Friday, March 29, 2024

Hòa Thượng Quảng Thanh đóng phim


Linh Nguyễn/Người Việt

SANTA ANA, California (NV)“Theo tôi! Lắc người! Action!” Đó là lời Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, trụ trì chùa Bảo Quang, Santa Ana, nói với người quay phim chuyên nghiệp, theo lời hòa thượng kể lại cho phóng viên nhật báo Người Việt, khi Ngài thủ vai chánh trong phim “Hành Trình Giác Ngộ”, một sản phẩm điện ảnh “để phục vụ văn hóa, nghệ thuật.”

“Hành trình của một người đi tìm một người”. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trước hết, cốt chuyện muốn nói lên điều gì và tại sao một người tu hành lại có thể làm một việc mà ít khi thấy xảy ra trong cộng đồng người Việt?

“Cốt chuyện xoay quanh một người đi tìm một người. Kết cuộc ra sao, tôi để dành cho người xem tự tìm câu trả lời,” Hòa Thượng Quảng Thanh nói.

Hòa thượng lấy ra một DVD và cho chiếu trên màn hình lớn của một TV đặt bên chân cầu thang dẫn lên phòng làm việc và cho biết: “Tôi cho quý vị xem một vài đoạn giới thiệu cuốn phim chứ không phải toàn bộ. Phải mất cả năm trời mới có thể thực hiện xong phim này. Tôi chỉ mới bắt đầu được vài tháng thôi.”

Phim hiện ra trên màn ảnh một nhà sư cao lớn mặc áo thụng vàng, khoác chiếc áo đỏ bên ngoài, đầu đôi mũ tỳ lư hình bảy cánh sen, tay chống một cây trượng dài, đi lần theo vách đá lởm chởm. Nhà sư ấy chính là Hòa Thượng Quảng Thanh.

“Quý vị có thấy tôi cúi xuống lấy tay hứng những giọt nước bên khe đá không? Có nước thì sẽ tiếp tục được cuộc hành trình. Sau đó là cảnh tôi dừng chân, nhìn lên một vách đá cheo leo, có một con chim đậu. Đó là hình ảnh của sự sống,” Ngài giải thích.

Đoạn phim tiếp tục chiếu đến cảnh nhà sư trèo lên núi cao, ngồi trên đá, chắp tay, nhắm mắt tọa thiền. Rồi cảnh sóng biển cuồn cuộn, đập vào vách đá bên bờ, nước văng trắng xóa. Cảnh nhà sư tránh sóng biểu lộ mối sợ hãi. Rồi cảnh một bãi cát, sóng xô nhè nhẹ, nhà sư chống gậy thong dong trên bãi cát và dừng chân tọa thiền đầy vẻ suy tư trong một động đá. Sau đó nhà sư đi vào sâu bên trong.

“Các hình ảnh quý vị thấy để diễn tả cuộc hành trình của một người đi tìm một người, tìm chân nhân trong hoàn cảnh khó khăn, vượt núi đá hiểm trở, lúc tránh sóng dữ, khi hòa mình với vũ trụ. Quý vị có để ý ánh sáng chỗ tôi ngồi tọa thiền không. Ánh sáng ấy đối với các nhiếp ảnh gia là tuyệt vời. Rồi sâu bên trong động đá, nhà sư ấy tìm thấy ai. Có ánh đuốc sáng lên. Có khói trầm hương. Chuyện gì xảy ra bên trong mà không thấy nhà sư ấy đi trở ra ngoài. Mỗi một người xem sẽ tự tìm thấy câu trả lời,” vị hòa thượng say sưa giải thích.

“Cuốn phim không nói gì về Phật Giáo nhưng vị nghệ thuật,” Ngài nói thêm: “Hình ảnh và âm thanh phong phú, không kém một phim do Holywood sản xuất.”

Các ấn phẩm do Hòa Thượng Thích Quảng Thanh sáng tác. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Thế còn nguyên do thứ hai là gì?

“Để phục vụ văn hóa và nghệ thuật, tôi tự hỏi tại sao một nhà sư Việt Nam không thể đóng phim được? Và tôi hoàn toàn đạo diễn phim này vì nghĩ rằng với những kinh nghiệm và khả năng khác nhau về văn hóa, nghệ thuật, đã đến lúc để tôi khám phá và dùng một thể loại khác để phục vụ. Đó là phim ảnh,” vị hòa thượng nói.

Để chứng minh cái nền tảng từ những kinh nghiệm trong quá khứ, Hòa Thượng Quảng Thanh cho xem những cuốn sách mà Ngài là tác giả dưới bút hiệu Thanh Trí Cao, và được ấn hành, như “Trăng Ngủ Trong Mây” (1996), “Trên Dòng Tử Sinh” (1998), “Hương Vị Chân Tâm” (2000), “Hái Hoa Tuyết Đông” (2001), “Khoác Áo Chân Không” (2003).

Sau sách là hai tác phẩm song ngữ Anh-Việt về nhiếp ảnh, cũng do hòa thượng xuất bản, dưới bút hiệu Thanh Trí Cao. Đó là bộ sách “Dấu Ấn Nghệ Thuật I và II” để ghi lại những bức ảnh do hòa thượng chụp. Kỹ thuật sử dụng ánh sáng, khẩu độ và góc nhìn, theo hòa thượng, được những giám khảo chuyên nghiệp lấy làm ưng ý và ghi nhận khả năng của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khi hòa thượng dự thi nhiếp ảnh năm 1988 ở Irvine.

Kế đến là hàng trăm nhạc phẩm phổ thơ do hòa thượng sáng tác, gồm những bài hát quen thuộc như “Dòng Sông Thấp Thoáng Con Thuyền”, “Mẹ Là Phật”, “Cõi Ấy Thân Thương”, “Thiền Hành.”

Hòa Thượng Quảng Thanh tâm sự: “Đối với tôi, làm gì thì cũng phải đề cao dân tộc tính. Những gì tôi làm cho tổ quốc, tôi đặt bên trên đạo, vì tổ quốc còn, đạo mới tồn tại. Từ Việt Nam qua Mỹ, lúc nào tôi cũng đặt những việc làm cho tổ quốc là trên hết. Mũ tỳ lư tôi đội trong phim, đến mái chùa cũng phải mang tính Việt Nam.”

“Tôi không có kỳ vọng gì, chỉ biết tìm cách minh họa bằng mọi phương tiện để người ta hiểu đạo hơn. Phim ảnh cũng là một sản phẩm để phục vụ văn hóa, nghệ thuật. Nếu tốt thì tự nó sẽ thành. Cuộc hành trình ai biết được nó sẽ đi về đâu, nhưng tôi biết tôi làm gì qua phim ‘Hành Trình Giác Ngộ’,” vị hòa thượng nói.


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT