Thursday, March 28, 2024

Dân Biểu John Lewis kể lịch sử đấu tranh dân quyền

Tháng Lịch Sử Người Mỹ Gốc Châu Phi


 


Ðỗ Dzũng/Người Việt


 


FULLERTON, California (NV)Dân Biểu John Lewis, một nhà đấu tranh dân quyền gốc Châu Phi nổi tiếng thời thập niên 1960, có một cuộc nói chuyện kể về lịch sử đấu tranh của nhóm người thiểu số này tại miền Nam nước Mỹ cách đây gần 50 năm, được tổ chức tại Fullerton Arboretum, đại học Cal State Fullerton, hôm Chủ Nhật, nhân “Tháng Lịch Sử Người Mỹ gốc Châu Phi” (Black History Month).








Dân Biểu John Lewis kể chuyện đấu tranh dân quyền nhân
“Tháng Lịch Sử Người Mỹ gốc Châu Phi”. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)




Mở đầu bài nói chuyện trước một cử tọa gần 500 người, Dân Biểu John Lewis kể về thời thơ ấu của ông ở tiểu bang Alabama, chứng kiến sự bất công, kỳ thị chủng tộc và con người không có quyền bình đẳng.


“Khi tôi được 4 tuổi, người dân vùng tôi ở rất ít người được đi học. Hầu như tất cả đều làm việc trên những cánh đồng trồng bông vải,” nhà đấu tranh dân quyền, đang đại diện Ðịa Hạt 5 của tiểu bang Georgia, nói. “Ðến khi lớn lên, tôi nghe nói đến cuộc đấu tranh của bà Rosa Parks và Mục Sư Martin Luther King.”


“Rồi lần đầu tiên tôi gặp Martin Luther King. Ông nói với tôi là ‘Chúng ta phải tìm cách để đấu tranh’. Sau đó, khi tìm cách đấu tranh trong 50 năm, tôi lại gặp khó khăn nhiều hơn,” ông Lewis nói với giọng khôi hài, làm mọi người ồ lên cười.








Dân Biểu Loretta Sanchez vỗ tay ủng hộ phát biểu của đồng viện. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)


Thời đó, theo Dân Biểu Lewis, người Mỹ gốc Châu Phi đi lại trong các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, từ Alabama đến Mississippi, từ Georgia đến South Carolina, từ Virginia đến North Carolina, đều có thể bị bắt.


Khi tham gia phong trào đấu tranh dân quyền, bản thân ông Lewis cũng bị những người kỳ thị đánh đập, rồi ông bị bỏ tù, khi tham gia các vụ tẩy chay đi xe buýt, biểu tình ngồi bất bạo động phản đối luật Jim Crow, tách biệt trường học cho học sinh da trắng và gốc Châu Phi, ở Nashville, Tennessee.


Ông nói: “Nhờ vào những phong trào đấu tranh này mà chúng ta có ngày hôm nay. Ðó là nhờ tinh thần bất bạo động mà Mục Sư Martin Luther King đưa ra và nhờ sự nhận thức của cộng đồng.”


“Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này vẫn chưa hết,” Dân Biểu John Lewis cảnh cáo. “Chúng ta vẫn còn sự khác biệt trong xã hội, trong việc làm, không chỉ đối với người gốc Châu Phi, mà cả với người gốc Hispanic và gốc Châu Á. Vẫn còn nhiều trường hợp có quá nhiều người sống chung trong một căn nhà.”


Dân Biểu John Lewis kêu gọi: “Ðó là lịch sử của chúng ta. Chúng ta phải giữ lấy những gì đạt được trong cuộc đấu tranh này và đừng bao giờ quay trở lại thời kỳ đó.”


Ông nhắc lại tình trạng người gốc Châu Phi không được ghi danh đi bầu trước đây.









Một góc triển lãm “New Birth of Freedom: Civil War to Civil Rights in California”. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)


“Chỉ cách đây không lâu, người dân gốc Châu Phi ở miền Nam không được ghi danh đi bầu,” ông Lewis kể. “Tôi còn nhớ, có lúc, 80% cử tri ở Mississippi là gốc Châu Phi, nhưng không ai được đi bầu, cho đến khi cố Tổng Thống Lyndon Johnson nói ‘Chúng ta phải giải quyết chuyện này.’”


Khi luật cho phép người gốc Châu Phi ghi danh đi bầu được thông qua, “Tôi đã khóc,” Dân Biểu Lewis kể lại. “Nếu không có cuộc đấu tranh của người gốc Châu Phi, nếu không có luật cho người gốc Châu Phi ghi danh đi bầu, chúng ta sẽ không có Tổng Thống Barack Obama như ngày nay.”


Trong suốt gần một giờ nói chuyện, Dân Biểu John Lewis thu hút tất cả cử tọa bằng lối nói rất hùng hồn, giọng có lúc cao, lúc thấp, lúc như la lớn lên, đi tới, đi lui. Cử tọa phải nhiều lần vỗ tay, làm ngắt cuộc nói chuyện của ông.


Dân Biểu Loretta Sanchez, người giới thiệu ông Lewis với cử tọa, nói: “Quý vị biết không, tại diễn đàn Hạ Viện, mỗi khi Dân Biểu Lewis nói, tất cả chúng tôi đều phải lắng nghe. Ông là nguồn cảm hứng cho nhiều đồng viện, trong đó có cá nhân tôi.”


“Ông là một người cống hiến suốt cuộc đời đấu tranh cho quyền con người và sự công bằng cho tất cả. Trong thập niên 1960, ông được coi là một trong sáu nhà lãnh đạo dân quyền của Mỹ. Ông là một biểu tượng của dân quyền, của quyền đi bầu, của đấu tranh bất bạo động,” nữ dân biểu đại diện Ðịa Hạt 47 của California, nói tiếp.


“Và những gì ông làm trong quá khứ vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, cho một số nơi trên thế giới và một số nơi tại Hoa Kỳ,” bà Sanchez nói thêm.


Nhân dịp này, Ðại Học Cal State Fullerton có mở một triển lãm mang tên “New Birth of Freedom: Civil War to Civil Rights in California,” với nhiều hình ảnh và giải thích về tình trạng bị kỳ thị và cuộc đấu tranh của người Mỹ gốc Châu Phi, người Nhật và người Hoa, tại California trước đây.


Trong thời kỳ đấu tranh dân quyền từ năm 1963 tới năm 1966, Dân Biểu Lewis là chủ tịch và đồng sáng lập Ủy Ban Phối Hợp Học Sinh Ðấu Tranh Bất Bạo Ðộng. Lúc mới 23 tuổi, ông là người phác thảo bài diễn văn và là diễn giả chính tại cuộc Tuần Hành Washington vào Tháng Tám, 1963. Dù bị bắt hơn 40 lần, bị đánh đập dã man và bị thương nặng, ông vẫn tốt nghiệp cử nhân tôn giáo học và triết học tại Ðại Học Fish và là một người tốt nghiệp trường thần học American Baptist Theological Seminary. Năm 1977, ông được Tổng Thống Jimmy Carter bổ nhiệm điều hành tổ chức ACTION, một tổ chức tình nguyện liên bang có hơn 250,000 thiện nguyện viên. Năm 1981, ông được bầu vào Hội Ðồng Thành Phố Atlanta, Georgia. Năm năm sau, ông đắc cử dân biểu liên bang và phục vụ tại Hạ Viện Mỹ từ đó đến nay.


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT