Thursday, March 28, 2024

‘Mưa Gió Bên Sông,’ tâm sự của nhà văn Huy Trâm

 




Nguyên Huy/Người Việt




 WESTMINSTER (NV) – Nhà văn Huy Trâm vào chiều hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Hai, đã tổ chức buổi ra mắt tác phẩm mới của ông, tác phẩm thứ 27, “Mưa Gió Bên Sông,” tập truyện ngắn và thơ, tại hội trường Văn Lang, Westminster.





Giáo Sư Trần Huy Bích say sưa đọc những vần thơ Huy Trâm trong phần giới thiệu tác phẩm “Mưa Gió Bên Sông.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)




“Mưa Gió Bên Sông” chỉ gọn có 120 trang gồm 11 truyện ngắn và 38 bài thơ thuộc nhiều thể loại, nhưng Giáo Sư Trần Huy Bích, người được tác giả mời giới thiệu tác phẩm, đã phải mất gần một tiếng đồng hồ để đi vào tác phẩm này.




Với tính cẩn trọng của một nhà giáo, Giáo Sư Trần Huy Bích lần lượt giới thiệu từng truyện ngắn, từng bài thơ. Về truyện, Giáo Sư Bích không nhìn vào khía cạnh văn chương mà đi khá sâu vào những ngõ ngách tình cảm của tác giả khi đã viết về cuộc đời, những cảnh sống rất tầm thường quanh tác giả, tưởng như không có gì để nói nhưng dưới con mắt của tác giả nó đã lộ ra những “mưa gió” bên dòng sông cuộc đời.




Về thơ, Giáo Sư Trần Huy Bích hình như rất say mê thơ Huy Trâm. Ông đã đọc lên gần như từng bài để minh chứng cho những nhận xét của ông và nhất là để truyền được cái thi tứ mà ông cảm nhận được đến cho người nghe.




Người nghe là số khán giả khá chọn lọc ngồi hơn nửa hội trường gồm phần lớn là giới văn học nghệ thuật, những văn hữu của nhà văn Huy Trâm và nhà xuất bản Hương Văn.




Như có lần nhà văn Huy Trâm nói với nhật báo Người Việt rằng: “Cốt là vui chơi thôi mà.” Chúng tôi hiểu cái “vui chơi” của nhà văn nói đến là sự sinh hoạt văn học nghệ thuật trong giới bè bạn văn thi hữu, nghệ sĩ của tác giả. Nên lần tổ chức ra mắt sách nào của Huy Trâm cũng hình như chỉ là cái cớ để tổ chức những “khách thính,” những “văn nghệ thính phòng” để cho bà con có dịp gửi đến tiếng hát, tiếng đàn, tiếng thơ cho nhau mà hình như loại sinh hoạt này khá là hiếm hoi đến độ lạc lõng trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt.




Lần này cũng vậy, sau phần giới thiệu tác phẩm của nhà giáo Trần Huy Bích là cả một chương trình văn nghệ giúp vui với những tiếng hát tài tử trong chốn thân hữu Hương Văn.




Phải nhận rằng nhà văn Huy Trâm được cảm tình khá sâu đậm trong giới văn chương nghệ thuật ở Little Saigon nên số anh chị em có tính nghệ sĩ đã đến chia vui rất đông. Ðược như vậy có lẽ là do tính nết thâm trầm của ông với bạn bè thuộc nhiều lớp tuổi bên cạnh một nhiệt tình khó kiếm về văn học nghệ thuật của ông.




Với 27 tác phẩm thuộc nhiều thể loại được xuất bản trong đó tác phẩm biên khảo về thi ca Việt Nam “Những Hàng Châu Ngọc Trong Thi Ca Việt Nam” đã được Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc vào năm 1969.




Huy Trâm viết khá đều đặn từ trong nước. Có lẽ chỉ tạm gác bút khi ông phải vào tù tập trung cải tạo vì tội “làm thẩm phán” mất gần cả chục năm. Ðến Hoa Kỳ vào năm 1991, ngụ tại Quận Cam, lại tiếp tục viết. Ðiều khá ngạc nhiên là trong những tác phẩm của ông phần nhiều là viết về văn học, nghệ thuật, chưa có một cuốn nào ông viết về luật pháp là ngành ông đã làm việc trong các chính phủ VNCH. Ngay cả trong những tác phẩm thơ, văn, biên khảo của ông, ông cũng không bao giờ nhắc tới. Bên cạnh tài văn thơ, ông còn là một dương cầm thủ mà trong những buổi ra mắt sách “khách thính,” ông thường ngồi trước cây đàn dẫn đưa những tiếng hát bạn bè để tìm vui trong nhau.




Nhắc đến văn thơ của Huy Trâm, người đọc nào cũng rất thích thú. Ông viết văn làm thơ, bằng cái hồn của người dân Việt, không kênh kiệu trí thức hay tỏ ra là văn nhân thi sĩ. Văn của ông bình dị như nói. Nhưng đọc qua rồi thì thấy những dòng văn ấy đã làm cho người đọc thấy được tất cả những gì nhà văn muốn gửi gấm. Chỉ bằng một câu chuyện như chúng ta thấy hằng ngày ở bất cứ nơi đâu, Huy Trâm cũng làm cho người đọc phải dừng lại, phải suy nghĩ, phải vẩn vơ nghĩ đến cuộc đời như chúng ta vẫn sống mà không hề đặt lên một câu hỏi nào, một thắc mắc nào.



Một thân hữu của nhà văn và nhà xuất bản Hương Văn, cô Ðào Trần, trân trọng gửi đến mọi người một ca khúc trữ tình. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)




Không cần phải “nôn mửa” (La nauseé của J.P. Sartre) hay làm mặt lạ (L’ Etranger của A. Camus) mới đi tìm được cái “phi lý” trong sự sống. Mà chỉ cần sau một buổi làm cá thay người vợ đã khuất, tới một tiệm giặt ủi đưa đồ giặt, nghĩa là sau bất cứ một hoạt động thường ngày nào, tác giả cũng dẫn người đọc đến được những vấn đề của triết học mà các triết gia thường điên đầu đặt thành tiền đề, phản đề.




Với thơ cũng vậy, không có “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” mà chỉ là những tình cảm chân thiết giữa người với người, giữa người với dòng đời tuôn chẩy. Một hình ảnh bên bến xe cũng cho nhà thơ bùi ngùi với cảnh đời lao động. Một chút cơm dư đổ đi cũng khiến nhà thơ nghĩ đến sự xa hoa của đất nước cường thịnh này. Hay một tình cảm trong thái độ chấp nhận của người già như bốn câu thơ sau: “Còn điều chi chán hơn? Thân già trong còm cõi. Trưa nắng, chiều mưa – Buồn, Ngày ra đi còn đợi.”




Ðọc văn thơ Huy Trâm là đọc tâm tư của mình, có đó mà không bao giờ mình nghĩ đến.




Như thế có thể Huy Trâm đã đạt được nghệ thuật trong văn chương không?




 




–––




Liên lạc tác giả: [email protected]


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT