Thursday, March 28, 2024

Học hát, ‘môn giải trí’ mới ở Little Saigon

 


Ngọc Lan/Người Việt 


WESTMINSTER (NV) “Thay vì ngày nghỉ người ta đi đánh mạt chược thì tôi đi học hát để thư giãn.” Bác Sĩ Phạm Ðặng Long Cơ, một trong những chủ nhân của Tổ Hợp Y Tế Bolsa Medical Group, nói một cách đơn giản về lý do ông đi học hát.








Hai chị em Trần Nhã Vy, 11 tuổi (trái) và Trần Hạ Vy, 13 tuổi, trong giờ học hát tại nhà thầy Lê Hồng Quang (người đánh đàn). (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Với ông Phan Ngọc Quang, ngoài 55 tuổi, một kỹ sư đang làm việc cho hãng Boeing, thì, “Tôi đi học hát vì nghĩ đó là một ‘hobby.’ Ðến một tuổi nào đó thì mình nên chọn lấy một ‘hobby.’ Thay vì mình cứ hát nghêu ngao thì thôi bây giờ nên học để hát cho tâm hồn thanh thản một tí.”


Trong khi đó, hai chị em bé Nhã Vy và Hạ Vy lại thấy niềm vui của học hát trước hết là “để trau dồi tiếng Việt.”


Kỹ Sư Quang, Bác Sĩ Cơ, hay hai bé Nhã Vy, Hạ Vy là những người đang chọn một “thú vui” mà nhiều người trong cộng đồng còn cảm thấy xa lạ, đó là đi học hát. Ðiều đặc biệt hơn nữa, đó chỉ là “học hát nhạc Việt Nam do thầy Lê Hồng Quang hướng dẫn.” 








Từ trái, Bích Lộc, Tuyết Minh và Ngọc Mai, các học viên của lớp nhạc Lê Hồng Quang,
trình bày bài “Khúc Hát Thanh Xuân” trong một chương trình biểu diễn của lớp.
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Học hát là “để thư giãn” 


Ðến hội trường Sangha Center for Spiritual Living ở Huntington Beach tối Thứ Bảy đầu Xuân Nhâm Thìn để nghe chương trình nhạc thính phòng “Lắng Nghe Xuân Về” của lớp nhạc Lê Hồng Quang, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm thế mình sẽ gặp, sẽ nghe, sẽ thấy những em thiếu nhi thích hát, hay vài người trẻ đang ôm mộng trở thành ca sĩ, đứng trên sân khấu biểu diễn.


Nhưng khi nghe người MC giới thiệu bài hát “Ðàn Chim Việt” của nhạc sĩ Văn Cao sẽ do “ca viên” Phạm Ðặng Long Cơ trình bày, tôi kêu lên trong đầu, “Trời, sao bác sĩ cũng đi học hát?”


“Hồi còn trẻ thì đam mê của tôi là đi làm chính trị. Giờ thì ‘hobby’ của tôi là đi học hát, học đàn.” Vị bác sĩ khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Orange County giải đáp thắc mắc của tôi.








“Ca viên” Phan Ngọc Quang, kỹ sư hãng Boeing, “đi học hát vì nghĩ đó là một ‘hobby.’” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Người ta nói “hát hay không bằng hay hát,” giờ đây sau hơn một năm theo học hát, Bác Sĩ Cơ cảm thấy mình đã “hát hay hơn” chứ không còn là “hay hát” nữa.


Sau Bác Sĩ Cơ, những “ca sĩ” lần lượt xuất hiện trên sân khấu càng lúc càng khiến tôi cảm thấy bất ngờ đến thú vị. Tôi nhìn thấy xướng ngôn viên Hồng Vân của đài truyền hình Saigon TV, xướng ngôn viên Thanh Thảo của đài VietFace TV, vợ chồng ông bà Thanh Hải và Ðức Nguyễn, những người đang làm việc cho các hãng thực phẩm lớn của Mỹ, Kỹ Sư Boeing Phan Ngọc Quang, hay người đang làm công việc mua bán địa ốc như chị Kim Thoa,… Họ ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng đều cùng tìm đến một thú vui: đi học hát.


Thầy Lê Hồng Quang, tốt nghiệp khoa thanh nhạc Ðại Học Cal State Fullerton, cho biết, “Hồi mới mở lớp cách đây chừng 10 năm, chỉ có khoảng 7, 8 người học. Bây giờ thì số học viên đủ đông để mình mệt.”


Theo lời thầy, trình độ và lứa tuổi của những người theo học hát rất khác nhau, “có những người lớn đã nghỉ hưu, có những người đang làm việc, có cả những em nhỏ xíu đâu chừng 5 tuổi. Có bác đã 78, 79 tuổi rồi, cả cuộc đời vì con vì chồng, giờ tìm thấy lớp học này, được học hát những bài hát Việt Nam nên họ cảm thấy rất vui, như trẻ lại.”


Trong bộ áo dài gấm, Kỹ Sư Quang càng hát càng say sưa trong ca khúc “Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng.” Hỏi có run không khi đứng hát trên sân khấu như thế, ông tự tin trả lời, “Không, không run, với một bài hát mình đã tập quen rồi thì mình cảm thấy mình hát hay là nó hay, không có cảm giác run vì mình hát dở.”








Cô Phan Uyển Nghi trong giờ học hát do thầy Lê Hồng Quang hướng dẫn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Từ chỗ theo bạn đến xem thầy Lê Hồng Quang dạy hát, ông Quang đã xin theo học, đến nay cũng gần một năm.


“Bây giờ mình già rồi, khi hát bắt buộc mình phải nhớ lời, nhớ nhạc, thì thành ra não mình phải làm việc, như thế tốt cho trí nhớ.” Ông Quang nói thêm lý do học hát.


Xướng ngôn viên Hồng Vân của đài Saigon TV cũng cho rằng “hát giống như một loại thiền để giảm căng thẳng, từ khi đi học hát thì thấy thoải mái và ít bị áp lực.” Hồng Vân cho biết chị học hát được sáu, bảy tháng.


“Có nhiều người nói hồi xưa khi có giờ rảnh rỗi không biết làm gì, chỉ biết coi TV, hay cuối tuần thì rủ nhau đi sòng bài cho hết ngày. Nhưng giờ mỗi cuối tuần sau giờ học hát, họ về nhà tập hát, có khi cả hai vợ chồng cùng học, cùng tập hát với nhau rất vui. Rồi khi ra những buổi sinh hoạt ở ngoài, họ dám lên hát và trở thành người nổi bật lên, nên họ cảm thấy rất ‘enjoy.’” Thầy Lê Hồng Quang nói thêm. 


Học hát là để hát cho đúng


 Từ sân khấu bước xuống, hai vợ chồng “ca viên” Thanh Hải và Ðức Nguyễn, đã ngoài 60 tuổi, tay cầm hoa, mặt rạng rỡ nét vui.


“Tôi thích hát, nhưng không hát vững nên thử đi học coi giọng mình ra làm sao, rồi học để cho biết các kỹ thuật. Hơn nữa, ông xã tôi biết hát, nên tôi phải đi học thôi chứ không mình hát dở hơn đâu có được.” Cô Ðức Nguyễn, người đang làm việc cho một công ty thực phẩm cung cấp thức ăn cho hạng “first class” trên các chuyến bay, nói một cách dí dỏm.


“Tôi nghĩ chuyện đi học hát là rất tốt vì mỗi ngày mình đều có nhiều vấn đề phải lo lắng trong công việc làm, trong cuộc sống. Nên khi đi hát như vậy sẽ giúp cho tinh thần mình thoải mái, đó cũng là một hình thức tập thể dục, tập hơi thở, và tập trí nhớ. Như vậy thì áp lực công việc mỗi ngày của mình dường như cũng giảm bớt đi.” ông Thanh Hải chia sẻ thêm.


Trong khi ông Hải tự tập đàn, tập hát ở nhà thì bà Ðức Nguyễn đã theo học hát tại lớp nhạc Lê Hồng Quang được ba năm và “sẽ còn tiếp tục học đến khi nào không học được nữa thì thôi.”


Lý do học hát của bà cũng giống với lý do của chị Kim Thoa, người đi học hát được một năm nay.


Chị Kim Thoa cho biết làm việc trong ngành địa ốc, và “mình thích hát lắm nhưng mà không có vững về nhịp, không biết điều khiển giọng nên phải đi học để thầy giúp mình biết cách sử dụng giọng hát của mình.”


Thầy Lê Hồng Quang kể, “Ai đi học hát cũng có một cuốn sổ ghi những bài tủ của mình và ghi cả ‘tông’ nhạc trong đó. Nhưng quan trọng là phải tìm cho ra được ‘tông’ của mình.” Thầy Quang là người biết chọn bài hát nào phù hợp với chất giọng của từng người học.


“Khi đi học hát, biết phương pháp thì mình có tự tin hơn, mình hát đúng nhịp hơn, thầy cũng chỉ cho cách nhả chữ, luyến láy sao cho chữ tròn và đẹp.” Xướng ngôn viên Hồng Vân nói thêm.


Trong vai trò dạy hát, thầy Lê Hồng Quang cho biết, “Ðiều quan trọng là khi vô lớp phải làm sao cho học trò tránh được chuyện đàn đánh nốt này mà hát sang nốt kia. Khi dạy hát, mình còn phải biết hát sai để hát cho học trò nhằm giúp họ nhận ra chỗ sai của mình. Ðây là điều không phải ai cũng làm được.”


Cô Phan Uyển Nghi, một trong những người học hát bền bỉ nhất từ khi lớp dạy hát này bắt đầu có từ năm 2003, cũng đi học hát từ ước mơ thời trẻ, “Những lúc ngồi vô đàn piano, mình cũng muốn cất giọng hát nhưng lại không lên được cũng không xuống được, nên ước ao có thầy dạy cho mình hát.” Khi sang Mỹ, mang ước mơ đó, cô Uyển Nghi “cũng thử lấy vài lớp luyện thanh trong trường đại học nhưng trong đó chỉ dạy hát tiếng Anh và tiếng Ý, trong khi mình chỉ thích hát nhạc Việt, thích cách luyến láy của nhạc Việt, mà chỉ có thầy Việt mới có thể dạy mình được.”


Ngồi nhìn cô Uyển Nghi tập hát, có thầy Quang ngồi đánh đàn, thấy xong bài nào là thầy nhận xét ngay bài đó. Giọng thầy nghe ra vừa khiêm khắc, vừa chê thẳng thừng, khiến tôi cũng cảm thấy “dễ quê,” kiểu như “chị nhớ giọng nói khác giọng hát, đừng có cố gắng hát như nói,” hay “kỳ này em xếp chị hát sau đó nghe. Nhớ đừng để bụng đói đi hát nghe…” Học trò nghe thầy nói, chỉ cười gật đầu, không nhăn nhó, quạu quọ.


Mê đi học hát như vậy, nhưng những ngày đầu đi học, mỗi khi “bị” thầy góp ý, bắt lỗi, sửa đi sửa lại thì cô Uyển Nghi cũng cảm thấy “rất tự ái, nghĩ mình hát đâu có tệ mà sao bị sửa hoài.”


“Nhưng sau này mới thấy nhờ sửa như vậy thì học trò mới tiến bộ được.” Cô Uyển Nghi thừa nhận.


Thầy Lê Hồng Quang chia sẻ, “Mình đi từ kinh nghiệm của một học trò từng bị thầy nhận xét là ‘giọng này cũng tồi thôi,’ ngay từ khi mới vô trường nhạc. Nhưng sau khi tốt nghiệp bốn năm, mình lại là người đậu đầu. Tức là mình cũng từng có những ‘trouble’ về giọng, về những lỗi này lỗi kia khi hát, chứ không phải mình sinh ra đã là người hát hay, nên mình có thể hiểu vấn đề của học trò để mà giúp họ vượt qua những khuyết điểm đó.” 


Học hát để trau dồi tiếng Việt 


Tôi ngồi quan sát hai chị em Trần Nhã Vy, 11 tuổi, và Trần Hạ Vy, 13 tuổi, trong giờ học hát tại nhà thầy Lê Hồng Quang.


Ðầu tiên, các em “warm up” giọng theo tiếng đàn của thầy, sau đó đến từng em trả bài. “Tên bài hát của con là gì? Bài hát nói gì trong đó?…” Phải trả lời được câu hỏi của thầy rồi thì mới bắt đầu hát.


Các em hát, một tay như đang cầm microphone, một tay diễn tả tình cảm bài hát, gương mặt, nụ cười, ánh mắt, như dồn hết vào bài ca, không biết ai đang ngồi xung quanh hay trước mặt mình.


“Con nhớ hát cho thẳng chữ, chứ không có kéo như hát nhạc Mỹ nghe!” Thầy nhận xét cho bài hát của học trò.


Nhìn Hạ Vy và Nhã Vy hát, tôi không nghĩ là các em được sinh ra tại Mỹ.


Rồi đến phần ký xướng âm, thầy đánh một đoạn nhạc, cho các em nghe đôi lần, rồi xướng lên xem có đúng với giai điệu mà thầy vừa đánh hay không.


Dạn dĩ, nói tiếng Việt rành, lễ phép, Hạ Vy cho biết hai chị em đi học hát khoảng sáu năm nay, “từ lúc thấy bạn con đi học, con về xin mẹ đi học theo.”


“Ngày đầu đi học, con khóc, vì con nhát lắm.” Hạ Vy cười bẽn lẽn nhớ lại.


Nhã Vy có gương mặt lúc nào cũng như đang cười. Nhã Vy đi học hát từ lúc còn chưa biết chữ, “con nghe thầy hát, con hát theo.”


“Khó nhất khi học hát là khi mới nhận bản nhạc, phải học thuộc lời, thuộc nhạc, và phải hiểu.” Nhã Vy cho biết.


Với Hạ Vy thì “khó nhất là bỏ hồn vô tiếng nhạc cho đúng.”


Thầy Lê Hồng Quang nói, “Với các em bé, mình bắt phải học tiếng Việt, bắt đem theo tự điển để tra những chữ mà các em không hiểu.”


Có lẽ chính nhờ điều này mà như Hạ Vy cảm nhận, “Ði học hát con trau dồi thêm được tiếng Việt. Giờ con đã có thể hiểu được lời bài hát, chỗ nào không hiểu, con hỏi thầy, hỏi ba mẹ.”


***


Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt, “Nhìn lại chặng đường 10 năm mở một lớp dạy hát như thế này giữa cộng đồng Việt Nam, anh cảm thấy như thế nào?” Thầy Lê Hồng Quang nói, “Tôi thấy mình là người hạnh phúc. Tôi chọn hướng đi này là vì thấy rất nhiều các anh chị lớn có nhu cầu học hát tiếng Việt và họ muốn tìm về môi trường tập thể như gia đình thanh nhạc này, nên tôi muốn giữ lại điều đó, dù có hơi cực nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc.”


“Lớp học hát này không có thời gian tốt nghiệp, mà chỉ có niềm vui. Tôi vui trên con đường đi đó, để mỗi sáng thức dậy, từ trong phòng tắm, mở nhạc, và tự mình hát lên những ca khúc Việt Nam mình yêu thích một cách tự tin rằng mình hát đúng thì không còn gì yêu đời hơn.” Cô Phan Uyển Nghi chia sẻ.


 


–––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT