Thursday, March 28, 2024

Đặt chân lên Dreamliner – niềm tự hào của nước Mỹ



Boeing 787 trình làng tại Long Beach


Hà Giang/Người Việt


 


LONG BEACH, Calif. – “Dreamliner là niềm hãnh diện của California. Tôi mong là một ngày gần đây, chúng ta sẽ mang kỹ thuật của Dreamliner áp dụng vào việc sản xuất xe hơi, để tiết kiệm 20% nhiên liệu cho xe!” Chưa dứt, lời tâm sự của thống đốc California, Jerry Brown, đã được đón nhận bằng một tràng pháo tay vang dội của cử tọa.









Chiếc Boeing 787 Dreamliner tối tân nhất thế giới hiện này, là thế hệ máy bay mới, tiết kiệm 20% nhiên liệu, được cho là chiếc máy bay sẽ “thay đổi cuộc chơi.” (Hình: David McNew/Getty Images)


Xem thêm hình ảnh tại đây


Trong khuôn viên hãng Boeing tại Long Beach, dưới làn nắng ấm California, với những khuôn mặt hân hoan, họ đứng trước mặt chiếc Boeing 787 Dreamliner, sản phẩm mới nhất, và là niềm hãnh diện của hơn 160,000 nhân viên hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, của người dân California, và rộng hơn nữa, của cả người dân Hoa Kỳ.


Trước đó, trong lời chào đón cử tọa đến tham dự buổi họp báo, nhân dịp chiếc Boeing 787 Dreamliner ghé đến Long Beach ngày 14 Tháng Ba, ông Bob Ciesla, phó tổng giám đốc điều hành nhóm thiết kế và chế tạo máy bay vận tải quân sự C-17 của Boeing, phát biểu: “Hôm nay là một ngày lịch sử trong lịch sử hàng không, ngày chúng ta chào đón chiếc máy bay phản lực thương mại tối tân nhất thế giới, chiếc máy bay biến giấc mơ của hành khách thành sự thật.”


Trước đó nữa, hàng trăm nhân viên hãng Boeing, nhân viên các hãng cung cấp phụ tùng, thiết bị, cho Boeing, các phi công được huấn luyện lái chiếc Boeing 787, và đông đảo giới truyền thông báo chí, đã có dịp đến gần, nhìn tận mắt, sờ tận tay, leo cả vào lòng chiếc máy bay có cái tên huyền ảo – “Dreamliner.”


Nhiều kỹ sư thuộc các công ty bạn tỉ mỉ đến gần, săm soi nhìn từng cánh quạt, từng màn hình, từng con ốc, trầm trồ, xuýt xoa.


Boeing và các công ty đối tác có nhiều lý do để hãnh diện.


Thay đổi cuộc chơi


Boeing 787 Dreamliner không chỉ là chiếc máy bay mới nhất của hãng (mà năng suất sản xuất hiện thời không kịp giao hàng), nó còn được mệnh danh là máy bay thuộc “thế hệ mới” (new generation), là máy bay “thay đổi cuộc chơi” (game changer).


Boeing 787 được thiết kế để tiết kiệm 20% nhiên liệu, và với giá xăng hiện nay, đây là điểm quan trọng với tất cả các hãng hàng không.


Theo lời ông Mike Flemming, phó tổng giám đốc điều hành hỗ trợ và phục vụ cho Boeing 787, thì Boeing đạt được hiệu quả năng lượng cho chiếc Dreamliner nhờ 4 kỹ thuật then chốt, gồm: động cơ tối tân, vật liệu nhẹ (thay vì nhôm như những thế hệ máy bay trước), hệ thống ứng dụng hiệu quả hơn, và áp dụng nguyên tắc khí động học hiện đại.


“Và, tiết kiệm năng lượng đưa đến việc cắt giảm tương đương lượng khí thải carbon dioxide cũng như giảm được 30% chất nitrogen oxides so với chiếc Boeing 767.” Ông nói.


Không những thế, khi cất cánh và hạ cánh, Boeing 787 êm hơn, giảm được 60% tiếng ồn, so với những máy bay khác.


Chưa hết, Boeing 787 Dreamliner có sức chịu đựng bền bỉ, với khả năng bay liên tục 15,200 cây số mà không phải tiếp thêm nhiên liệu. Ðây là một trong những lý do các hãng hàng không lớn trên thế giới nô nức đặt mua và đang kiên nhẫn chờ ngày nhận hàng.


Niềm hãnh diện của nhân viên


Ông Dũng Nguyễn, nhân viên Boeing, làm việc trong nhóm máy bay vận tải quân sự C-17, cho biết hôm nay ông và các nhân viên ở đây mới tận mắt thấy được sản phẩm mới của hãng, và “rất hãnh diện về hai chiếc cánh được thiết kế cong lên, thể hiện nguyên lý khí động học” khiến máy bay ít tốn nhiên liệu mà lại có dáng đẹp.


Trong khi đó, ông Hòa Trần, một nhân viên lâu năm khác của Boeing, nói rằng hy vọng với chiếc 787 Dreamliner, Boeing sẽ “lấy lại vị trí hàng đầu trên thế giới, vì hiện công ty Airbus đang cạnh tranh ráo riết” với Boeing









Thống đốc California, Jerry Brown, trong phòng lái của chiếc Boeing 787 Dreamliner trong dịp chiếc máy bay này ghé đến cơ sở của hãng Boeing tại Long Beach, California, ngày 14 Tháng Ba. (Hình: David McNew/Getty Images)


Nhưng phát biểu hăng hái nhất về chiếc Dreamliner phải nói đến các phi công được huấn luyện để lái chiếc máy bay thế hệ mới này.


Phi công trưởng Ed Wilson cho biết chiếc Dreamliner “rất dễ điều khiển,” với màn hình dễ nhìn và rõ ràng.


Ông Wilson cho rằng dàn điều khiển của máy bay rất quan trọng, và được chế tạo tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các chi tiết này, theo ông Wilson, nếu không tinh xảo, không được thiết kế tinh vi để các phi công “gần như có thể sử dụng theo trực giác,” thì khi gặp gió bão, có thể tạo rất nhiều khó khăn.


Cũng không phải tự nhiên mà Dreamliner có được dàn điều khiển dễ dùng như vậy. Phi công Wilson kể rằng, trong quá trình nhiều năm, từ giai đoạn thiết kế, đến thực hiện, nhiều nhóm phi công đã tham dự từng buổi họp, xem xét và đóng góp ý kiến cho mọi chi tiết của dàn điều khiển cho chiếc mày bay này.


“Nhìn chiếc máy bay được hoàn tất, tôi có cảm tưởng rất thân thiết!” Ông tâm sự.


Không chỉ nhân viên của Boeing mới hãnh diện, mà dường như bất cứ ai góp phần vào việc chế tạo chiếc máy bay này cũng đều tự hào.


Một nhóm nhân viên người Mỹ gốc Việt của Panasonic Avionic, hãng cung cấp một số thiết bị giải trí cho máy bay của Boeing, được mời đến xem chiếc Boeing 787, nhao nhao đóng góp ý kiến.


Chị Kim Nguyễn, phụ trách phần hành chất lượng sản phẩm, cho biết chị “rất ngạc nhiên khi thấy chiếc Dreamliner rộng rãi, và hãnh diện góp phần vào chiếc máy bay này.”


Chị Yến Ðặng hãnh diện cho biết chị làm cái “shroud” để bỏ màn hình (cho khách xem phim) vào, cho biết chị thấy “những cái khung của mình khi gắn lên chiếc Dreamliner trông đẹp quá.”


Anh Michel Cao, một giám đốc chương trình, cho biết “không thể chờ lâu hơn” để có một chuyến du hành trên chiếc máy tối tân nhất thế giới.


Du hành trong mơ


Nhưng phải đặt chân lên chiếc Dreamliner, người ta mới hiểu tại sao Boeing dùng tên này để đặt cho sản phẩm mới nhất của mình.


Với lòng máy bay rộng và thoáng, trần cao 9 feet, cửa sổ rộng và ánh sáng huyền diệu, vừa bước vào lòng chiếc 787, người ta có ngay cảm giác dễ chịu, và có cảm tưởng mình bắt đầu một chuyến “du hành trong mơ.”


Cô Lillian Alsayee, một kỹ sư Kết Cấu làm việc tại Boeing, cho biết khung cửa sổ lớn là điểm cô thích nhất về chiếc Dreamliner, vì hành khách “có thể điều khiển bầu trời riêng của mình.”









Một nhóm nhân viên hãng Panasonic Avionic người Mỹ gốc Việt hân hoan đến thăm chiếc Boeing 787 Dreamliner mà họ góp phần chế tạo. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Với chiều cao 48 centimeters và bề rộng 28 centimeters, diện tích cửa sổ của Dreamliner lớn hơn các cửa sổ máy bay cùng cỡ khác khoảng 30%.


Quan trọng hơn cả, thay vì điều khiển ánh sáng bằng cách kéo chiếc màn che bằng nhựa rẻ tiền trước đây, hành khách sẽ bấm nhẹ vào một chiếc nút để điều chỉnh độ sáng tối của màn cửa. Chói mắt quá? Bấm một cái, khung cửa sổ sẽ chuyển qua một màu xanh dịu mát. Tối quá? Bấm một cái, khung cửa sổ sẽ sáng dần.


Ngoài ra khung cửa sổ được chế tạo bằng loại thủy tinh đổi mầu theo ánh sáng bên ngoài.


Không chỉ khung cửa sổ, ánh sáng trên vòm của máy bay cũng tự động đổi màu tùy theo ngày hay đêm, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách.


Trần cao 9 feet, khiến khoang hành lý rộng rãi hơn, hành khách có thể cho hành lý vào một cách thoải mái.


Thoáng, ánh sáng êm dịu, bớt ồn, bớt áp lực, có thêm chỗ để hành lý mang theo, lại có cả một khung trời riêng, có lý do nào để hành khách không thích du hành trên chiếc Boeing 787 Dreamliner?


 


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT