Tuesday, April 16, 2024

Hiến máu và câu chuyện ghép tim của cậu bé gốc Việt



Hà Giang/Người Việt


 


Buổi hội ngộ đặc biệt


 


Trong một buổi trưa Thứ Sáu tuần qua, tại UCLA Faculty Center, một nhóm 11 người xa lạ, thuộc đủ mọi sắc tộc, cả nam lẫn nữ, tuổi từ 19 đến 75, cùng họp lại để chúc mừng một thiếu niên người Mỹ gốc Việt.









Donovan Hồ (thứ tư từ trái) chụp hình với ân nhân hiến máu cho cuộc giải phẫu ghép tim. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Người thiếu niên họ chưa bao giờ gặp, và cho đến hôm nay mới được biết tên là Donovan Hồ, 17 tuổi, thật ra với họ có một liên hệ mật thiết: Dòng máu của họ đang luân lưu trong người Donovan.


Trước ánh mắt chăm chú, thương yêu của mọi người, Donovan Hồ, học sinh lớp 12 trường Villa Park High School, Orange, dáng gầy, mắt sáng, miệng luôn mỉm cười, nét mặt tươi dù hơi xanh, ngập ngừng trong lời cảm tạ.


“Kính chào tất cả quý vị, em tên là Donavan Hồ, năm nay 17 tuổi, em là một người được nhận ghép tim,” Donovan nói. “Hôm nay em vui sướng được đứng ở đây để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến quý vị, những người đã cứu mạng em.”


“Quý vị đã tặng em món quà của cuộc sống. Nhờ quý vị mà em còn đứng ở đây hôm nay. Em nghĩ rằng dòng máu của quý vị hiện vẫn đang luân lưu trong cơ thể em. Quý vị sẽ ở mãi trong tim em. Em là nhân chứng của sự rộng lượng, lòng vị tha và nhân từ của quý vị.”


Cả phòng chìm đi vài giây trong im lặng, tiếng vỗ tay sau đó nổi lên vang dậy, rồi từng người hiến máu được giới thiệu, thay phiên nhau bước lên ôm chầm lấy Donovan.


Dưới bàn tiệc, gia đình Donovan, gồm cậu em trai 10 tuổi, cha mẹ, ông bà ngoại và bà cố ngoại chăm chú nhìn em và các vị ân nhân với nỗi cảm kích khó thốt thành lời.


 


Món quà của cuộc sống


 


Thường thì khi hiến máu, vì luật “confidentiality,” người ta không biết được máu mình sẽ đi đâu, và sẽ cứu sống được ai. Nhưng hàng năm UCLA Medical Center tốn bao nhiêu thì giờ, dàn xếp cho mọi liên quan người ký giấy đồng ý miễn luật, để người hiến máu và nhận máu được gặp gỡ nhằm cổ động việc hiến máu.


Bà Bonnie Rejaei, 48 tuổi, người Mỹ gốc Iran, ôm chầm lấy và chúc Donovan có một cuộc sống “khỏe mạnh và trường thọ,” và cho biết bà cũng có một người con 17 tuổi đang học lớp 12, và bắt đầu hiến máu sau khi chồng bị giải phẫu tim.









Donovan Hồ (trái) cùng cha, em và mẹ chuẩn bị hát bài “Amazing Grace” để cám ơn ân nhân hiến máu. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Dan Le, 27 tuổi, người Mỹ gốc Việt, dân cư San Jose, có bạn gái đang theo học tại UCLA kể rằng đã lái xe từ San Jose xuống đây để gặp mặt Donovan, tâm sự là khi vào đến UCLA Faculty Center mới biết Donovan là người Mỹ gốc Việt, cho biết “cảm thấy rất khiêm tốn khi đối diện với người mình đã góp phần cứu mạng.”


“Chị biết không, gặp được Donovan, mọi người cảm thấy xúc động và hứng khởi quá nên đã rủ nhau đi hiến máu ngay sau bữa ăn trưa!” Dan Le khoe hôm đó đã hiến máu gấp đôi và nhận được chiếc kim gút “1 gallon” dành cho những ai đã tặng tổng cộng 1 gallon, tức 4 lít máu.


Bệnh tim đối với Dan Le không xa lạ gì. Cô bạn gái cũ của Dan chết vì giãn cơ tim năm 2008. Dan cho biết bắt đầu hiến máu khi chị của cô bạn gái hiện nay bị ung thư máu.


Ông Sean Holland, 75 tuổi, cựu sinh viên UCLA, đã hiến máu 145 lần trong vòng 25 năm qua, cho biết với ông hiến máu là một cách sống, và ông đã tặng cho đời tổng cộng là 72 lít máu.


 


Nguy kịch và giải phẫu


 


Bà Bích Thủy Hồ, 42 tuổi, mẹ Donovan cho nhật báo Người Việt biết lúc mới 2 tháng, Donovan bị nóng sốt cao, đưa vào nhà thương thì được bác sĩ cho biết tim của Donovan có một lỗ nhỏ, tuy thế, vẫn không có gì nguy hiểm, và thường đến khi 7 tuổi, lỗ sẽ tự đóng lại, còn nếu không thì bác sĩ có thể giải phẫu để đóng lại giúp.


Năm Donovan lên 7, gia đình đưa Donovan đến UCLA, tại đây Donovan được Bác Sĩ Laks, chuyên viên ghép tim của UCLA, mổ để khép chiếc lỗ nhỏ. Donovan về nhà sinh hoạt bình thường.


Với thời gian, những lo lắng về tim của Donovan dần dà vơi đi. Thế nhưng, vào đầu năm 2010, Donovan, lúc đó 15 tuổi, bắt đầu có dấu hiệu khác lạ là dễ dàng bị mệt.


Một đêm, thấy Donovan ăn ít, liên tục kêu mệt, vợ chồng bà bắt đầu lo lắng.


Bà Thủy kể: “May sao chồng tôi nghe tim con và thấy tim đập nhanh quá, nên bắt Donovan đến nhà thương cấp cứu.”


Sau một tuần lễ với đủ thứ thử nghiệm tại bệnh viện nhi đồng CHOC, vào trung tuần Tháng Giêng, 2010, Donovan được đưa vào trung tâm chuyên trị tim của UCLA, nơi Donovan đã được giải phẫu tim lúc lên 7 tuổi.


“Tim chúng tôi muốn rơi ra ngoài khi được báo cho biết Donovan bị bệnh giãn cơ tim (dilated cardiomyophathy) và bị bác sĩ bảo là phải ghép tim.”


“Chị cứ tưởng tượng đi, con mình bé nhỏ như thế mà phải ghép tim thì chúng tôi lo lắng như thế nào.” Bà Thủy nói.


Riêng Donovan cho biết, khi biết tin, tim em chỉ chùng xuống một tí rồi thôi, em cũng không lo sợ lắm, và “thật ra em nghĩ bố mẹ lo sợ cho em nhiều hơn.”


Còn Bác Sĩ Alejos, một trong hai vị bác sĩ giải phẫu ghép tim cho Donovan, cho biết khi bước vào phòng ông nhớ nhất là khuôn mặt tươi cười của Donavan.


“Cậu bé này bình thản lắm, và đặc biệt lúc nào cũng dặn tôi là cần phải cho cậu biết sự thật, dù tình trạng xấu thế nào chăng nữa.” Bác Sĩ Alejos kể.









Donovan Hồ (trái) cùng cha là ông Nghĩa Hồ đứng trước bục cảm ơn những người đã hiến máu giúp em được giải phẫu ghép tim thành công. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Về việc giải phẫu ghép tim cho Donovan, Bác Sĩ Alejos cho biết trong thời gian hai tháng chờ tìm được trái tim thích hợp, Donavan nằm mê mệt trên giường, và phải gắn liền với bộ máy đập tim nhân tạo bơm máu ra ngoài lấy thêm oxygen rồi đưa đi khắp người cậu. Trong tình trạng như thế, các tế bào máu của Donovan không thể làm việc, và vì thế phải cần rất nhiều máu.


Sau hai tháng chờ đợi, UCLA nhận được cú điện thoại là đã tìm được một trái tim, cũng 17 tuổi, có thể ghép cho Donovan.


Trong cuộc giải phẫu ghép tim vào Tháng Ba, 2010, tại Mattel Children’s Hospital thuộc UCLA, Donovan cần rất nhiều máu, huyết tương và tiểu cầu, tổng cộng là 73 đơn vị, tức khoảng 34 lít máu (cơ thể con người trung bình chứa chừng 5 đến 6 lít máu).


Và nếu không có những người hiến máu như 11 ân nhân của Donovan có mặt ngày hôm đó thì cuộc giải phẫu đã không thể thực hiện được.


 


Hồi phục và giấc mơ


 


Giải phẫu thành công, Donovan giờ đây là một thanh niên có đời sống bình thường tuy vẫn phải tiếp tục uống thuốc để bảo đảm là không có những phản ứng với trái tim mới. Donovan yêu đời, học giỏi, và theo lời ông ngoại là học trò “straight A.”


Thật khó dùng lời để diễn tả cảm xúc của mọi người trong buổi họp mặt đáng nhớ này. Cuộc sống thật kỳ diệu, máu là món quà kỳ diệu của cuộc sống, lòng thương người kỳ diệu, và sự biết ơn cũng kỳ diệu.


Ðược bao vây giữa những vòng tay yêu thương, Donovan mơ màng nghĩ đến trái tim của một người trẻ nào đó, cũng 17 tuổi, mà em đang mang trong lồng ngực. Một người Donovan sẽ không bao giờ có dịp cám ơn.


Donovan cũng nghĩ đến giấc mơ, mà em chia sẻ trong một email gửi cho Bác Sĩ Alejos, là sau khi vào đại học, em muốn theo học ngành quản trị xí nghiệp, và làm sao “kiếm được nhiều tiền tặng cho UCLA để cứu chữa những người trẻ có bệnh như em.”


Ông Nghĩa Hồ, cha của Donovan, thì đã bắt đầu hiến máu từ mấy tuần trước, chia sẻ kinh nghiệm mới của mình rằng, phải là những người “tâm huyết lắm, thương người lắm” mới bỏ thì giờ ra cho công việc cống hiến này.


Còn mẹ Donovan thì tâm sự bà không đủ cân lượng để hiến máu, nhưng sẽ tiếp tay với chồng để quảng bá sự kỳ diệu của việc hiến máu trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.


 


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT