Friday, April 19, 2024

Kỷ niệm một năm TGÐ Vũ Quang Ninh qua đời

Ðỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi lễ kỷ niệm một năm ngày ông Vũ Quang Ninh, tổng giám đốc đài Little Saigon Radio, do đài này và Hồn Việt TV tổ chức tại phòng sinh hoạt Westminster hôm Chủ Nhật với hàng trăm đồng hương và thính giả đến tham dự.

“Ðối với tôi, ông là một ‘người hùng,’” ông Phạm Ngọc Hoàn, cư dân Westminster, nói với nhật báo Người Việt. “Thông thường, đa số người ta sống vì quyền lợi, ông Ninh thì ngược lại. Hơn nữa, ông là người dám nói, dám làm. Trong truyền thông, một tiếng nói có thể đánh động nhiều người. Trong công cuộc chống cộng, mình không còn mặt trận quân sự, nhưng còn mặt trận truyền thông. Và ông đã để lại một mặt trận rất vững chắc.”

Một đoạn phim chiếu lại lời phát biểu của ông Vũ Quang Ninh tại buổi lễ. Bên phải là bàn thờ ông. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Ðối với thính giả của Little Saigon Radio, ông Ninh được nhiều người yêu mến qua các bài bình luận thời sự khi còn sinh thời.

Ông Nguyễn Văn Thành, cũng ở Westminster, chia sẻ: “Tôi qua Mỹ năm 1993, rất thích những bài ‘Câu Chuyện Thời Sự’ của ông. Tôi thấy ông có cùng chí hướng chống cộng với tôi, viết thời sự thích hợp với tôi. Ðó là lý do tôi ngưỡng mộ ông. Tôi chưa bao giờ có dịp gặp ông, mà chỉ thấy qua hình. Tôi đến hôm nay để cầu nguyện cho ông.”

“Ông là người có nhiệt tình với đất nước, nhất là qua những bài bình luận,” bà Minh Cấn, cư dân Fountain Valley, khẳng định. “Ông là người có lòng với đất nước, có tinh thần chống cộng rất quyết liệt.”

Về phương diện truyền thông, bà Nguyễn Thị Thúy Hương, hiện sống ở Garden Grove, cho rằng ông Ninh là một người “tuyệt vời.”

“Tôi rất hâm một ông, một người tài giỏi. Tội nghiệp, ông mất sớm quá. Ông sống cho cộng đồng quá nhiều, rất tuyệt vời, từ Nam chí Bắc, qua tới đây. Tôi vẫn còn nhớ, hồi ở Huế, nghe đài phát thanh có chương trình của ông,” bà Hương kể.

Dù là một người thuộc thế hệ “đàn anh,” nhưng ông Ninh luôn hòa mình với giới trẻ và tin tưởng họ.

“Lúc nào bác cũng tươi cười,” anh Lý Vĩnh Phong, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên, phát biểu tại buổi lễ. “Mỗi khi gặp các bạn trẻ, bác luôn nhắc ‘các cháu phải cố gắng.’”

Trước giờ khai mạc, nhiều đồng hương, đại diện đoàn thể và cựu chiến binh QLVNCH, đã có mặt, ký tên vào một tấm hình ông Vũ Quang Ninh rất lớn. Bên ngoài phòng sinh hoạt là chín cái giá để những tấm hình nói về hoạt động của ông trong ngành truyền thông trong 40 năm, từ trong nước ra tới hải ngoại.

Bên trong phòng sinh hoạt là một màn hình lớn, chiếu lại những phát biểu và hoạt động của ông. Bên phải là một bàn thờ lớn, có hình ông mặc áo dài khăn đóng truyền thống màu đỏ.

Tất cả ghế ngồi đều được bọc màu đen, có nơ trắng, để tưởng niệm một con người đã gắn bó với truyền thanh Việt Nam.

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng dùng điện thoại di động chụp lại những hình ảnh đáng nhớ về ông Vũ Quang Ninh. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Sau nghi thức khai mạc do các cựu chiến sĩ lực lượng Biệt Hải QLVNCH phụ trách, ông Nguyễn Hữu Công, tổng giám đốc đài phát thanh Little Saigon Radio, lên phát biểu, nói về tiểu sử ông Vũ Quang Ninh.

Sau đó, ban tổ chức phát bài “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” của nhạc sĩ Hùng Lân, một bản nhạc quen thuộc mà ngày nào thính giả của Little Saigon Radio cũng được nghe lúc mở đầu và kết thúc chương trình. Ðây chính là bản nhạc ông Vũ Quang Ninh chọn làm nhạc hiệu cho dài và sau hơn 20 năm, nó đã trở thành một âm thanh không thể thiếu của thính giả người Việt khắp nước Mỹ.

Mở đầu chương trình, xướng ngôn viên Ngọc Ân phát biểu một câu làm tất cả mọi người vui hẳn lên.

“Hôm nay chúng ta tập họp ở đây không phải để chia buồn hay than khóc, mà là kỷ niệm 40 năm truyền thông (của ông Vũ Quang Ninh), trong đó có 20 năm trong nước và 20 năm ở hải ngoại,” cô xướng ngôn viên kiêm phóng viên của Little Saigon Radio và Hồn Việt TV nói.

Kế đến là phần phát biểu của các vị dân cử và đại diện dân cử các cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức trong cộng đồng.

Tất cả đều ca ngợi công lao của ông Ninh đóng góp cho truyền thông Việt Nam, và cộng đồng Việt Nam, ngay cả sau khi ông qua đời cả năm trời.

Toàn bộ chương trình lễ kỷ niệm được trực tiếp truyền thanh trên đài Little Saigon Radio và phát hình trực tiếp trên đài truyền hình Hồn Việt TV.

Hôm Thứ Bảy, một thánh lễ cầu nguyện cho ông được tổ chức tại giáo xứ Ðức Mẹ La Vang, Santa Ana.

Theo ban tổ chức cho biết, ông Vũ Quang Ninh từng nói: “Phát thanh đã ngấm vào máu và trở thành một cái ‘nghiệp,’” khi được hỏi tại sao ông gắn bó với nghề này mặc dù những năm đầu ở hải ngoại vô cùng khó khăn.

Sự đam mê đó đã là động lực khiến ông lập ra đài Little Saigon Radio, nhưng thực ra, nó khởi đầu ngay từ khi ông tốt nghiệp khóa 5 Trường Võ Bị Thủ Ðức hồi năm 1955.

Theo lời ông kể, vừa tốt nghiệp ra trường, ông đã được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm giao cho việc thành lập một đài phát thanh cho quân đội. Và Ðài Phát Thanh Quân đội chào đời với sự khởi đầu thật khiêm nhường mà theo chính ông kể chỉ có ông và vài người khác. Ông ở lại với đài cho đến năm 1959 khi ông được bổ nhiệm ra Huế làm thanh tra thanh niên. Nhưng cái nghiệp của ông với ngành truyền thông không ngừng ở đó. Tháng Năm, 1963, ông lại được chuyển sang phụ trách tạm thời Ðài Phát Thanh Huế cho đến Tháng Mười Mội cùng năm.

Trở về Sài Gòn, ông vào làm cho Nha Tâm Lý Chiến, viết báo, viết bình luận cho các đài phát thanh tuyên truyền nhắm vào các chiến binh cộng sản và miền Bắc.

Anh Nguyễn Thiện Thành, một thính giả của Little Saigon Radio, ký tên lưu niệm trên tấm hình ông Vũ Quang Ninh. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Năm 1963, ông được mời phụ trách một đài phát thanh thường được gọi là đài phát thanh “xám,” một hình thức đài phát thanh tuyên truyền nhưng hoạt động độc lập với các tổ chức tình báo cũng như các cơ quan chính quyền.

Ðài phát thanh Tiếng Nói Tự Do chào đời với một chương trình hỗn hợp cả giải trí lẫn tin tức, được coi như là một trong những tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong các chương trình phát tuyến nhắm vào các chiến binh cộng sản. Ðài chỉ im tiếng vào năm 1975.

Phải bỏ nước ra đi, nhưng ông vẫn không quên được nghiệp làm phát thanh. Ông giải thích với nhật báo Người Việt hồi năm 2009 rằng: “Ðời sống của tôi là phát thanh, không thể nào thiếu được. Ngay những ngày đầu tiên bước chân sang Mỹ, khi còn ở trong trại tị nạn, tôi đã cố gắng liên lạc, làm mọi cách để thực hiện những chương trình phát thanh.”

Và vào năm 1980, đài Tiếng Vọng Quê Hương ra đời.

Ông kể lại: “Rồi khi làm cán sự xã hội để kiếm sống, nhưng cũng là để ‘chờ thời.’ Cái chính trong đời, tôi luôn ấp ủ là phát thanh. Tôi đã vận động mọi cách để có được chương trình phát thanh. Thời gian đầu của đài Tiếng Vọng Quê Hương, các anh chị em nghệ sĩ (như Vũ Huyến, Khánh Ly) đều là tự nguyện tham gia, không ai lấy tiền.”

Ðài Tiếng Vọng Quê Hương chỉ phát thanh có ba ngày mỗi tuần và một lần phát thanh chỉ vỏn vẹn có 1 giờ, nhưng nó cũng tồn tại được ba năm, phần lớn là vì ông cương quyết không bỏ cuộc.

Và sau cùng ông đã toại nguyện.

Năm 1993, sau khi đã về hưu, ông cùng một số thân hữu thành lập đài Little Saigon Radio. Ðài BBC trong một bài viết về ông khi ông qua đời đã nói là cho đến nay đài vẫn có nhiều người nghe và có ảnh hưởng mạnh nhất ở Little Saigon. Những thính giả nghe đài hẳn không quên “Câu Chuyện Thời Sự với Vũ Quang Ninh,” một chương trình mà ông đã tiếp tục cho đến khi nhắm mắt. Ðài BBC nhận xét là những đề tài của chương trình này thường xuyên được bàn tán rộng rãi trong cộng đồng.

Nhưng ông làm phát thanh không phải vì danh lợi mà là vì một tinh thần phục vụ.

Có lần ông giải thích: “Tại sao tôi mê phát thanh như vậy? Ngày xưa đọc sách, tôi thích truyện bà thánh Teresa. Khi ngắm bầu trời mưa rơi lất phất, mọi người thì buồn bã, còn bà nhìn thấy cả ngàn, triệu hoa hồng. Tôi nghĩ đến phát thanh, nghĩ đến việc phải gieo rắc cả ngàn, triệu lời hay, ý đẹp của những bậc vĩ nhân cho tất cả mọi người, để chinh phục mọi người làm điều thiện. Truyền bá cái hay, cái đẹp vào trong cộng đồng. Và dù cả trăm người nghe, nhưng lợi ích được cho chỉ vài người cũng là điều rất đáng quý. Làm sao những điều mình gieo rắc, người nghe có thể chấp nhận được. Ðó là lý tưởng cuộc đời tôi.”

Nhưng ông cũng không quên thêm: “Và tôi rất cám ơn những thân chủ đã giúp đỡ rất nhiều để chúng tôi có phương tiện thực hiện lý tưởng này.”

Ðài Little Saigon Radio là di sản sống của cái nghiệp phát thanh cũng như ước muốn phục vụ cộng đồng của ông.

––

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT