Friday, April 19, 2024

Little Saigon: Hội thảo ‘thi hành án lệnh cấp dưỡng trẻ em’

Linh Nguyễn/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV)
Văn Phòng Cấp Dưỡng Orange County (CSS) tổ chức hội thảo lúc 9 giờ sáng Thứ Bảy tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt nhằm giới thiệu những dịch vụ miễn phí mà văn phòng muốn đem lại cho cộng đồng Việt Nam về việc thi hành án lệnh cấp dưỡng trẻ em.

Anh Kiệt Lý (trái), cô Cindy Trần-Chang (giữa) trả lời cho một người tham dự hội thảo. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Văn phòng chúng tôi có trọng trách nâng cao đời sống của trẻ em và gia đình qua việc thiết lập và thi hành án lệnh cấp dưỡng và trợ cấp y tế một cách hữu hiệu, đúng đắn và chuyên nghiệp,” cô Cindy Trần-Chang, đại diện văn phòng CSS, mở đầu chương trình.

Qua phần thuyết trình, cô Cindy cho biết mỗi năm, văn phòng CSS phân phối trung bình $183 triệu tiền cấp dưỡng trẻ em đến các gia đình.

“Công việc của chúng tôi gồm thiết lập hồ sơ xin án lệnh cấp dưỡng mới, gồm bảo hiểm y tế và chi phí giữ trẻ; Thi hành những án lệnh sẵn có; Thiết lập phụ hệ (xét xem ai là cha của đứa bé); Điều chỉnh hồ sơ cấp dưỡng; Giới thiệu tới những trung tâm dịch vụ cộng đồng khác; Thông tin liên lạc và cung cấp dịch vụ đặc biệt,” cô nói.

Cô Cindy cho biết có hai loại hồ sơ. Nếu không nhận trợ cấp tài chánh từ Sở Xã Hội thì cha, mẹ, hay người nuôi dưỡng trẻ có thể yêu cầu  mở hồ sơ tại CSS; và loại hồ sơ tự động được mở khi cha, mẹ, hay người nuôi dưỡng trẻ đang nhận trợ cấp tiền mặt từ Sở Xã Hội.

Hồ sơ có thể mở qua internet tại www.css.ocgov.com hay điện thoại (866) 901-3212 yêu cầu gởi bộ hồ sơ về nhà, hoặc có thể đích thân đến văn phòng CSS. Mọi dịch vụ đều miễn phí nhưng phải đóng chi phí hành chánh là $25/năm.

Nếu chưa có án lệnh cấp dưỡng, văn phòng CSS sẽ gởi đến người không nuôi con một đơn khởi tố và một án lệnh đề nghị về tiền cấp dưỡng, bảo hiểm y tế và thiết lập phụ hệ, nếu cần. Người cha hay mẹ không nuôi con có 30 ngày để trả lời, nếu không sẽ trở thành án lệnh chính thức.

Việc thiết lập phụ hệ quan trọng về phương diện y tế và sức khỏe, nuôi giữ trẻ và thăm viếng, quyền lợi an sinh xã hội và quyền thừa kế.

Các biện pháp thi hành án lệnh bao gồm việc trưng thu lợi tức, trừ lương, tiền bồi hoàn thuế, tiền thất nghiệp…tịch thu bằng lái xe, bằng hành nghề, từ chối cấp thông hành, thu nợ từ bất động sản, ngân hàng và các biện pháp về pháp lý, như bắt đi tìm việc…

Tuy nhiên, việc thường xảy ra là nhu cầu điều chỉnh án lệnh cấp dưỡng.

“Cứ ba năm phải điều chỉnh án lệnh nếu có sự thay đổi. Không phải khi nào cũng phải ra tòa trừ phi có một người không đồng thuận,” cô Cindy nói.

“Tại văn phòng, nhân viên chúng tôi sẽ làm việc với cả hai bên cha mẹ để thiết lập án lệnh có lợi nhất cho gia đình mà không nhất thiết phải ra tòa. Nếu đôi bên không thể thỏa thuận tại văn phòng, chúng tôi sẽ soạn và nộp những giấy tờ cần thiết để ra tòa,” cô Cindy giải thích thêm.

Cha, mẹ cũng có thể đến Trung Tâm Dịch Vụ Cộng Đồng để sử dụng các phương tiện như giúp điền đơn, xét nghiệm phụ hệ, hướng dẫn giấy tờ về luật gia đình hay tự sử dụng máy tính.

Một tài liệu trên màn ảnh về các biện pháp thi hành án lệnh. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau phần trình bày là phần giải đáp các thắc mắc.

Có người hỏi án lệnh bao giờ mới hết hạn?

“Chắc chắn là năm đứa trẻ 19 tuổi, nhưng có thể coi là hết hạn khi đứa bé đủ 18 tuổi và tốt ngiệp trung học,” cô Kim Khánh Phụng, một đại diện khác của văn phòng CSS, trả lời.

Người khác hỏi nếu một người cha đi về Việt Nam rồi có con với một phụ nữ không có hôn thú thì có phải cấp dưỡng không?

“Người phụ nữ ấy vẫn có thể sang Mỹ đòi cấp dưỡng con như thường vì vẫn là trách nhiệm của người cha đối với đứa con của mình,” cô Cindy trả lời.

Trả lời cho trường hợp bị “laid off” – mất việc, người cha nên đi xin tiền thất nghiệp rồi đem bằng chứng đến văn phòng CSS để xin điều chỉnh án lệnh. Thường thì tiền trông con (babysitting) và bảo hiểm y tế, cha, mẹ mỗi người lo 50%.

“Dù sao chăng nữa, một khi có sự thưa kiện, tòa luôn nhìn vào cách nào tốt nhất cho quyền lợi của đứa trẻ, “ cô Kim Khánh nói.

Đa số ý kiến của người tham dự hội thảo đều cho rằng rất ích lợi. Có người tỏ ra bi quan về án lệnh cấp dưỡng.

“Tôi có bạn gái. Tuy chưa làm đám cưới nhưng vẫn muốn đến để nghe cho biết. Nghe xong rồi thì thấy không nên lấy vợ vì thấy đàn ông thiệt thòi và vụ này lôi thôi quá!” anh Steve Nguyễn, 39 tuổi, cư dân Buena Park, nói.

Trong khi đó, một người khác, chuẩn bị đón vợ mới cưới từ Việt Nam.

“Tôi thấy luật pháp Mỹ không công bằng với đàn ông, nhất là đàn ông Việt Nam. Đa số ít kiến thức về vấn đề cấp dưỡng. Nhưng tôi già rồi cũng phải lấy vợ. Sáu tháng nữa tôi đón cô ấy từ Việt Nam qua,” ông Trung Lê, 55 tuổi, cư dân Stanton, nói.

Ông Đông Nguyễn, 53 tuổi, ở Westminster tâm sự: “Có kiến thức vẫn hơn nhưng tôi ly dị 10 năm rồi vẫn không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.”

Ngoài ra, cô Kim Khánh cho biết cô từng gặp nhiều người rất trẻ, 18 tuổi đã phải ly dị rồi.

Anh Kiệt Lý, một quản lý các nhân viên của văn phòng CSS, cho biết: “Chúng tôi cố gắng tiếp xúc để có thể hỗ trợ cộng đồng người Việt nhiều hơn nữa. Mong mọi người nhớ rằng các dịch vụ của chúng tôi đều miễn phí và có người nói tiếng Việt.”

Văn phòng cấp dưỡng CSS tọa lạc tại 1055 N. Main St., Santa Ana, CA 92701. Điện thoại (866) 901-3212. Trang nhà là www.css.ocgov.com.

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT