Thursday, March 28, 2024

Kỷ niệm 44 năm Tenshinkai Aikido Quốc Tế và 24 năm Westminster Aikikai

 


Ðỗ Dzũng/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) – Võ đường Westminster Aikikai vừa kỷ niệm 24 năm thành lập và 44 năm Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido hôm Chủ Nhật với hàng trăm võ sinh, quan khách và phụ huynh tham dự.









Giáo Sư Ðặng Thông Phong và phu nhân nhận hoa nhân dịp sinh nhật thứ 77 của ông và cũng là dịp 44 năm thành lập Tenshinkai Aikido Quốc Tế. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Sau nghi thức khai mạc, Giáo Sư Ðặng Thông Phong, sáng lập viên tổng cuộc và võ đường, nói về lịch sử thành lập Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido.


Ông cho biết, người đầu tiên giới thiệu môn Aikido đến Việt Nam vào năm 1958 chính là bào huynh của ông, Giáo Sư Ðặng Thông Trị.


“Từ đó, Aikido Việt Nam đã có những bước trải dài cùng với sự hỗ trợ của võ sư Mutsuro Nakazono từ Nhật sang,” Giáo Sư Phong nói.


Cuối năm 1961, võ sư người Nhật rời Việt Nam. Rồi đến Tháng Mười, 1964, Giáo Sư Ðặng Thông Trị sang Hoa Kỳ và bàn giao Hội Hiệp Khí Nhu Ðạo Việt Nam cho Giáo Sư Ðặng Thông Phong điều hành.


Vừa điều hành vừa ấp ủ thành lập một tổng cuộc Aikido của Việt Nam, Giáo Sư Phong đã dày công luyện tập và để dành tiền với ước mơ có ngày đi Nam Hàn, cái nôi của Aikido thế giới.


Trong khi đó, ông vẫn phục vụ trong quân đội VNCH, đồng thời điều hành và huấn luyện hai bộ môn Judo và Aikido tại đạo đường trung ương của Hội Hiệp Khí Nhu Ðạo Việt Nam.









Giáo Sư Ðặng Thông Phong trao giấy chứng nhận lên đai cho võ sinh. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Giáo Sư Phong kể tiếp: “Cuối năm 1967, Trung Tướng Choi Hong-hi, chủ tịch Taekwondo quốc tế, mời tôi sang Ðại Hàn để quan sát cách tổ chức và điều hành bộ môn này.”


“Nhờ ơn trên phù hộ, mọi việc đều suôn sẻ theo kế hoạch mà tôi dự trù,” Giáo Sư Phong nói tiếp. “Tôi đạt được huyền đai ba đẳng vào năm 1967. Trở về nước, tôi bắt tay soạn nội quy, đến Tháng Hai, 1968, Bộ Nội Vụ ban hành nghị định cho phép tổng cuộc chính thức hoạt động.”


Kể từ đó, Giáo Sư Phong đã đưa Aikido vào các trường trung học công lập như Gia Long, Trưng Vương, Petrús Ký và Chu Văn An, cũng như các trường huấn luyện quân đội như Nữ Quân Nhân, Bộ Binh Thủ Ðức, Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt và trường Vũ Thuật và Thể Dục Quân Sự Thủ Ðức.


Aikido cũng được đưa vào các đơn vị tác chiến VNCH như Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, và Sư Ðoàn 4 Không Quân để binh sĩ luyện tập.


Ðến Hoa Kỳ năm 1986, chỉ hai năm sau, Giáo Sư Phong thiết lập lại võ đường và Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido tại Westminster, và đến năm 1992 được Tổng Ðàn Aikido Thế Giới tại Tokyo, Nhật, chính thức công nhận.


Giáo Sư Phong chia sẻ thêm: “Trong suốt 24 năm qua, rất nhiều võ đường trên thế giới xin gia nhập tổng cuộc như tại Canada, Pháp, Úc, Việt Nam và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số võ đường không thể duy trì được lâu dài vì nhiều lý do khác nhau đã phải ngưng hoạt động.”


Ðể được tiếp tục duy trì là một võ đường Aikido hàng đầu, các huấn luyện viên và võ sinh phải tập luyện không ngừng.


“Riêng tại đạo đường trung ương Westminster Aikikai cũng phải phấn đấu không ngừng mới được tồn tại như ngày hôm nay,” Giáo Sư Ðặng Thông Phong nói. “Như quý vị phụ huynh thấy đó, việc hướng dẫn một lớp Aikido cho các cháu thật hết sức vất vả, vì Akido không giống các môn võ khác.”


“Nếu là những người không yêu nghề và thương trẻ thì khó lòng tiếp tục huấn luyện cho các cháu được.”










Võ sinh gấp đai màu vàng sau khi được lên đai màu cam. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Ðược biết, huấn luyện viên tại Westminster Aikikai đều tình nguyện bỏ nhiều thời giờ để hướng dẫn các võ sinh có một thân thể dẻo dai và lòng tự tin khi hữu sự.


Nhân dịp này, Giáo Sư Phong trao giấy chứng nhận lên đai cho hơn 100 võ sinh ở các độ tuổi.


Giáo sư và phu nhân cũng được võ đường tặng mỗi người một bó hoa nhân dịp sinh nhật lần thứ 77 của ông, trong tiếng vỗ tay tán thưởng của cả võ đường, và “chúc thầy sống lâu trăm tuổi để tiếp tục hướng dẫn võ sinh.”


Nhiều phụ huynh đến tham dự lễ kỷ niệm rất hài lòng khi đưa con đến tập tại võ đường Westminster Aikikai, tọa lại tại góc Westminster và Newland.


“Tôi thấy đưa cháu đến đây tập rất tốt. Vừa rẻ và vừa tập cho cháu những động tác thể dục,” anh Nghiệp Huỳnh, sống ở Garden Grove, có con trai 12 tuổi tập tại võ đường hai năm qua, kể. “Còn hơn là để nó đi lêu lổng, sau này ‘kẹt’ lắm.”


Chị Thảo Trần, cư dân Westminster, cho biết lý do cho con gái học võ này là “để tự vệ.” Chị cho biết đứa con gái 9 tuổi đã tập ở võ đường được sáu tháng.


“Cháu học mỗi Thứ Năm và Chủ Nhật. Thứ Năm tôi phải mướn người đưa đón. Còn Chủ Nhật thì tôi đưa đón cháu,” chị Thảo nói thêm.


Giáo Sư Phong cho biết thêm, trong 24 năm qua, ông đào tạo được khoảng 8,000 võ sinh. Còn nếu tính từ khi thành lập tổng cuộc ở Việt Nam cho đến nay thì “vô kể.”









Em Helen Nguyễn (trái) và em Anh Loan Ngô, sau khi được lên đai màu cam. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Trong dịp này, phụ huynh và quan khách được dịp chứng kiến các võ sinh của Westminster Aikikai biểu diễn võ thuật.


Aikido là môn võ tự vệ, không có hướng dẫn các chiêu thức tấn công để mong tìm chiến thắng ở kẻ khác. Sự chiến thắng chính là bản thân người tập. Ðó là tôn chỉ của vị sáng lập môn phái, Morihei Ueshiba.


 


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT