Monday, March 18, 2024

Dự luật Nhân quyền Việt Nam thông qua UB Ngoại Giao Hạ Viện

WASHINGTON DC (NV) – Vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam được cho lên cán cân ngang với viện trợ cho nước này, sau khi Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện hôm Thứ Tư thông qua dự luật nhân quyền Việt Nam, theo tin từ văn phòng Dân Biểu Chris Smith, tác giả dự luật này. Dự luật này nay được chuyển cho toàn bộ Hạ Viện.









Cảnh nhà thờ Thái Hà bị tấn công phá hư cửa và đánh đập tu sĩ, giáo dân. Dự luật Nhân quyền Việt Nam, đòi hỏi phải cải thiện tự do tôn giáo và các quyền làm người khác, được thông qua Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện hôm Thứ Tư. (Hình: VRNs)


“Ðiều quan trọng là chính phủ Hoa Kỳ phải gởi thông điệp rõ ràng tới chế độ ở Việt Nam là phải chấm dứt sự vi phạm nhân quyền đối với công dân của họ,” Dân Biểu Smith lên tiếng trong buổi họp. Dân Biểu Smith là chủ tịch tiểu ban nhân quyền của ủy ban này. Ông tiếp:


“Mặc dù có người cho rằng gia tăng thương mại với Việt Nam sẽ dẫn tới thêm tự do và dân chủ, thực ra người dân Việt Nam còn bị đàn áp và bị mất quyền làm người nhiều hơn nữa. Chúng tôi biết là sự đàn áp tôn giáo, chính trị, và sắc tộc vẫn tiếp diễn và trong nhiều trường hợp còn nặng hơn nữa, và giới chức Việt Nam lại chào đón những kẻ buôn người lao động và tình dục.”


Dân Biểu Smith nhắc tới những lời điều trần của nhân chứng Vũ Phương Anh, nạn nhân buôn người từ Việt Nam qua lao động ở Jordan, và Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc BPSOS, là những chứng cứ ủng hộ dự luật này.


Dân biểu Loretta Sanchez cũng lên tiếng hoan nghênh dự luật được thông qua.


Bà nói, “Chúng tôi vui mừng khi thấy Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện thông qua Dự Luật Nhân Quyền 2012, H.R. 1410, một ngày sau khi phái đoàn đại diện cộng đồng Việt-Mỹ có mặt tại Thủ Đô Washington, D.C., vận động dân biểu liên bang của họ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.”


“Để đảm bảo quyền căn bản con người được tôn trọng tại Việt Nam, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ cần phải áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt về mậu dịch và không nên hỗ trợ tài chính đối với chính quyền Việt Nam”, Dân Biểu Sanchez nói, và tiếp:


“Là người đồng bảo trợ cho Dự luật H.R. 1410 từ lúc đầu, tôi ủng hộ biện pháp cấm tăng tài trợ không nhân đạo từ chính phủ Hoa Kỳ cho đến khi tình trạng đàn áp nhân quyền được cải thiện. Chính quyền Hoa Kỳ cần phải trực tiếp áp lực chính quyền Việt Nam sớm thay đổi chính sách đàn áp nhân quyền và dự luật này sẽ cho chúng ta phương tiện đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ và vận động các bạn đồng nghiệp để dự luật sớm được thông qua tại Hạ Viện Quốc Hội.”


Dụ luật Nhân quyền Việt Nam cấm không được gia tăng các loại viện trợ cho Việt Nam ngoài viện trợ nhân đạo, trừ khi chính phủ Việt Nam đạt tiến bộ đáng kể trong việc thiết lập chính trị dân chủ và khuyến khích nhân quyền.


Dự luật này cũng gia hạn cho một số người Thượng không được nhập cư vào Mỹ nếu họ bị trễ hạn vì một số lý do như không đủ tiền hối lộ cho viên chức địa phương cấp giấy tờ.


Trong số những điều kiện dự luật này đặt ra để Việt Nam được nhận thêm viện trợ, có:


* Tôn trọng tự do tôn giáo và thả hết tù nhân tôn giáo;


* Tôn trọng tự do ngôn luận, tự do tụ tập và lập hội, và thả hết tù nhân chính trị, nhà báo tự do, và nhà tranh đấu cho người lao động;


* Hủy bỏ và thay đổi các loại luật hình sự hóa việc bất đồng ý kiến ôn hòa, truyền thông độc lập, hoạt động tôn giáo không giấy phép, và biểu tình bất bạo động, theo đúng tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế;


* Tôn trọng nhân quyền của mọi sắc tộc;


* Có hành động thích hợp để chấm dứt nạn buôn người với sự hợp tác của chính quyền, kể cả việc truy tố các viên chức nhà nước.


Dự luật này không ngăn cấm các loại viện trợ nhân đạo, theo lời Dân Biểu Smith. Ông liệt kê thí dụ các loại viện trợ không bị cấm: “lương thực, thuốc men, sửa chữa ảnh hưởng của chất da cam, và hoạt động chống buôn người.”


Ngoài Dân Biểu Smith, các đồng tác giả của dự luật này, mang số H.R. 1410, gồm có Dân Biểu Frank Wolf (Virginia), Zoe Lofgren (San Jose, California), Sanchez, và Ed Royce.



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT