Thursday, March 28, 2024

Hội Ảnh Nghệ Thuật Quê Hương triển lãm “Việt Nam và các hải đảo”

 


Nguyên Huy/Người Việt


Hàng trăm khách yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh và còn nặng tình thương nhớ quê hương đã tấp nập đến phòng triển lãm ảnh của “Hội Ảnh Quê Hương” trong suốt hai ngày cuối tuần 1 và 2 Tháng Mười Hai tại hội trường nhật báo Người Việt để thưởng ngoạn 82 bức ảnh nghệ thuật của 22 nghệ sĩ nhiếp ảnh thành viên của hội.







Mười một nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội Ảnh Quê Hương có mặt thường xuyên trong phòng triển lãm.


Với chủ đề “Việt Nam và các hải đảo” phòng triển lãm đã luôn luôn có khách xem ảnh. Thưởng ngoạn trong cuộc triển lãm này, khách không chỉ chú tâm đến nghệ thuật sáng tạo trong nhiếp ảnh của anh chị em nghệ sĩ trong Hội Ảnh Quê Hương mà đã lắng hồn tìm ra những ý nghĩa gói ghém trong những hình tượng được các nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi dấu lại.


Trước bức ảnh “Early Fishing” của Châu Lê, một thiếu phụ, phu nhân người lính Hà Mai Khuê, say mê ngắm nhìn thật lâu những ngư dân đang kéo về bờ một mảng lưới cá trong đó chỉ thấp thoáng có dăm bẩy con mắc lưới trong khi cả một đoàn ngư dân có đến 7, 8 người tham gia trong mẻ lưới này. Thiếu phụ quay sang tôi, không cần biết quen hay lạ phát biểu: “Thật là tài tình biết bao! Tác giả tấm hình này đã chuyển cho người xem ảnh thấy được cảnh quê hương ta, những người ngư dân Việt nghèo khổ quá phải không ông. Gần cả chục người trong một lần đi lưới cá mà chỉ loáng thoáng được vài chục con cá mắc trong lưới. Họ sẽ sống như thế nào nhỉ”. Rồi tiếp tục, thiếu phụ thổ lộ tâm tình: “Chắc đây là họ phải đánh trong bờ thôi vì ra xa nữa, tới các ngư trường quen thuộc hàng bao năm nay nuôi sống người ngư dân Việt Nam hết đời này sang đời khác thì nay đã bị bọn bành trướng ngăn cấm, bắt bớ triệt hạ hết nguồn lợi của ngư dân Việt Nam, ông thấy có tức không!”


Vâng, quả là tức thật. Không người dân Việt nào lại không thấy uất ức trước cảnh lấn chiếm bành trướng của Bắc phương. Và cũng vì thế mà anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh của “Hội Ảnh Quê Hương” đã mở cuộc triển lãm ảnh dưới chủ đề “Việt Nam và các hải đảo”.







Nghệ sĩ nhiếp ảnh Jesse Nguyễn đang trình bày về bức ảnh “Quê Hương Tôi” của mình trong cuộc triển lãm.


Tám mươi hai bức ảnh được triển lãm, một số lớn là các hình ảnh về Việt Nam trong đó có ba bức Hoàng Sa 1, 2, và 3 của Trần Văn Xẻn là những bức thuộc bộ “ảnh sưu tầm” nghĩa là những bức được tìm thấy trên mạng và được chỉnh sửa lại cho rõ nét, cho thơ mộng hơn mà tác giả bức hình ghi chú là “những cảnh thần tiên”.


Một bức hình khác, bức “Quê Hương Tôi” của Jesse Nguyễn chụp lại một bản đồ Việt Nam thân yêu và bằng kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại kỹ thuật số, tác giả đã ghi lại từng chi tiết các hải đảo lớn nhỏ của Việt Nam, kể cả các đảo đang bị bọn bành trướng Trung Cộng chiếm hữu, một cách hết sức tỉ mỉ và chi tiết thể hiện được tấm lòng yêu nước thiết tha đến mức nào của người họa sĩ cựu quân nhân QLVNCH. Càng đáng ca tụng hơn là nghệ sĩ nhiếp ảnh Jesse Nguyễn đã chỉ dùng được cánh tay trái của mình vì bên tay phải vẫn còn bị tê liệt sau một cơn đột quỵ (stroke).


Dạo một vòng quanh phòng triển lãm, dù có vội đến mấy, khách thưởng ngoạn cũng không thể lướt qua được. Mỗi bức hình là câu chuyện như câu chuyện của Chùa Một Cột với rêu phong nhắc nhở đến văn hóa Việt Nam nay đang làm cho thế giới chú ý. Nhìn bức Chùa Một Cột chợt nhớ cái tin báo chí trong nước vừa loan “chùa Trăm Gian, một kỳ công trong kiến trúc Việt Nam, đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản địa phương phá hủy một phần để làm chỗ du lịch (?)”


Những cảnh, những con người, những khuôn mặt Việt Nam đã hiện lên trong từng bức ảnh với một quá khứ chiến tranh đau thương vừa qua, với một hiện tại dân oan chịu đựng nhưng người Việt Nam vẫn như cỏ cây dưới ánh mặt trời, vươn lên được từ những khổ đau, mất mát và trấn áp cuộc sống. Trong thương đau, vẫn có những nét mặt trẻ thơ định hướng cho một tương lai tốt đẹp của Việt Nam sau này.


Ðó cũng là tâm tình của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lưu Thanh Vương, một cựu sĩ quan hải quân VNCH. Anh là một trong 6 người đứng ra tổ chức cuộc triển lãm hôm nay gồm Nguyễn Văn Xẻn, Châu Lê, Tước Nguyễn, Liêm Bùi, Phi Dương.


Trước cuốn sách ảnh “My Homelands” của anh, dầy hơn 200 trang ảnh khổ sách ảnh lớn với 182 bức ảnh màu in trên giấy láng là những tác phẩm nhiếp ảnh của anh trong 20 năm theo đuổi săn bắt hình ảnh, đều là hình ảnh Việt Nam vì anh đã thấy “không hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh quê hương”. Theo anh cho biết thì: “Mỗi cảnh ở quê hương nó cho ta một ý tình”.


Với người xem ảnh, quả đúng như vậy. Người Việt Nam nào nhìn bụi tre già mà không nhớ đến làng quê mình khi còn thơ ấu. Nhìn con trâu nào mà không nhớ đến những buổi hoàng hôn có lơ lửng tiếng sáo diều. Nhìn ngôi chùa cổ nào mà không nhớ những tiếng chuông chiều thu mà thầm ngâm nga những vần thơ Thu Ðiếu của Nguyễn Khuyến, Thu Phong của Tản Ðà…


Nói chuyện với chúng tôi về nghệ thuật tạo ảnh, anh Lưu Thanh Vương cho biết: “Nhờ máy ảnh kỹ thuật số ngày nay mà việc tạo ra một bức ảnh đẹp nó đã dễ dàng thuận tiện hơn xưa rất nhiều. Do đó mà nhiếp ảnh gia có nhiều sáng tạo hơn để thể hiện được ý tình mình gói ghém trong bức ảnh. Ảnh đẹp không chỉ về kỹ thuật bố cục, ánh sáng, tốc độ mà còn chuyên chở được ý tình tạo cảm thông giữa người chụp với người xem, trao gửi cho nhau những tâm tình mình muốn nói”.


Nhiếp ảnh gia Lưu Thanh Vương cũng cho biết một điều mà có lẽ ít ai trong chúng ta lưu tâm tới, đó là sự khác biệt khi đi săn hình ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, bất cứ nơi nào thấy được cảnh đẹp ta có thể “vô tư” dơ máy lên chụp dăm bảy tấm hình. Nhưng ở Mỹ thì khác vì có những nơi vì bảo vệ an ninh chung hay của tư nhân (Private) không ai được phép ghi hình.


Hội Ảnh Quê Hương được thành lập từ 6 năm nay do một số anh chị em say mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong cuộc triển lãm ảnh lần này, 11 anh em hội viên đã có mặt thường xuyên. Ðó là Trần Văn Xẻn, Jesse Nguyễn, Phi Dương, Minh Ðoàn, Nguyễn Ngọc Liên, Châu Lê, Chu Trọng Ngư, Lưu Thanh Vương, Trí Nguyễn, Xương Ly và Hải Lê. Mỗi năm hội thường tổ chức một lần triển lãm vào dịp cuối năm để các hội viên có dịp trình bày công trình tim óc của mình đến với đồng hương. Trong các lần triển lãm này (nay là lần thứ 5), theo anh Nguyễn Văn Xẻn thì các tác giả ảnh cũng để bán một số tác phẩm của mình, nhưng nói chung thì lần triển lãm nào cũng lỗ, nhưng anh chị em trong hội thì lại “lời to vì qua các cuộc triển lãm này, anh chị em được biết thêm nhau, được thổ lộ tâm tình của mình trên những tác phẩm với quần chúng, điều mà bất cứ một nghệ sĩ nào cũng mong mỏi,” như lời anh Xẻn vui vẻ cho biết như vậy.


Quý độc giả cần liên lạc với Hội Ảnh Quê Hương có thể lên lạc [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT