em liên lạc được với nhau không dưới con số 2,000. Con số này được xác định qua các đại hội Gia Long toàn thế giới.


Trung học Gia Long là một trường nữ trung học đệ II cấp lớn vào bậc nhất tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ai cũng nghĩ rằng tên trường là tên của vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn mà vị vua cuối cùng là Hoàng Ðế Bảo Ðại mới mất cách nay ít năm. Nhưng theo nữ Giáo Sư Bạch Thu Hà, có lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, thì “Gia Long là ghép hai thành phố lớn của Việt Nam là GIA-Ðịnh và Thăng-LONG. Nhưng dù là tên vị vua đầu nhà Nguyễn hay của hai thành phố ghép lại thì sau năm 1975, tên Gia Long không còn nữa, gieo biết bao u hoài cho những ai đã từng là nữ sinh trường Áo Tím Gia Long.”


Trường Gia Long khởi thủy là trường Nữ Học Ðường (College des Jeunes Filles Indigènes), thường gọi là Trường Áo Tím vì đồng phục của nữ sinh là áo tím. Trường khai giảng niên khóa đầu tiên vào năm 1914, dạy chương trình Pháp, mà Việt ngữ chỉ có ít giờ. Tất cả có năm cấp lớp tiểu học. Ðến năm 1920 mới mở thêm Cao Ðẳng Tiểu Học, sau này gọi là Trung Học Ðệ I Cấp (từ lớp 6 đến lớp 10). Năm 1942 bỏ cấp tiểu học để phát triển các lớp cao hơn. Mãi đến năm 1950 trường mới có hiệu trưởng người Việt đầu tiên là cô giáo sử địa Nguyễn Thị Châu, và chương trình Việt ngữ được bắt đầu áp dụng.


Có lẽ tên trường được đặt là Gia Long vào thời gian này. Ðến cuối năm 1952, do nhu cầu phát triển giáo dục, trường mở thêm các lớp thuộc đệ II cấp. Niên khóa 1954-1955, trường Gia Long đã nhượng lại buổi chiều cho Nữ Trung Học Trưng Vương di cư từ Hà Nội vào trong hai niên khóa kế tiếp cho đến khi Trưng Vương có địa điểm mới. Gia Long bình thường có tới gần 100 lớp với tổng số học sinh là trên 5,500. Nữ trung học Gia Long được tổ chức khá chu đáo. Ngoài chương trình văn, sử, địa, sinh ngữ và khoa học, toán học, Gia Long còn có chương trình y tế học đường là một chương trình bảo hiểm sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam, chương trình nữ công gia chánh với những phòng ốc thực tập chu đáo. Nữ công gia chánh gồm các môn học chính là nấu ăn, thêu thùa, may vá, tổ chức đời sống gia đình. Ngoài ra, Gia Long cũng là thành viên chính của Giải Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam vào những năm trước 1975.


Với một lịch sử huy hoàng trong giáo dục và sự tổ chức quy mô như thế, được vào học nữ trung học Gia Long, học sinh phải qua những kỳ thi tuyển (Concours). Một ít thuộc loại “con nhà” là những công tư chức cao cấp trong chính quyền. Do đó, nữ sinh Gia Long thường có sự kiêu hãnh ngấm ngầm thêm vào cái duyên Nam Kỳ mặn mà trung thực làm tăng thêm nét quyến rũ của các cô gái miền Nam.


Năm nay, Gia Long họp bạn với chủ đề “Xuân Hoài Niệm,” chắc chắn không phải chỉ có Gia Long, rể Gia Long mà còn có rất nhiều Petrus Ký, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Võ Trường Toản, Cao Thắng và anh chị em liên trường đến tham dự vì đã bị thu hút bởi chủ đề “Xuân Hoài Niệm” này.


Ðiều này không phải là tiên đoán vì theo Gia Long Quế Hương thì “Bốn mươi bốn bàn gồm 440 chỗ của nhà hàng đã được bán hết.”


Thôi nếu không mua được vé, đành lại “hoài niệm” đến góc đường Hai Mươi-Hồ Xuân Hương ngày nào chờ trống báo tan trường mà nhẩm hát “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ…”


 


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT