Tuesday, April 16, 2024

Học Viện Công Dân ra mắt ba dịch phẩm mới


Văn Lan/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) – Học Viện Công Dân vừa tổ chức buổi ra mắt ba dịch phẩm mới vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Bảy, 28 Tháng Năm, tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster, trong một buổi chiều sinh hoạt văn hóa thật ấm áp của những tâm hồn xa xứ nơi quê người, một buổi chiều vàng êm ả, lắng đọng tâm hồn để thưởng thức những tư tưởng triết học xa xưa.



Hai giáo sư dịch giả ký tặng sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Đây là buổi giới thiệu ba dịch phẩm, lần đầu tiên được Học Viện Công Dân, tên tiếng Anh là Institude of Civic Education in Vietnam (ICEVN), giới thiệu trước công chúng Orange County, gồm những tác phẩm kinh điển trong kho tàng tư tưởng chính trị Tây phương của các triết gia cổ Hy Lạp.


Đó là hai tác phẩm “Cộng Hòa” (The Republic) và “Yến Hội” (The Symposium) của Platon, Giáo Sư Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ, và quyển thứ ba là “Đợt Sóng Dân Chủ Hóa Thứ Ba” (The Third Wave of Democracy), sáng tác của Samuel Huntington, do Giáo Sư Trần Lương Ngọc vừa hoàn tất dịch thuật. Đây là ba tác phẩm nổi tiếng, được mọi người trên thế giới đọc và nghiên cứu.


Đặc biệt là hai diễn giả, Trần Lương Ngọc và Đỗ Khánh Hoan, qua cách nhìn uyên bác và phân tích sâu sắc các tác phẩm, đã đem lại nhiều thú vị cho người nghe từ đầu cho đến cuối chương trình.


Hai MC Nguyễn Viết Kim và Trâm Oanh phối hợp điều khiển chương trình.


Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh thay mặt ban tổ chức nói lời chào mừng đồng hương đến dự buổi ra mắt sách ngày hôm nay.


Tiến Sĩ Nguyễn Viết Kim giới thiệu sơ nét về hai giáo sư dịch giả ba cuốn sách được ra mắt.


Giáo Sư Đỗ Khánh Hoan tốt nghiệp đại học Sài Gòn, đại học Sydney (Úc), và tiến sĩ văn chương đại học Columbia University, Hoa Kỳ, nguyên giáo sư trưởng ban Anh Văn đại học Văn Khoa Sài Gòn (1964-1979), biết 10 thứ tiếng. Định cư tại Canada, và đã dịch thuật hơn 50 danh tác trên thế giới.


Giáo Sư Trần Lương Ngọc tốt nghiệp cao học tại đại học New South Wales (Úc) và đại học Carleton, Canada, chuyên viên cao cấp về phát triển kinh tế và công tác xã hội trong chính quyền VNCH trước 1975. Ngoài ra, ông còn giảng dạy tại các đại học Minh Đức, Vạn Hạnh và là giảng viên bán thời gian tại đại học Carleton, Canada.


Tiếp theo, Tiến Sĩ Lê Minh Thịnh giới thiệu dịch phẩm “Đợt Sóng Dân Chủ Hóa Thứ Ba.”



Ban nhạc Giọt Mưa Trên Lá trong nhạc phẩm “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Giáo Sư Samuel Huntington, một khoa học gia và là một nhà khoa học chính trị nổi tiếng tại Mỹ, đã qua đời năm 2008. Trong hơn 50 năm giảng dạy tại đại học Harvard, ông là chủ biên và đồng tác giả của 17 tác phẩm và hơn 90 bài tham luận. Công trình nghiên cứu và giảng dạy của ông bao gồm các đề tài về chính quyền Hoa Kỳ, dân chủ hóa, chính trị trong quân sự, chiến lược, tương quan giữa giới dân sự và quân sự, chính trị đối chiếu và phát triển chính trị, ngoài ra ông cũng đề cập đến Khổng Tử và đạo Hồi. Ông cũng đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và nhận được nhiều giải thưởng cao quý của chánh phủ Hoa Kỳ.


Ông mô tả tiến trình dân chủ hóa toán cầu xảy ra trong ba đợt và tác phẩm này nói về đợt sóng dân chủ hóa thứ ba vào cuối thế kỷ 20, được xuất bản năm 1991 và dân chủ hóa là một tiến trình lịch sử trong thế kỷ 21 này. Đây là một tác phẩm được đúc kết từ những bài học lịch sử từ những cuộc chuyển hóa dân chủ thành công, và là kim chỉ nam rất hữu dụng cho những đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, với những mong mỏi sự chuyển hóa của Việt Nam sẽ tiến gần đến một nền dân chủ trong tương lai.


Giáo Sư Trần Lương Ngọc được mời lên trình bày thêm với khán giả. Ông nói đã dịch quyển sách này với sự lựa chọn và khuyến khích của Học Viện Công Dân, đặc biệt là của Tiến Sĩ Nông Duy Trường, đồng sáng lập học viện.


Ông nói tôn chỉ của Học Viện Công Dân là chú trọng về nâng cao dân trí, tạo cho mọi người có kiến thức và trình độ để tạo nên một xã hội mới, đưa đến một chế độ tốt đẹp.


Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm để đọc quyển sách này trong 5 phút hay 3 tiếng đồng hồ, vì chúng ta ai cũng quan tâm đến vấn đề dân chủ hóa, đặc biệt là những người đấu tranh là những người rất bận rộn, không có thì giờ để kịp nghiên cứu và suy nghĩ về những kinh nghiệm dân chủ hóa đã xảy ra trên thế giới.


Ông cũng nói thêm mục đích của cuốn sách này và mong muốn của ông, theo tinh thần của Giáo Sư Huntington, đây sẽ là một cuốn cẩm nang cho tất cả mọi người quan tâm đến dân chủ hóa, đặc biệt là những người đấu tranh cho dân chủ dựa trên kinh nghiệm của hơn 30 quốc gia trên 40 năm dân chủ hóa được hệ thống lại qua năm yếu tố: tính chính danh của các chế độ chuyên chế, tình trạng phát triển kinh tế xã hội và dân trí, quan điểm của các định chế tôn giáo và chính sách nhân quyền toàn cầu, cuối cùng là phản ứng dây chuyền gia tăng do các tiến bộ trong ngành truyền thông.


Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh tiếp nối chương trình trong phần giới thiệu hai dịch phẩm kế tiếp là “Cộng Hòa” và “Yến Hội.”


“Cộng Hòa” là một tác phẩm có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với sự phát triển tư duy của triết học và học thuyết chính trị suốt hơn 2,000 năm qua. Có người đã nói rằng nếu mang tất cả các sách vở trên đời ra đốt hết thì cũng không hề hấn gì, ngoại trừ quyển “Cộng Hòa.” Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Platon, nói về bản chất của sự công bằng xã hội, ông cũng nói đến sự bất công sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho người dân trong một tỉnh thành, cho toàn xã hội.


Theo Giáo Sư Đỗ Khánh Hoan, từ chữ Politicia trong cổ ngữ Hy lạp, thì “Cộng Hòa” không có nghĩa là một chính thể hay chế độ công hòa, nó chỉ là một cộng đồng dân sự sinh sống trong một cùng một thành phố hay một tỉnh, và giáo sư đã dùng chữ “thành quốc” để dịch. Tác phẩm nổi tiếng này, sau hơn 2,000 năm đến hôm nay lần đầu tiên mới được dịch sang Việt ngữ, dày hơn 700 trang, là một kỳ công của giáo sư.


“Yến Hội” là một tác phẩm bao gồm hai đối thoại của Platon: Yến Hội (Symposium) và Phaedrus, tên của một nhân vật trong Yến Hội, là một phong tục tập quán của người dân tỉnh Athene, sau giờ làm việc, đến cuối ngày một người dân trong địa phương làm buổi tiệc tại nhà, mời mọi người tới ăn và uống rượu, vừa ngồi vừa nằm, bàn về suy tư của bản chất tình yêu, tình yêu gợi dục, tình yêu bắt đầu bằng sự thèm muốn thể xác, nhưng có thể xuyên qua nguồn gốc đó vươn tới đỉnh cao tinh thần là tình yêu đạo hạnh, tình yêu lý tưởng trong trạng thái tinh thần.


Sau khi ba dịch phẩm được giới thiệu, hai giáo sư Trần Lương Ngọc và Đỗ Khánh Toàn nhận được nhiều câu hỏi và giải đáp thỏa đáng tất cả.


Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh cũng giới thiệu về Học Viện Công Dân, là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2005 tại Houston, Texas, và Giáo Sư Nông Duy Trường là chủ tịch với sứ mạng: phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội, sự minh bạch và góp phần thăng tiến các thế hệ tương lai tại Việt Nam qua những chương trình giáo dục công dân, kỹ năng lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp.


Học Viện Công Dân hoạt động dựa trên hai triết lý: Thứ nhất là “Khai Dân Trí” theo tư tưởng cụ Phan Châu Trinh khởi xướng năm 1905, chú trọng vào phát huy ý thức trách nhiệm của công dân qua chương trình công dân học.



Luật Sư Đoàn Thanh Liêm (trái) đặt câu hỏi với hai giáo sư. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Người Việt Nam dù đã qua thế kỷ 21 vẫn chưa có khái niệm về ý thức và quyền lợi trách nhiệm của người công dân. Thái độ “mặc kệ nó” phản ảnh tâm lý thần dân kéo dài qua bao thế kỷ tại Việt Nam. Muốn đưa đất nước tiến bộ cần có sự góp tay của toàn dân về mọi phương diện. Điều này chỉ xảy ra khi khi người dân ý thức được vai trò chủ nhân ông của mình trong xã hôi và tham gia.


Thứ hai là sau khi người dân ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, họ phải tham gia vào việc xây dựng xã hội dân sự. Một xã hội dân sự sinh động sẽ phát triển sự tự tin và tự hào trong việc “Chấn Dân Khí” và thăng tiến “Dân Sinh.”


Học Viện Công Dân áp dụng trên internet những chương trình giáo dục công dân, quản trị, thương mại, phát triển kỹ năng lãnh đạo. Từ 2007 đến nay, đã có 1,591 học viên ghi danh, hơn 2 triệu “hit” mỗi năm, trên 100,000 “Unique reader” và khách viếng website thuộc 140 quốc gia.


Học viện còn tổ chức các khóa huấn luyện về phát triển kỹ năng lãnh đạo tai chỗ (onsite) tại Việt Nam. Ban giảng huấn của học viện gồm những giảng viên có trình độ từ cao học trở lên. Cùng với việc giáo dục online, học viện còn tuyển dịch những tác phẩm kinh điển của triết học và khoa học chính trị, kinh tế, luật pháp của Tây phương sang Việt ngữ.


Buổi ra sách hôm nay rất đặc biệt vì không như các tác phẩm khác thường nhắm vào độc giả trong các cộng đồng Mỹ gốc Việt, mà độc giả chính của các tác phẩm này người dân nước Việt, đa số những trí thức trẻ đang sống tại Việt Nam và tại các quốc gia khác.


Người nghe đã thích thú ngồi nghe từ đầu đến cuối và chương trình buổi ra mắt sách kết thúc bằng hợp ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ,” sáng tác Nguyễn Đức Quang, do ban nhạc “Giọt Mưa Trên Lá” trình bày cùng tất cả mọi người vỗ tay hòa nhịp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT