Tuesday, April 16, 2024

Đi ‘xem’ khóa tu ở Tu Viện Lộc Uyển

Sổ tay phóng viên 

Ngọc Lan/Người Việt

ESCONDIDO, California (NV) – Nhiều lần nghe đến hai chữ “khóa tu” hay “tu tập” nhưng Chủ Nhật rồi, theo chân đồng nghiệp lên tu viện Lộc Uyển, Escondido, tôi mới có khái niệm về việc “tham dự một khóa tu học” là như thế nào.

Khóa tu này có chủ đề “Về Nguồn” được tổ chức trong 5 ngày, từ Thứ Sáu, 4 Tháng Mười đến Thứ Ba, 8 Tháng Mười, do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn cùng với các thầy và sư cô từ tu viện Lộc Uyển, Mộc Lan (Batesville, Mississippi), Bích Nham (Hudson Valley, New York) và Làng Mai (Dordogne, miền Nam nước Pháp). Khóa tu này nói tiếng Việt, dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.

 
Tu viện Lộc Uyển, Escondido, San Diedo (Hình: Dân Huỳn/Người Việt)

Chưa đến 7 giờ sáng, tôi cùng hai đồng nghiệp xuất phát tại tòa soạn, vì theo thông báo “9 giờ 30 cửa sẽ đóng” nên sợ đến trễ cổng đóng thì làm sao mà vào (nhưng đến giờ ngẫm lại thì tu viện Lộc Uyển đâu có cổng rào nào đâu, làm sao mà đóng?)

Chừng một tiếng rưỡi đồng hồ trên đoạn đường dài hơn 80 dặm, chúng tôi đến vùng đất Lộc Uyển – Deer Park Monastery mới hơn 8 giờ sáng.

Phải công nhận là đường vào tu viện nhìn thật là hay. Nó đẹp trong vẻ còn hoang sơ, một chút bụi đất, một chút khô cháy trước khi mở ra trước tầm mắt mọi người cái không khí của thiền viện trong một ngày nắng nóng.

Tu viện này được chính thức thành lập vào giữa năm 2000. Lộc Uyển nằm trong một thung lũng ẩn mình giữa những sườn đồi phía Tây Bắc thành phố Escondido, với diện tích rộng cả 400 mẫu tây, có cảnh núi đồi hùng vĩ và những rừng cây cho nhiều bóng mát.

Trên đường lái xe vào bên trong, chúng tôi đi ngang vùng đất dưới rừng sồi xanh mát, gọi là Xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet) dành cho các sư cô. Lúc đi lang thang khám phá cảnh vật nơi đây, chúng tôi cũng được trông thấy Xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet) dành cho các thầy, nằm phía trên đỉnh đồi.

Kiếm chỗ đậu xe xong, nhóm ba người chúng tôi được mời lên chiếc xe tựa như “goft cart” để chở lên chốn tu tập (chứ nếu đi bộ lên dốc, xuống dốc nơi đó chắc cũng lè lưỡi thở hòng hộc như cún chứ chẳng chơi!)

Đoạn đường chiếc “goft cart” chạy qua không xa nhưng đủ cho tôi nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ đội nón lá, mặc áo nâu sồng, lát đác vài người mặc áo lam đi khoan thai lên chốn tu tập, hay nhìn thấy những dãy lều được dựng lên dưới những hàng cây rợp bóng dành cho các tu sinh ở lại qua đêm, những em bé chạy chơi quanh đó, như khung cảnh một buổi cắm trại, có núi non, khí trời, dịu vợi.

Đến nơi mới biết từ sớm mọi người đã cùng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh chầm chậm đi bộ lên núi, trong tĩnh lặng, và đến 10 giờ 30 thì mới có buổi pháp thoại của thiền sư.

Thời gian chờ đợi đó chính là lúc để chúng tôi tiếp tục khám phá cảnh vật và không khí của tu viện.

Cô Chân Huyền, một tăng thân Xóm Dừa, người ghi danh theo khóa tu này, dẫn tôi đi vòng vòng giới thiệu đây đó. Nào là khu nhà nghỉ “trailer” với những chiếc giường tầng san sát, mỗi “phòng” có khoảng 4 đến 6 người ở, có đủ máy lạnh. Nào là khu nhà ở của các thầy. Rồi lại được dẫn vào xem khu vực nhà bếp. Chỗ thì đang gỡ hột bí rợ. Chỗ thì chặt bí. Chỗ thì cắt xả. Chỗ gọt nấm. Và những thùng chất đầy bánh mì lát mỏng, cà chua xắt nhỏ, bánh mì sấy,…

Thú vị nhất khi vào đây là nhìn thấy thầy Pháp Hội, một người khá nổi tiếng khi xảy ra vụ tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, mặt thầy tươi rói dù đang tất bật trong nhà bếp.

***

Gần 10 giờ 30, quay về nơi mà Thiền Sư Thích Nhất Hạnh sẽ pháp thoại thấy người đã đông nghẹt. Có người ngồi trong “chánh điện,” có người ngồi bên ngoài, dưới những chiếc lều trắng đã căng sẵn. Theo cô Chân Huyền, có 700 người ghi danh tham dự khóa tu “Về Nguồn” này, nhưng số người “tu chui” như kiểu chúng tôi thì nhiều lắm. “Họ lên vì tò mò, lên dự một buổi, hay một ngày rồi về, thành ra tính đến con số cả ngàn như chơi.”

 
  Màn “trình diễn” đọc kinh theo kiểu “nhảy Rap” của mấy em teenagers. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Do là “nhà báo” nên chúng tôi được ưu tiên hai ghế ngồi gần phía trên để tiện việc chụp hình. Nhưng chỉ ngồi yên tại ghế chụp chứ không có chuyện chạy tới chạy lui. Và nhất là không được gây tiếng động (mà máy chụp hình kiểu phóng viên nhà báo thì nó hay làm một tràng “tách tách tách tách tách”). Thành ra ngay khi phóng viên Dân Huỳnh đưa tay bấm máy kêu cái “Tách” thì bị Thầy Nhất Hạnh đưa mắt nhìn và đưa tay chỉ, như một lời “cảnh cáo,” thế là anh dẹp luôn chiếc máy ảnh nhà nghề đó.

Trước lúc Thiền Sư Nhất Hạnh xuất hiện, có một màn “trình diễn” đọc kinh theo kiểu “nhảy Rap” của mấy em thiếu niên. Tôi thấy cũng ngộ ngộ. Nhưng hai đồng nghiệp tôi, cũng là “con nhà Phật” thì “không chịu” vì “thấy sao sao á.” Và do đã được một chị “đi tu” trước đó chỉ dẫn nên tôi cũng vỗ tay bằng cách giơ hai tay lên và lắc lắc chứ không có vỗ hai tay vào nhau cho kêu bôm bốp.

Trước khi vào phần pháp thoại là phần Thiền Sư Nhất Hạnh nói về sự “thở vào và thở ra” để mọi người cùng thực tập. 

“Thở vào, tôi biết rằng tôi còn sống trên mặt đất này. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và trước mặt tôi.” Thầy Nhất Hạnh nói một cách chậm rãi

Sau khi ngưng lại gần 1 phút rưỡi (trong không gian im ắng như vậy thì đến đến 1 phút 30 giây là lâu lắm lắm), thầy tiếp tục nói chầm chậm, “Thở vào tôi cảm thấy sung sướng được thở vào. Thở ra tôi cảm thấy sung sướng được thở ra. Sung sướng được thở vào. Sung sướng được thở ra”

Và lại ngưng một lúc.

“Thở vào tôi thấy ba tôi có mặt trong từng tế bào cơ thể tôi. Thở ra tôi thấy mẹ tôi đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể tôi. Ba tôi có mặt trong tôi. Mẹ tôi có mặt trong tôi.”

Cứ từng câu từng câu được ngưng nghỉ như thế, đến câu cuối cùng, “Thở vào, tôi cảm thấy thích thú khi thở vào. Thở ra, tôi cảm thấy hạnh phúc khi thở ra. Thích thú thở vào. Hạnh phúc thở ra” thì thầy ra hiệu và một tiếng chuông được gióng lên, ngân ngân vang vang, xem như kết thúc phần “thở vào thở ra” trước khi bắt đầu vào nội dung chính.

Thiền sư chính thức bắt đầu phần pháp thoại bằng việc kể lại một giấc mơ đã đến với thầy từ khoảng 25 năm trước.

Câu chuyện về giấc mơ đó để lại trong tôi một ý niệm về sự “buông bỏ để vượt lên chính mình.” Trong đời sống một con người, trong quá trình tu học của một con người, có khi mình kẹt vào một ý niệm về bụt, về pháp, về tăng, hay pháp môn tu học, khiến mình không đi tới được. Do vậy, mình cần phải vượt qua, biết buông bỏ những cái thấy cái biết của mình để đi tới những cái thế cao hơn, và như vậy chính mình bỏ mình lại sau lưng.

Cũng trong buổi pháp thoại kéo dài gần 2 tiếng này, Thiền Sư Nhất Hạnh nói về cách nghe chuộng và thỉnh chuông.

 
 Thiền Sư Thích Nhất Hạnh giảng về nghe chuông và thỉnh chuông. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cô Chân Huyền nói “chắc có NL lên, nên sư ông giảng bài căn bản nhất!”

Sao cũng được, tôi học được cách dù đang làm bất cứ chuyện gì, vẳng nghe tiếng chuông vọng đến thì tất cả đều đứng im lại, chờ đến khi âm vang của tiếng chuông chấm dứt thì mới lại tiếp tục công việc hay câu chuyện dở dang.

Buổi pháp thoại kết thúc lúc 12 giờ 30. Nhóm chúng tôi rủ nhau ra chỗ nhà ăn, xếp hàng lấy thức ăn chay.

Một điều khá lý thú nữa mà tôi nhìn thấy là dù rất là đông người, nhưng mà tu viện không có sử dụng ly chén food-to-go mà xài toàn đồ sành, đồ nhựa không thôi. Ai ăn uống xong thì phải tự rửa. Có rất nhiều dãy bàn để ly tách chén bát tô đĩa và những “thau” nước xà bông và nước lạnh để tráng lại. Nhưng nghe nói không phải chén bát ly tách rửa rồi úp đó là lấy dùng lại liền mà họ còn cho vô máy hấp lại một lần nữa.

Trong nhà vệ sinh cũng không có giấy lau tay hay máy hơ tay cho khô mà chỉ có những chiếc khăn lông được treo sẵn để mọi người lau (dĩ nhiên trong nhà cầu thì phải có giấy rồi).

Không có thời gian để dự cho trọn ngày, chúng tôi ra về sau khi nói chuyện với một số Phật tử sau bữa cơm chay.

Tôi nhớ chị Anh Thư Lê từ Santa Ana lên tham dự khóa tu nói, “Mỗi lần đi như vầy mình thích lắm. Bởi vì đi cho mình, thiền cho mình, cảm thấy tâm mình rất bình an, không còn cảm thấy giận dữ, dễ bực mình nổi nóng với những chuyện xung quanh.”

Chị Anh Thư đưa cả hai con nhỏ cùng đi vì “tụi nó đã từng đi rồi, tụi nó thích lắm,” nhưng “hết ngày Chủ Nhật thì ba nó chở về để đi học, chỉ có tôi ở lại đến hết khóa tu mới về.”

Trên đường về tòa soạn, tôi nghe trong đầu mình văng vẳng câu thơ Thiền Sư Nhất Hạnh đọc đi đọc lại trong buổi pháp thoại “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe/Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm” cùng hình ảnh của cái chuông nhỏ và tiếng vang của nó…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT