Friday, March 29, 2024

Little Saigon tổ chức ‘Ngày Thuyền Nhân Việt Nam’ vào cuối tháng Tư


Nguyên Huy/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV)
Ngày Thuyền Nhân Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức vào cuối Tháng Tư, lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 27 Tháng Tư tại Tượng Ðài Thuyền Nhân VN dựng trong khuôn viên Nghĩa Trang Westminster Memorial Park, Nam California.

Tổ chức Ngày Thuyền Nhân từ khi tượng đài được thành lập đã 5 năm qua là do Ủy Ban Thực Hiện Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam gồm có các nhà thơ, nhà báo Thái Tú Hạp, Ái Cầm, Cố Nhạc Sĩ Việt Dzũng, Xướng Ngôn Viên Minh Phượng và Phu quân Chí Thiện, Giáo Sư Vân Bằng, Bác Sĩ Lê Hồng Sơn và phu nhân Thu Thủy, Kiến Trúc Sư Bạch Hồng…



Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam ở Westminster. (Hình: Viet Tribune)

Nhà báo Thái Tú Hạp cho biết: “Hàng năm vào dịp Tháng Tư Ðen, chúng tôi tổ chức Ngày Thuyền Nhân là để tưởng niệm và cầu nguyện đến hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ nhân VN đã tử nạn trên đường tìm tự do, nhân phẩm và nhân quyền. Ðồng thời cũng là để nhắc nhở và lưu truyền chứng tích lịch sử và Tâm Linh đến thế hệ mai sau về nguyên nhân sự hiện hữu của người Việt tại Hoa Kỳ và các quốc gia Tự Do, Dân Chủ trên thế giới.”

Hai nhà báo Thái Tú Hạp và Ái Cầm là những thuyền nhân đã thoát được thảm cảnh chín chết chỉ mong manh có một phần sống trong chuyến vượt biên trốn chạy cộng sản, đi tìm tự do, nhân ái trên con thuyền chứa gần 100 người lênh đênh trên biển cả nhiều ngày, chịu mấy cơn bão tố trong khi thuyền liệt máy, may mà táp được vào Hồng Kông. Thoát chết, hai vợ chồng tâm nguyện khi tới được bến bờ tự do sẽ phải thực hiện bằng được một Tượng Ðài Thuyền Nhân tại hải ngoại để giương cao tinh thần của những người quyết đi tìm tự do, không chấp nhận cộng sản.

Sau nhiều năm lao tâm khổ trí vận động, ước nguyện đã thành hình: Lập được một Tượng Ðài Thuyền Nhân trong khuôn viên nghĩa trang của thị xã Westminster và cũng đã được Hội Ðồng Thành Phố Westminster ký một Nghị Quyết vào ngày 12 Tháng Tám, 2009, chấp thuận Ngày Thuyền Nhân Việt Nam vào tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư hàng năm.

Ðã qua 4 năm Tưởng Niệm, lần nào Ngày Thuyền Nhân Việt Nam được tổ chức cũng được đồng hương người Việt từ khắp nơi về tham dự. Tượng đài được dựng trong một hồ nước. Quanh hồ là những tấm bia đá khắc tên một số thuyền nhân không đến được bến bờ tự do, do một số thân nhân gửi danh tính đến cho Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài. Tượng và bia đá Thuyền Nhân đã trở thành dấu tích khó phai mờ trong tâm trí của bất cứ một người Việt tị nạn Cộng Sản. Dấu tích đó vừa gợi nhớ đến nỗi thương đau của cả một dân tộc, không chỉ cho những người đã khuất.

Thuyền Nhân Việt Nam (Boat People, một danh từ mới trong Anh ngữ được hình thành từ sự kiện này) đi tìm tự do, trốn chạy cộng sản đã thành một biến cố chính trị và nhân đạo có một không hai trong lịch sử loài người nên đã làm rung động lương tâm nhân loại trong suốt hơn 10 năm trời, từ 1976 đến năm 1986. Ðã có hàng chục quốc gia tổ chức thiện nguyện phát động phong trào cứu trợ thuyền nhân khắp thế giới.

Cuối thập niên 70, ở Pháp có “Un bateau pour le Việt Nam, Hội Y Sĩ Không Biên Giới do Bác Sĩ Bernard Kouchner cho con tầu Ile de Lumìere để đi vớt người vượt biển.

Năm 1979 ở Ðức có tổ chức Ein Schiff fur Vietnam quyên góp, phối hợp cùng Cao Ủy tị Nạn Liên Hiệp Quốc lần lượt cho ra khơi trên biển Ðông ba con tàu mang tên “Cap Anamour.” Hội Y Sĩ Quốc tế cũng cũng điều động con tầu Akuna II. Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt với tổ chức “S.O.S Boat People” cũng vận động có được con tầu Jean Charcot… Rồi ở Bỉ (Hoàng gia Bỉ), ở Anh (Nữ Hoàng Anh), ở Ý (chính phủ Ý) đều cho thành lập những tổ chức cứu trợ để tiếp tay cùng với những tổ chức nhân đạo này.

Với những Boat People người Việt đến được bến bờ tự do cũng đã bùi ngùi nhớ đến những người đồng hành vượt biên của mình mà không được may mắn như mình, cũng đã vận động xây cất được rất nhiều Tượng Ðài Thuyền Nhân VN. Ðầu tiên là ở các nước Mã Lai, Indonesia, nơi có những trại tiếp cư lớn như tại Pulau Bidong năm 2005 thuộc Mã Lai, Galang trên đảo Batam thuộc Indonesia cũng năm 2005.

Nhưng nhà cầm quyền cộng sản đã muốn xóa đi dấu tích tố cáo tội ác cộng sản nên đã áp lực với những chính phủ của Malaysia và Indonesia phải phá bỏ những Tượng Ðài Thuyền Nhân trên đất nước của họ. Và Tháng Năm, 2005, bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam bị phá bỏ tại Galang; đến Tháng 11 thì xảy ra tại Bidong.

Nhưng tại khắp nơi trên các phần đất tự do khác, cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản đã liên tục xây dựng được những Tượng Ðài Thuyền Nhân tại những nơi công cộng. Ðến nay thì đã có trong thị xã Grand Saconnex ở Thụy Sĩ (2006), trong thành phố Santa Ana Hoa Kỳ (2006), Liege Bỉ quốc (2006), Hamburg và Troisdorf ở Ðức (2006, 2007), công viên Jensen Reverse, Melbourne, Úc châu (2008), thị xã Bagneux ở Pháp (2008), Westminster California Hoa Kỳ (2009), cảng Landungsbrucecken ở Ðức (2009), Washinton Hoa Kỳ, Geneve Thụy Sĩ, Bùng binh Round Point Saigon trong thị trấn Marne-la-Vallée, Canada, thành phố Banhstown ở New South Wale, Úc Châu.

Tại hai nơi sau cùng này, tượng Thuyền Nhân Việt Nam được đúc bằng đồng, một do điêu khắc gia Ðình Lâm và một do điêu khắc gia người Úc, Terrence Plowright, thực hiện.

Riêng tại Indonesia, chính quyền địa phương Tarempa thuộc quần đảo Anambas, đã khởi thảo dự án xây cất một Tượng Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam khác với hàng chữ ghi “In Memory of the Refugees Who Died in Anambas, Indonesia, 1979-1986” và đã hoàn tất vào năm 2012.

Ngoài ra còn có nhiều nơi như ở Pháp, thành phố Rennes vùng Bretange năm 2010 cho mở một cuộc triển lãm một số di vật và hình ảnh thu thập được về hành trình vượt biên của Thuyền Nhân Việt Nam trong đó có một con thuyền từng bị lâm nạn trên biển.

Cũng vậy, tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải Quốc Gia Úc cũng lưu trữ một số hiện vật của Con Thuyền Tự Do do một gia đình thuyền nhân Việt Nam đi chuyến hải hành vượt biên 6,000 cây số tới đảo Darwin của Úc. Chính phủ Úc đã mua lại con thuyền này vào năm 1990 để trưng bày tại viện bảo tàng.

Tại Nam California, một tổ chức tư nhân do một thuyền nhân Việt Nam, bà Madelana Lài, cũng thực hiện một chuyến vòng quanh nước Mỹ với con Thuyền Tự Do, một con thuyền vượt biên nhỏ của Thuyền Nhân Việt Nam được chính phủ Philippines cho trưng bày tại Công Viên Tự Do ở Philippines mà bà đã xin được chuyển sang Hoa Kỳ để thực hiện chuyến đi này. Hình ảnh con Thuyền Tự Do này cũng được kết hoa tham dự trong lễ hội lừng danh quốc tế của Hoa Kỳ, lễ hội Rose Parade mà bà Lài đã xin được tham dự vào năm 2008.

Cộng đồng Thuyền Nhân Việt Nam ở hải ngoại cũng đã nhiều lần trở về nơi các đảo tiếp cư ngày nào như Bidong,Galang để thăm viếng mộ phần thân nhân đã mất khi vừa đến được bến bờ tự do vì kiệt sức, vì uất ức, đau khổ bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp… Nhiều tổ chức đã thực hiện được những cuộc tìm kiếm mộ phần. Kể cả mộ phần vô danh để tu bổ chỉnh trang lại như tổ chức của ông Trần Ðông ở Úc hàng năm đều tổ chức những chuyến đi về Mã Lai và Indonesia, Thái Lan để làm công việc này.

Thuyền Nhân Việt Nam đã là tiếng nói biểu tượng cho con người khao khát tự do.

Họ đã đại diện cho nhân loại để nói lên tiếng nói này. (N.H.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT