Thursday, April 18, 2024

HT Thích Viên Lý ra mắt sách gây quỹ xây chùa Ðiều Ngự



Nguyên Huy/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) – Vào lúc 2 giờ 30 chiều Thứ Bẩy, 11 Tháng Hai, tại chùa Ðiều Ngự, Westminster, Hòa Thượng Thích Viên Lý, tổng thư ký Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội PGVNTN, kiêm viện chủ chùa, sẽ có buổi ra mắt 20 cuốn sách, theo sau là buổi tiệc chay, để gây quỹ xây dựng chùa.









Hòa Thượng Thích Viên Lý bên chồng sách của mình, sẽ được ra mắt đồng hương Phật tử để gây quỹ xây dựng chùa Ðiều Ngự. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


“Ðây là một phần trong hơn 30 cuốn mà chúng tôi đã viết và dịch từ nhiều năm nay, chưa bao giờ có tổ chức ra mắt sách, mặc dù tất cả đều đã in ấn và phát hành. Lần này, vì mục đích gây quỹ để xây dựng chùa Ðiều Ngự trên một cơ sở cũ đã không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng hương Phật tử nên mới có cuộc ra mắt sách này,” Hòa Thượng Thích Viên Lý nói với phóng viên nhật báo Người Việt.


Trong câu chuyện tiếp theo, hòa thượng cũng cho biết hiện quỹ xây dựng tính gồm cả tiền Phật tử cho vay mượn và tiền Phật tử cúng dường được khoảng $1 triệu. Kinh phí xây dựng chùa, theo các nhà thầu xây cất ước tính, là hơn $3 triệu, nên rất mong trong lần gây quỹ này, mọi người sẽ cùng tiếp tay nhau hoằng dương Phật pháp.


Vẫn theo lời hòa thượng viện chủ cho biết, mọi thủ tục đã được tiến hành chỉ còn chờ đủ kinh phí để cất công đặt viên đá đầu tiên.


Trong chánh điện hiện tại, một họa đồ chùa Ðiều Ngự tương lai được trưng bày, thấy cổng chùa là một cổng Tam Quan đơn giản không mang hình thức xưa với mái cong trên cổng mà là bốn cột vuông chia làm cổng chính lớn và hai cổng phụ nhỏ phang phác như các cổng chùa bên Nhật.


Ngôi chính điện với những mái cong vừa phải làm nổi rõ sự khác biệt với mái chùa Trung Hoa cong vút hay lài lài. Ðây là sự gợi ý của Hòa Thượng Thích Viên Lý với các kiến trúc sư phụ trách họa đồ.


Hai gác chuông hai bên chánh điện cũng là hình tượng tháp vuông với ba mái thay vì bát giác như thường thấy. Toàn cảnh ngôi chùa nếu được xây cất đúng như vậy sẽ là một cảnh chùa thanh thoát vừa giữ được dáng vẻ, hình tượng các ngôi chùa Việt Nam trong nước, lại vừa pha chút nét phương Tây như đã hòa đồng vào trong một đất nước đa văn hóa.


Chánh điện, hòa thượng cho biết, “sẽ mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo và dân tộc gồm hai tầng có chánh điện, tổ đường, linh đường, hội trường, văn phòng, thư viện, trai đường, nhà bếp, nhà vệ sinh, bãi đậu xe và những phương tiện tiện nghi khác.”


Hòa Thượng Thích Viên Lý tâm sự: “Thiển nghĩ, công việc trước tác, dịch thuật là thực hiện một sứ mệnh phục vụ tha nhân. Khi viết, mình đã thoát khỏi bản thân mà hòa nhập với những lời Phật dạy. Ðó cũng là một phương pháp tu trì của mọi người nên ít khi tôi ra mắt sách. Ðây là lần đầu tiên vì nhắm mục đích xây dựng chùa. Xin cũng chỉ coi như một đóng góp nhỏ như một hạt cát trong sa mạc.”


Hòa thượng cũng mang ra cho coi trên 30 cuốn sách ông viết hay dịch từ kinh sách Phật. Một số trong những tác phẩm này hòa thượng viết chung với một số học giả và các nhà tôn giáo học khác.


Trong số sách này, có nhiều cuốn có đề tài sát thực tế như “Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung,” “Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21,” “Bước Vào Thiền,” “Phật Giáo Việt Nam Biến Cố và Tư Liệu,” và đặc biệt là cuốn “Beginning and Development of Buddish Education in VietNam” (2009) dầy gần 3,000 trang khổ sách lớn. Ðó là luận án tiến sĩ mà hòa thượng trình khi tốt nghiệp tại University of the West, Rosemead, năm 2009.


Trong tập “Tứ Vô Lượng Tâm,” được in ra vào năm 2010, hòa thượng đã in lại những tài liệu đã soạn để dạy cho sinh viên tại đại học UCLA vào mùa Ðông năm 2007, trong đó hòa thượng đã bằng vào những lời Phật dạy gửi đến cho các sinh viên một cách sống cao thượng và lợi ích bằng các trau giồi bằng giới, định, tuệ để vượt qua những xiềng xích là những chướng ngại tinh thần, nhận biết ra bốn nền tảng của sự tỉnh giác để biết đến Không Tánh, sự mở ngỏ tuyệt đối trong Phật giáo đại thừa.


Ðây là những nhận thức về Phật giáo mà giới trí thức Tây Phương hiện đang rất chú trọng vì nó rất “con người,” rất “tự do” và rất “tự chủ” thấm đậm tính triết lý khoa học mà không hẳn là một tín ngưỡng.










Bản vẽ chùa Ðiều Ngự tương lai. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Nhiều cuốn sách được Hòa Thượng Thích Viên Lý viết bằng Anh ngữ như “Buddish Meditation Practices” hoặc “Dharma of Leadership,” bàn về thiền hay các phương cách giảng giải Phật pháp để cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại cũng như các độc giả ngoại quốc tìm hiểu dễ dàng về Phật pháp, một tôn giáo cho đến nay có nhiều trí thức thấy rằng Phật pháp thiên về triết học nhiều hơn là tín ngưỡng nên rất khoa học.


Trong dịp tiếp xúc này, hòa thượng cũng xin nhắn gửi đồng hương Phật tử hãy “vì tương lai của đạo pháp mà hoan hỉ tiếp tay cùng chư tăng ni Phật tử chùa Ðiều Ngự trong dự án xây cất đầy ý nghĩa lịch sử này bằng cách cúng dường tịnh tài.”


“Cúng dường sẽ được miễn trừ thuế và được ghi danh trong bia đá để nhiều thế hệ sau ghi tạc công đức, hoặc cho chùa mượn trong vòng ba năm không lấy lời từ $2,000 trở lên,” hòa thượng kêu gọi.


 


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT