Friday, March 29, 2024

‘Ngậm Ngùi Tháng Tư’: Chết và sống, điều nào khó hơn?

Sổ Tay Phóng Viên

Ngọc Lan/Người Việt




WESTMINSTER (NV)  “Ui trời, chú ra sách như vầy đến khi nào con mới chạy theo nổi!” Tôi thốt lên một cách sửng sốt lẫn thán phục ngay khi đưa hai tay đón lấy quyển “Ngậm Ngùi Tháng Tư” từ tay tác giả – nhà văn Huy Phương, trao tặng.


Không sửng sốt sao được khi nhớ mới vừa đây thôi, tôi được ông chọn làm người giới thiệu quyển “Những Người Thua Trận”. Vậy mà, nhìn qua ngó lại, thêm một quyển tạp ghi nữa ngạo nghễ chào đời.


Không thán phục sao được, khi mà những người sống bằng chữ nghĩa quanh đây cứ thấy mình bị quẩn quanh, bế tắc trong việc đi tìm đề tài, thế mà “ông đầu bạc đẹp trai” này cứ lững thững viết hết bài tạp ghi này đến bài tạp ghi khác, rồi nhắm chừng đã đủ thì gom lại in thành một quyển sách cho những người hâm mộ có dịp đi mua để dành, làm phong phú thêm tủ sách gia đình.






 

 Tạp ghi “Ngậm Ngùi Tháng Tư” của nhà văn Huy Phương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


“Ai mà chịu đời cho nổi hả chú!” Tôi không thể dấu nổi sự “ganh tị” của mình trước sức viết của nhà văn đã đi qua hơn ba phần tư chặng đường của đời người 100 năm. Cùng nghiệp cầm bút (giờ thì gõ phím), người thì mày mò hoài cả đời viết lách cũng không ra nổi tập sách nào có in tên mình. Trong khi Huy Phương, từ năm 2002 đến nay, có đến những 10 đầu sách mang tên ông, nào là tạp ghi, nào là tập truyện và có cả tập thơ.


Nhưng điều quan trọng hơn hết là quyển nào cũng được người ta tìm đọc, tìm mua, có quyển phải tái bản nhiều lần, chứ không phải sách in ra để “lấy le” với đời. Thế mới đáng nể.




***



“Ngậm Ngùi Tháng Tư” là quyển tạp ghi thứ tám của nhà văn Huy Phương. Như ông nói, “Quyển này có nhiều bài viết liên quan đến những điều xảy ra ở quê nhà vì những chuyện này đánh động đến tình cảm của tôi.”


Sáu mươi mốt (61) bài tạp ghi được mở đầu bằng bài thơ “Bài Tháng Tư” trải dài trong quyển sách dày hơn 350 trang này là kết quả của “những đêm thức giấc không ngủ lại được” và của “những xúc cảm nhiều khi đến rơi nước mắt” của nhà văn đa mang với những buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc, trái ngang, vinh quang, thất bại của tình đời, tình người, đặc biệt từ nỗi niềm của người lính phải buông súng một cách tức tưởi trong một ngày Tháng Tư của gần 40 năm trước.


“Ngậm Ngùi Tháng Tư,” dĩ nhiên, như tên gọi của tập sách, người đọc sẽ bắt gặp ngay từ những trang đầu tiên sự chiêm nghiệm, trăn trở, u hoài của người không sao tìm được cho mình một lý do để quên đi, để vui hơn trong thời khắc này.


Lũ chúng ta, ván cờ dở cuộc


Tướng bỏ thành, phá tượng, buông xe


Ta thân tốt chân trời góc bể


Nỗi qua sông chẳng hẹn ngày về”



Tháng Tư về, lòng người lại ngậm ngùi, trầm mặc hơn với những câu hỏi mà loay hoay hoài suốt mấy mươi năm qua vẫn không tìm được câu trả lời sao cho thỏa đáng. Đó là “Sống phải chăng không dễ, vì sự sống còn mang nặng nghĩa vụ với những người đã chết,” hay “Chết và sống, điều gì khó hơn?” (Tháng Tư, Chết và Sống!), “Tháng Tư, Thắng và Thua!”


Tuy nhiên, sự hoài niệm về quá khứ không phải là nội dung chính của quyển tạp ghi này.


Như tác giả “thú nhận”: ông “không đi tìm đề tài mà đề tài tìm đến” với ông. Thế nên, dù là “Ngậm Ngùi Tháng Tư” nhưng người đọc thấy gần như đầy đủ trong đó những sự kiện, những câu chuyện thời sự nổi trội ở cả quê nhà lẫn quê người, cả bên này lẫn bên kia.


Từ chuyện những đứa trẻ bị bỏ rơi ngày nào trong trận chiến nay muốn tìm lại người cha người mẹ đã tạo nên cho họ hình hài trong “Cha ơi! Bây giờ cha ở đâu?”, chuyện những cô “bảo mẫu” ở Việt Nam hành hạ những đứa bé chỉ mới lên vài tuổi trong “Cái ác lộng hành”, chuyện một công ty du lịch tại Little Saigon từ chối làm những tour đi du lịch sang Trung Quốc để tỏ rõ lập trường chống Trung Quốc của mình trong “Một người làm thương mãi biết hổ thẹn”; đến những xúc cảm rất đời rất người trong “Câu chuyện ngày Giáng Sinh”, “Hãnh diện là người Việt Nam,” “Khi người tị nạn trả ơn,” “Lái xe và lái tài xế,” “Tặng sách-Sách tặng,” “Câu chuyện bói toán,” “Khéo dư nước mắt,” “Đức khiêm cung thời nay,” “Tôi vừa ở bệnh viện về”… Tất cả đều được Huy Phương suy tư và trải bày ra trang sách.


Vượt lên những câu chuyện đời thường, tạp ghi Huy Phương còn thể hiện những chiều sâu suy nghĩ của một người luôn ưu tư về quê hương, về thân phận, về những xung đột trong ý thức hệ của những người được xem là “đồng bào-đồng hương,” về thể diện, về nhân cách của người trót mang dòng máu Việt.


Người đọc có thể bắt gặp điều này khi đọc qua các bài như “Tháng Tư chống Cộng, Tháng Mười chống nhau,” “Giới trẻ và lớp già”, “Di sản một ‘anh hùng’”, ‘Tự ái dân tộc,” “Nhẫn và… nhục!”, “Văn hóa Táo Quân hay văn hóa báo cáo”, “Luật rừng,” “Đi và về,” “Nghệ thuật bỏ đói,” “Vương quốc lừa dối,” “Kiêu binh, thời nào cũng có,” “Ba bảy đường hèn,” “Chia rẽ là chết,” “Khổ nỗi danh xưng,”…




***



Trong khi nhà văn Trần Phong Vũ nhận xét, “Bằng lối văn tạp ghi, Huy Phương đã có những bài viết, những ghi nhận mà khi đọc lên, người ta thấy như mình đang là nhân vật chính trong truyện hay như tác giả đang viết về mình. Cái hay của Huy Phương là tác giả biết chọn đề tài, những đề tài phù hợp với thời thế, với tình cảm vui, buồn, nỗi trăn trở của từng người, từng gia đình và xa hơn là của cả cộng đồng”, thì nhà văn Huy Phương lại rất thong thả trong suy nghĩ “Nhiều bạn bè đã ra đi, bản thảo còn nằm trong computer, nên làm gì được thì cứ làm.”


Tác giả “Ngậm Ngùi Tháng Tư” muốn “Sẽ không còn Ra Mắt Sách nữa để đỡ gánh nặng cho bạn bè và ân nghĩa của những người đứng ra tổ chức. Độc giả nào muốn có trong tay quyển sách này cứ liên lạc với tác giả để có sách gửi tận nhà.”


Thế nhưng, biết đâu, sinh hoạt Ra Mắt Sách đã thành một nét văn hóa nơi đây, và nhiều người vẫn muốn có dịp được ngồi lại với nhau, nghe tác giả mà họ yêu thích nói dăm câu chuyện và hơn nữa, được nhìn “ông đầu bạc đẹp trai” ngồi cầm bút ghi tên chủ nhân vào quyển sách “Ngậm Ngùi Tháng Tư”, rồi ký vào hai chữ “Huy Phương”.







Liên lạc tác giả: ngoclan@ngươi-viet.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT