Thursday, March 28, 2024

Giới dân cử ‘tìm cách giữ nguyên giờ phát thanh’ VOA Việt ngữ

 


Ðỗ Dzũng/Người Việt


 


WASHINGTON, DC (NV) –“Tôi sẽ tìm cách giữ nguyên giờ phát thanh của đài VOA tiếng Việt như hiện nay,” Dân Biểu Ed Royce nói với nhật báo Người Việt trong cuộc phỏng vấn tại Quốc Hội Hoa Kỳ, liên quan đến đề nghị của Broadcasting Board of Governors (BBG) về việc cắt bớt ngân sách Ban Việt Ngữ VOA trong tài khóa 2013-2014.



Trụ sở đài VOA ở Washington, DC. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


“Tôi nghĩ chúng ta không nên giảm giờ phát thanh của VOA tiếng Việt hiện nay. Nên nhớ, 70% người dân Việt Nam sống ở nông thôn. Phát thanh là phương tiện thông tin duy nhất đối với họ, ngay cả đối với thế hệ sau này. Có nhiều vấn đề người dân Việt Nam cần được biết, như tự do tôn giáo, ví dụ tình trạng đạo Cao Ðài bị đàn áp, vi phạm nhân quyền, cán bộ nhà nước lạm dụng quyền lực và nhiều vấn đề khác,” vị dân biểu liên bang đại diện Ðịa Hạt 40 của tiểu bang California nói tiếp.


Ông Ed Royce khẳng định: “Tôi sẽ đích thân can thiệp vào vấn đề này. Cho dù chuyện gì xảy ra, chúng ta không muốn mất bớt giờ phát thanh của VOA Việt ngữ.”


Khi được hỏi về trường hợp này, Dân Biểu Loretta Sanchez cho biết bà “đang xem xét dự toán ngân sách liên quan đến VOA.”


Bà nói: “Nếu so với các ban ngôn ngữ khác, cắt giảm ban tiếng Việt như vậy là quá nhiều. Nếu so sánh với các quốc gia khác, như Bắc Hàn, Cuba, họ nhỏ hơn Việt Nam nhiều. Hiện nay VOA tiếng Việt chỉ có 2 giờ/ngày, trong khi một số chương trình ngôn ngữ khác vẫn còn nguyên. Tại sao lại cắt bớt tiếng Việt?”


“Ðáng lý chúng ta nên thêm giờ cho VOA Việt ngữ, để họ không những phát thanh mà còn phát triển trang mạng nữa. Ví dụ như trang web của đài Á Châu Tự Do (RFA), có tới 4.2 triệu lượt vào xem một năm,” Dân Biểu Sanchez so sánh.


Nữ dân biểu liên bang đại diện Ðịa Hạt 47 của tiểu bang California cho rằng, để VOA tiếng Việt không bị cắt giờ, “cộng đồng nên có tiếng nói.”


“Cộng đồng cần phải thỉnh nguyện lên BBG, gọi điện thoại, thảo luận vấn đề này,” bà Sanchez nói.


“Riêng tôi có thể tìm cách sửa đổi dự thảo ngân sách năm tới.”


 


Chiến lược của BBG


 


Về phía mình, BBG cho rằng dự trù cắt giảm ngân sách là kế hoạch chiến lược nhằm làm việc hiệu quả hơn trong việc phục vụ thính giả toàn cầu.


Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt qua email, bà Letitia King, phát ngôn viên BBG, giải thích: “Cắt giảm ngân sách năm tới tập trung vào việc áp dụng kế hoạch chiến lược của BBG. Ðó là sử dụng phương tiện với hiệu quả cao nhất để thông tin đến được với tất cả thính giả khắp thế giới. Chiến lược của BBG kéo dài trong 5 năm.”


Bà King cho biết cắt giảm ngân sách không có nghĩa là giảm người, mà là giảm bớt chi phí không cần thiết.


“Tổng số ngân sách cắt giảm từng nơi không nhất thiết làm giảm nhân viên,” phát ngôn viên BBG giải thích. “Cắt giảm này bao gồm kết hợp giảm lương và giảm chi phí tổng quát, ví dụ như cộng tác viên bên ngoài, chi phí công tác, phát thanh (đối với nơi phải cắt), máy móc, phương tiện…”


Ðối với VOA Việt ngữ, lý do cắt giảm ngân sách là vì người dân Việt Nam ngày nay xem TV và sử dụng Internet nhiều hơn.



Dân Biểu Ed Royce nói sẽ tìm cách giữ nguyên giờ phát thanh của VOA tiếng Việt. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Bà King giải thích: “Trong trường hợp Việt Nam, điều quan trọng là ngày càng có nhiều người xem TV, với bốn đài truyền hình quốc gia và nhiều đài truyền hình tỉnh. Nhiều người xem truyền hình cable (60% cư dân thành thị) và nhiều người sử dụng Internet (20% hàng tuần), cũng như sử dụng điện thoại di động.”


“Người dân Việt Nam nghe phát thanh chỉ ở mức vừa phải, và tại đô thị, số người nghe ngày càng giảm so với người sử dụng Internet,” bà King viết.


BBG cho rằng VOA tiếng Việt đang làm việc trùng hợp với RFA tiếng Việt, và như vậy là không hiệu quả.


“Phát thanh về Việt Nam là một ưu tiên của BBG. Tuy nhiên, hiện có tới hai chương trình phát thanh, VOA và RFA, cùng phục vụ một khối thính giả. Làm như vậy, rất khó cho cả hai cơ quan truyền thông này kết hợp hoặc phối hợp với nhau,” phát ngôn viên BBG cho biết.


Theo bản dự trù, dự thảo ngân sách của VOA không tách riêng phần tiếng Việt, nhưng Ban Ðông Á và Thái Bình Dương bị cắt $2.9 triệu, từ $33.2 triệu xuống $30.3 triệu.


“Sự thay đổi đối với hai ban phát thanh tiếng Việt có nghĩa là VOA sẽ làm việc như một ‘văn phòng Washington’ của BBG, và VOA sẽ cung cấp chương trình phát thanh cho RFA, trong khi vẫn tiếp tục cung cấp phóng sự có giá trị cao qua Internet và điện thoại di động,” bà King giải thích.


BBG cho biết sẽ làm mọi cách để mọi nhân viên không bị ảnh hưởng nhiều.


“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để giới hạn ảnh hưởng đối với từng cá nhân qua nhiều hình thức khác nhau,” phát ngôn viên BBG khẳng định.


 


Cắt giảm không đồng đều


 


Theo dự thảo ngân sách, tổng cộng, VOA sẽ bị cắt 170 người trong tổng số 1,281 nhân viên.


Ngân sách của VOA không tách riêng phần tiếng Việt, nhưng Ban Ðông Á và Thái Bình Dương bị cắt $2.9 triệu, từ $33.2 triệu xuống $30.3 triệu, theo bản dự thảo.


Hiện nay, VOA tiếng Việt có tổng cộng 14 nhân viên. Theo bản dự thảo, tài khóa tới sẽ cắt giảm 10 người. Trong khi đó, RFA tiếng Việt bị cắt giảm 2 người.


Ngân sách hàng năm của VOA hiện nay khoảng $200 triệu, đài có chương trình phát thanh với 43 ngôn ngữ khác nhau, phục vụ khoảng 140 triệu thính giả/tuần. Ngoài phát thanh, VOA cũng có tin trên truyền hình và Internet.


Ông Võ Duy Ái, một biên tập viên làm việc cho VOA tiếng Việt 15 năm qua, cho rằng sự cắt giảm này cho thấy BBG “cắt được chỗ nào là cắt.”


Ông nói: “Năm ngoái, họ đề nghị cắt toàn bộ ban tiếng Quảng Ðông và một nửa ban Quan Thoại. Sau đó, họ bị Quốc Hội phản đối, nên bây giờ chuyển sang ban tiếng Tây Tạng và tiếng Việt.”


“Tại sao không cắt ban khác?” ông Ái đặt câu hỏi.


Và ông cho rằng ban Việt Ngữ “bị cắt quá nhiều.”


“Tôi đồng ý là phải cắt ngân sách, nhưng tỉ lệ phải hợp lý. Chính phủ cắt 5%, VOA cắt 4.9% thì cũng được. Nhưng ban tiếng Việt bị tới 70%. Cắt 10 người trong tổng số 14 là không hợp lý,” ông Ái giải thích thêm.


Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu giám đốc Ban Việt Ngữ đài RFA cho rằng VOA tiếng Việt bị “ép” là do không có trưởng ban trong hai năm vừa qua.


Ông nói: “Ban Việt ngữ không có giám đốc, rất dễ bị ép. Ở đâu cũng vậy, khi thiếu tiếng nói, thì dễ bị ép. Nếu có người dám nói, cho thấy lợi ích của Mỹ tại Ðông Nam Á, sự cắt giảm sẽ bớt đi. Nếu có giám đốc tốt, không thể xảy ra chuyện như hiện nay.”


 


Ảnh hưởng đối với Việt Nam



Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích: “Ban tiếng Việt không có giám đốc, rất dễ bị ép.” (Hình: Dan Huynh/Người Việt)


Ông Võ Duy Ái cho rằng BBG đưa ra quyết định cắt giảm ngân sách là không hợp lý vì chương trình này vẫn còn quan trọng đối với người dân Việt Nam.


Ông nói với nhật báo Người Việt: “Tôi rất ngạc nhiên và bất bình. Tôi nghĩ BBG đưa ra một quyết định bất hợp lý. Việt Nam không có tự do truyền thông, người dân không có thông tin quan trọng. Chính phủ Mỹ đang quan tâm đến Á Châu. Nếu VOA tiếng Việt bị cắt, như vậy là người dân Việt Nam bị bỏ mặc.”


Ông cho rằng công việc của VOA là “đưa tin để thúc đẩy tự do và dân chủ, và thông tin phải chính xác, phải được cung cấp đầy đủ cho người dân.”


Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đồng tình ý kiến này.


“Ðây là quyết định đột ngột và thiếu suy nghĩ,” ông Bích nói.


“VOA vẫn là đài phát thanh quốc tế mà trong nước nghe nhiều nhất.”


Ông nhận xét: “Chính sách truyền thông mà dựa trên tài chánh thì không có nghĩa lý gì cả. Có người nói Internet thuận tiện hơn, không phải theo giờ giấc, dựa trên sự tiên phong của BBC, tôi cho là không chính xác.”


Ông giải thích: “Ðối với tuổi trẻ đô thị thì có lý, nhưng với đa phần người Việt Nam thì không phải như vậy. Việt Nam có đến 70%, 80% dân số sống ở nông thôn, hoặc người lớn tuổi, người lao động ở đô thị. Những người này không có Internet. Phát thanh có thể nghe khắp nơi, mà nếu không phá sóng, mọi người được nghe. Mà nếu không bị cấm, có nghĩa là nghe không bị nguy hiểm, thì sẽ có nhiều người nghe hơn.”


Trong lá thư đề ngày 28 Tháng Hai, 2012, gởi tới Quốc Hội Hoa Kỳ, ba nhà tranh đấu nhân quyền tại Việt Nam, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Quốc Quân và Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, yêu cầu cơ quan lập pháp này không cắt ngân sách VOA.


Bức thư viết, VOA Việt ngữ “phát thanh tại Việt Nam hơn 60 năm qua, đến khắp nơi, từ vùng đồi núi hẻo lánh cho đến vùng ruộng đồng xa xôi, và cung cấp thông tin như ‘thức ăn hàng ngày’ của mọi người.”


“VOA tiếng Việt là nhu cầu căn bản và cần thiết nhất của người Việt Nam, là đại sứ thiện chí của người dân và chính phủ Hoa Kỳ. VOA tiếng Việt làm gia tăng sự hiểu biết và quan tâm giữa hai dân tộc Mỹ và Việt Nam,” ba nhà đấu tranh viết.


Và họ kêu gọi: “Chúng tôi mong Quốc Hội, chính phủ và người dân Mỹ ủng hộ sự tiếp tục phát thanh của VOA tiếng Việt.”


Ông Võ Duy Ái cho rằng sự cắt giảm này là “bớt đi tiếng nói của Việt Nam vào lúc chưa cần thiết.”


Ông giải thích: “Chúng tôi chống lại sự cắt giảm này không phải vì sợ thất nghiệp, mà vì công việc chúng tôi chưa hoàn tất. Trước đây VOA có các ban ngôn ngữ Châu Âu, bây giờ các quốc gia này có tự do, không còn lý do để các ban ngôn ngữ này tồn tại, thành ra nhân viên họ thất nghiệp.”


“Chúng tôi cũng mong được thất nghiệp trong tình trạng như vậy,” ông Ái nói thêm.


 


––––––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT