Thursday, March 28, 2024

Mùa Pháp Hội Đại Từ Đại Bi tại Tổ Đình Minh Đăng Quang


Nguyên Huy/Người Việt


SANTA ANA, California (NV)
Chiều hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Ba, Tổ Ðình Minh Ðăng Quang trên đường Harvard, thuộc thành phố Santa Ana, nhân mùa Pháp Hội Ðại Từ Ðại Bi, đã làm lễ tưởng niệm chư vị phật tử quá cố tại Ðại Bi Ðường trong khuôn viên của Tổ đình.

Pháp Hội Ðại Từ Ðại Bi là để tưởng niệm công đức vô lượng vô biên của Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm. Pháp Hội cũng là để tiếp nhận được nguồn ân điển thiêng liêng và lực gia trì nhiệm mật của Ðức Ngài, cũng là để tâm Bồ Ðề kiên cố, sự tu học tinh cần, vun bồi phước huệ, nghiệp chướng tai nạn, bệnh khổ, tất cả trừ tiêu. Và, cũng là để tưởng niệm công đức vô lượng của các bậc cư sĩ đại hộ pháp khắp Bắc Trung Nam trong nước và hải ngoại.



Quang cảnh lễ tưởng niệm chư vị Phật tử quá cố tại Tổ Ðình Minh Ðăng Quang. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

“Ðây là những vị Bồ Tát đã hóa thân trong thời kỳ đạo pháp suy vi để chấn hưng nền Phật Giáo. Họ là những bực lão thành, gương mẫu, trung kiên với đạo Phật mà còn là con dân của nước Việt một lòng trung quân ái quốc. Ðại lễ tưởng niệm chư vị Phật tử quá cố là dịp để chúng ta cùng nhớ lại công đức của chư vị Phật tử này.”

Ðó là lời phát biểu của Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, viện chủ Tổ Ðình Minh Ðăng Quang, mở đầu buổi lễ trước các cư sĩ, Phật tử từ các nơi về tham dự.

Chủ trì buổi lễ là Hòa Thượng Thích Phước Thuận cùng một số chư tăng ni và các nhân sĩ Phật Giáo trong vùng.

Phát biểu về công đức của những vị Phật tử quá cố này, Hòa Thượng Thích Minh Tuyên nói: “Họ là những Phật tử tại gia đã mang chánh pháp và chân lý đi vào cuộc đời, phổ độ chúng sinh theo gương các vị đại nhân duyên đã làm khi Ðức Phật còn tại thế.”

Nhắc đến trong lịch sử Việt Nam thì suốt các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần vua quan sĩ thứ đều đã dựng công xây đắp nền Phật pháp để Phật Giáo mang đến ánh sáng, tri thức và sự giác ngộ cho chúng sinh.

Vẫn theo Hòa Thượng Thích Minh Tuyên thì đến thế kỷ 20. Ðạo pháp suy vi, gặp phải trăm ngàn cay đắng. Khi ấy các vị học giả như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc cùng hàng trăm cư sĩ đã làm cho chánh pháp hưng khởi, chiếu rọi muôn nơi qua những công trình văn học của các ngài.

Ðó là ở Bắc, trong khi tại miền Trung thì có Lê Ðình Thám, có đoàn thanh niên Ðức Dục nỗ lực hoạt động Phật sự đặt nền tảng cho tổ chức Gia Ðình Phật Tử sau này với mục đích chính là rèn luyện người con Phật trở thành những người công dân xứng đáng cho tổ quốc và dân tộc.



Ban hợp ca Hương Thiền đang trình bày một bản đạo ca. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ở trong Nam cũng có nhiều vị hết lòng vì đạo pháp như Mai Thọ Truyền với Hội Phật Học Nam Kỳ cùng các vị dù có xuất ngoại như Bác Sĩ Nguyễn Duy Tài, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cùng các vị như Lý Khôi Việt, Giáo Sư Nghiêm Xuân Hồng, Nghị Sĩ Lê Cao Phan, Giáo Sư Trần trung Ngọc, Tướng Tôn Thất Ðính, Giáo Sư Thạc Sĩ Vũ Văn Mẫu… tất cả các vị này đã đóng góp to lớn vào công việc hoằng dương Phật pháp, bảo vệ nền đạo pháp trước những cơn pháp nạn.

Hướng về tượng Quan Thế Âm trên bàn thờ, Hòa Thượng Thích Minh Tuyên thành tâm phát biểu: “Hôm nay, với lòng thành chúng ta cùng làm lễ tưởng niệm đến chư vị Phật tử này. Họ chính là sự hóa thân của Ðức Quan Thế Âm với mục đích là hộ trì chúng sanh, truyền bá giáo lý tình thương Ðại Từ Ðại Bi cho chúng ta. Họ đã chuyển vận chánh pháp vào thời đại để cứu nguy đất nước và dân tộc.”

Sau đó một số các cư sĩ đã lên nhắc đến hoạt động của một số vị Phật tử đã góp công to lớn vào việc truyền bá đạo pháp trong các công trình văn học của mình để cho đến nay, các thế hệ sau rất trân trọng tìm hiểu khi nghiên cứu về Phật pháp. Mọi người tham dự đã thảo luận sau mỗi phần phát biểu của các cư sĩ.

Trong suốt chương trình, ban hợp ca Hương Thiền của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát trong những cánh áo dài “nâu sồng” đã cống hiến nhiều bài ca về Phật Giáo giúp cho không khí buổi tưởng niệm thêm phần ý nghĩa.

Như Hòa Thượng Thích Minh Tuyên phát biểu là chư vị Phật tử này đã đem “đạo vào đời,” chúng ta đã thấy, đã được biết những công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật của dân tộc, các vị đã làm rõ được tinh thần Phật Giáo trong sinh hoạt của người dân Việt từ bao đời nay. Nếu như giới tăng lữ đã hoằng dương Phật pháp qua các hành động tu hành của mình thì chính các vị Phật tử tại gia, những cư sĩ này là những người đã “thông tục hóa” giáo lý cao siêu của Ðức Phật để mọi người dù ít học nhất cũng có thể “nôm na“được vài điều trong giáo lý cao siêu đó mà tu tâm dưỡng tính, sống trong cảnh hài hòa nhân ái với mọi người xung quanh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT