Thursday, March 28, 2024

Hạ Viện Mỹ điều trần về nhân quyền Việt Nam

 


Ðòi đưa Việt Nam vào CPC và thả nhạc sĩ Việt Khang


 


Ðỗ Dzũng/Người Việt


 


WASHINGTON, DC (NV) – Một số nhà đấu tranh nhân quyền và nạn nhân buôn người tham dự một buổi điều trần liên quan đến tình trạng nhân quyền Việt Nam do Dân Biểu Chris Smith chủ tọa, tại văn phòng Hạ Viện Mỹ lúc 2 giờ chiều Thứ Ba, trong đó vị dân biểu chủ tọa chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và Dân Biểu Ed Royce đòi đưa Việt Nam trở lại Danh Sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Ðặc Biệt (CPC) và yêu cầu Việt Nam thả nhạc sĩ Việt Khang vừa bị bắt trước Giáng Sinh năm ngoái.



Dân Biểu Chris Smith (trái) và Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng (phải) cùng một số người bàn bạc về buổi điều trần nhân quyền Việt Nam tại Hạ Viện hôm Thứ Ba. (Hình: BPSOS)


“Chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền quá mức với bình diện rộng hơn,” Dân Biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) nói tại buổi điều trần, theo thông cáo báo chí do văn phòng ông đưa ra. “Mặc dù Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC hồi năm 2006, trên thực tế, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo tệ hại nhất trên thế giới.”


Theo báo cáo năm 2011 của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, “chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát tôn giáo và đàn áp dã man những cá nhân và nhóm được coi là thách thức chính quyền,” vị dân biểu đại diện tiểu bang New Jersey nói tiếp.


Dân Biểu Smith là thành viên cao cấp của Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện.


Trong phần phát biểu của mình, theo thông cáo báo chí do văn phòng ông gởi ra, Dân Biểu Ed Royce (Cộng Hòa-California) nói: “Tôi có đề nghị một dự luật đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vì hồ sơ đàn áp tôn giáo của họ. Tôi cũng đưa ra dự luật, cùng với ông Joseph Cao, đề nghị trừng phạt giới chức Việt Nam vi phạm nhân quyền. Chúng ta nên thông qua những dự luật này. Ðó là điều tối thiểu cần làm.”



Các nhân chứng tại buổi điều trần. (Hình: BPSOS)


Về nhạc sĩ Việt Khang, ông Royce nói: “Hôm nay, nhạc sĩ này vẫn còn ngồi trong tù chỉ vì sáng tác nhạc và bỏ lên Internet. Nhạc sĩ này, giống như các tù nhân chính trị khác tại Việt Nam, nên được thả tự do ngay hôm nay.”


“Buổi điều trần này tiếp tục soi sáng những điểm quan trọng về những vi phạm này. Tôi hy vọng chính quyền Obama chú ý,” ông Royce nói tiếp.


Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức BPSOS, một trong năm nhân chứng phát biểu tại buổi điều trần, nói: “Ðây là một buổi điều trần quan trọng. Ngoài những vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, ca sĩ Việt Khang, lần đầu tiên, chúng tôi cũng đưa ra vấn đề chính quyền Việt Nam đàn áp người Hmong tại Mường Nhé, có đưa ra danh sách người chết và người bị bắt nữa.”


“Tôi nghĩ, đây là ‘bàn đạp’ để Dân Biểu Smith và các dân biểu khác đẩy mạnh dự luật nhân quyền Việt Nam tại Quốc Hội,” Tiến Sĩ Thắng nhận xét.


Ông cho biết, ngoài ông ra, buổi điều trần còn có các nhân chứng khác như ông Joseph Cao (cựu dân biểu Hoa Kỳ), cô Vũ Phương-Anh (từng là nạn nhân của vụ buôn người ở Jordan trước đây), ông Rong Nay (giám đốc điều hành tổ chức “Montagnard Human Rights Organization”) và ông John Sifton (Human Rights Watch).


Ông Thắng cũng cho biết, ngoài hai dân biểu nêu trên, buổi điều trần còn có sự tham dự của các dân biểu Al Green (Dân Chủ-Texas), Dana Rohrabacher (Cộng Hòa-California), Jeff Fortenberry (Cộng Hòa-Nebraska) và Donald Payne (Dân Chủ-New Jersey).


Sau buổi điều trần, theo Tiến Sĩ Thắng, BPSOS đã tổ chức một buổi tiếp xúc giữa đồng hương Việt Nam và cô Vũ Phương-Anh, đồng thời giới thiệu về hoạt động của Liên Minh CAMSA, một tổ chức chống buôn người, vào lúc 7 giờ 30 tối, tại văn phòng ở Falls Church, Virginia.


 


–––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT