Friday, March 29, 2024

Ðồng hương Bắc Ninh nhộn nhịp mở hội Xuân



Nguyên Huy/Người Việt


 


Từ năm năm nay, sau lần hội ngộ tại Viện Việt Học, đồng hương Bắc Ninh đã nhanh chóng hình thành một tổ chức vững chắc để hàng năm cộng đồng người Việt ở Nam California có dịp nhớ lại truyền thống “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” qua Hội Xuân Bắc Ninh.









Hội Trưởng Nguyễn Ngọc Kỳ giữa con cháu Bắc Ninh trong hội Xuân năm Tân Mão 2011. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ, hội trưởng Hội Ðồng Hương Bắc Ninh, với một tâm huyết mãnh liệt là “phải gìn giữ được truyền thống này không chỉ cho người Việt phải sống xa quê hương mà còn phải lưu truyền lại cho lớp trẻ nữa”. Cho nên, hàng năm, giáo sư đã nỗ lực vận động bà con đồng hương Bắc Ninh cùng nhau góp tay mở Hội Xuân.


Năm nay là năm thứ năm Hội Xuân Bắc Ninh lại được tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace, Westminster, vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật 12 Tháng Hai.


Theo ông Nguyễn Hữu Hòa, trưởng ban tổ chức năm nay, cho biết, khi “nói đến Hội Xuân Bắc Ninh là nói đến một truyền thống văn hóa lâu đời của không chỉ người dân Bắc Ninh mà còn là của người dân miền Bắc vì Bắc Ninh vốn là cái nôi văn hóa của người Việt mình. Cho nên trong Hội Xuân Bắc Ninh chúng tôi thường cố gắng làm sống lại những sinh hoạt vui chơi trong ngày Xuân của người Việt mình.”


“Sẽ có những màn trình diễn các điệu hát dân tộc như Trống Quân, Có Lả, Quan Họ, v.v… Bên cạnh đó là phần trình diễn áo dài cổ truyền của phụ nữ Việt Nam. Tất cả những màn trình diễn này đều do con em trong hội phụ trách dưới sự chỉ dẫn của các cô chú lớn tuổi trong hội đã bỏ nhiều công sức tìm lại được những phong cách trình diễn hát hò, mục đích là để cho đồng hương Bắc Ninh cùng có dịp sống lại phong tục tập quán tốt đẹp của mình trong những ngày Xuân xưa vui chơi như thế nào sau một năm miệt mài với đồng ruộng,” ông Hòa nói tiếp.


Giáo Sư Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết thêm: “Ðể cho tuổi trẻ hải ngoại biết thêm về cha ông mình, năm nay chúng tôi có tổ chức được một ban thiếu nhi hát trống quân. Sau nhiều tháng tập luyện chúng tôi đã chọn được 10 em khá nhuần nhuyễn trình bày những điệu hát Trống Quân không kém gì liền anh, liền chị.”


“Tóm lại, Hội Xuân Bắc Ninh sẽ có một chương trình văn nghệ dân tộc thuần túy do những con dân của nhiều thế hệ Bắc Ninh phụ trách. Nhưng như thế chưa đủ vì có trình diễn hay đến đâu cũng không thể lột tả được hết cái tinh thần trong hội Xuân ở Bắc Ninh vào những năm thanh bình. Nên bên cạnh buổi sinh hoạt này, chúng tôi còn phát hành cuốn Ðặc San Bắc Ninh mà những năm qua đã được đồng hương người Việt khắp nơi đón nhận, khích lệ vì nội dung rất phong phú của nó. Có thể nói Ðặc San Bắc Ninh đã qui tụ được những cây viết đứng đắn, những nhà sưu khảo có trách nhiệm trong việc tìm hiểu vùng đất mà người dân Việt ở khắp nơi đều coi là một trong những cái nôi văn hóa của dân tộc mình,” ông hội trưởng nói tiếp.


Phấn khởi về công việc mình đang làm, ông Kỳ cũng cho biết trước là Ðặc San Bắc Ninh năm nay có hai bài viết rất giá trị, một của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh với tựa “Ai là người Bắc Ninh?” Bài phân tích này dựa trên các lãnh vực lịch sử, địa chất… mà theo giáo sư thì đó là cái nôi văn hóa Việt Nam. Một bài sưu khảo khác về Rồng nhân năm Rồng, luận về hình ảnh Rồng trong đời sống Việt Nam từ vua quan cho đến thứ dân qua các thời đại. Một bài viết khác nữa của Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng nhận định về chữ Tết của Việt Nam, chứ không phải từ chữ Tiết của Trung Hoa. Bài phân tích đã trả những gì của Việt Nam về cho Việt Nam, lấy lại cái tự hào “nôm na” không lệ thuộc vào Hán tự.


Bắc Ninh là một tỉnh lớn thuộc châu thổ sông Hồng. Một thời, trước nhà Nguyễn, Bắc Ninh được gọi là Kinh Bắc, tức là kinh đô ở phía Bắc. Bắc Ninh là nơi có nhiều cổ tích và có lịch sử xưa nhất ở miền Bắc, đâu đâu cũng có miếu thờ, đình thờ thể hiện tinh thần tôn giáo của người bình dân Việt. Bắc Ninh cũng là nơi có gạo trắng nước trong và những người con gái đẹp, quyến rũ, đa tình nhưng trọng lễ giáo dân tộc. Bắc Ninh cũng là nơi vua quan nhà Trần mở Hội Nghị Diên Hồng tại bến Bình Than, cũng là nơi Thánh Gióng hiện ra và cũng là nơi xuất phát tranh Ðông Hồ từ làng Ðông Hồ, có Gốm Bát Tràng và nhất là có tiếng hát Quan Họ trong các hội làng Lim, làng Gióng ở Tiên Du.


Chỉ cách Hà Nội có một cây cầu dài gần 2 km là cầu Long Biên nay thêm cầu Thăng Long nên bên cạnh những cái “cổ” là những cái “tân” mà người Bắc Ninh đã nhanh chóng gạn lọc được để hòa nhập vào cuộc sống mới, qua sự thể hiện của đồng hương Bắc Ninh nay đang có mặt trên khắp thế giới.


––


Liên lạc tác giả: [email protected]


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT