Thursday, March 28, 2024

‘Người Lính-Viết Văn’ Phan Nhật Nam ra mắt hai tác phẩm

 

‘Phận Người-Vận Nước’ và ‘Chuyện Dọc Ðường’


Huy Phương/Người Việt

Vào ngày Thứ Bảy 12 tháng 10, 2013, tại nhà hàng Paracel Seafood, 15585 Brookhurt St., Westminster, California, “Người Lính-Viết Văn” Phan Nhật Nam sẽ giới thiệu với độc giả hai tập sách của ông mới được nhà xuất bản Sống ấn hành, đó là: “Phận Người-Vận Nước” và “Chuyện Dọc Ðường.” Diễn giả của buổi RMS này sẽ là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và ký mục gia Bùi Bảo Trúc.

Trước tháng 4, 1975, Phan Nhật Nam đã có sáu tác phẩm ký sự về chiến tranh, trong gió có những tác phẩm nổi tiếng như “Mùa Hè Ðỏ Lửa,” “Tù Binh & Hòa Bình.” Chịu số phận của một người lính thất trận, Phan Nhật Nam bị tập trung 14 năm trong các trại tù ở miền Bắc. Ðến Mỹ vào cuối năm 1993, ông tiếp tục thực hiện nghiệp văn của ông như là một bổn phận của “người sống đối với những người đã chết” và tâm sự của người cầm bút theo ông là “bất bình tắc minh” (bất bình không chịu nổi phải kêu lên!).



Hình ảnh “Huynh Ðệ Chi Binh” cũng là bìa sách “Phận Người-Vận Nước” của Phan Nhật Nam. (Hình: Huy Phương cung cấp)

Khởi đi từ một người lính trong chiến tranh, trong mười bốn năm binh nghiệp, Phan Nhật Nam đã trải qua những đoạn đường binh lửa, chứng kiến cái chết của bạn bè, sự khốc liệt của chiến trận. Trong ngưng bắn vội vã, ông cũng đã mục kích sự gian trá của hòa bình, và sau cùng là những gì trao đổi lọc lừa, trên bàn hội nghị. Cuối cùng như những người lính tức tưởi phải buông súng, Phan Nhật Nam làm người tù phát vãng trong nhiều năm trên chính phần đất được gọi là quê hương của mình, và đã sống, nghe, thấy những oan khuất tan nát của phận mình trong vận nước.

Phan Nhật Nam không phải là người kể chuyện qua đường. Tác phẩm của nhà văn này cũng không phải là những mẩu chuyện hư cấu. Không phải là “truyện,” không phải là phóng sự chiến tranh, Phan Nhật Nam sống với trận chiến từng ngày, ông kê vai gánh nỗi nhọc nhằn của từng người lính, cười và khóc cùng số phận của “vận nước-phận người” như theo cách nói của ông. Khi người lính đi cùng với người dân, chia sẻ bom đạn, ly tán, chết chóc, là nhân chứng của một lịch sự có chiều dài và chiều sâu bi thảm, ông nghe và ghi lại những gì mắt thấy tai nghe, và cả những nỗi đau đớn quặn mình, thắt gan, nát ruột trên dọc đường chinh chiến, chạy loạn từ Mỹ Chánh đến Saigon, mà ông ghi lại trong “Chuyện Dọc Ðường.”

Từ một thư sinh đến một người lính. Người lính trong lực lượng “tổng trừ bị” đến một người lính “diện địa” nằm đường, giữ ấp. Từ người lính trận đến một người tù. Nhà văn Phan Nhật Nam đã được có cơ hội hơn chúng ta, đã nhìn tên lính “đối đầu” ngoài mặt trận, bên kia ghế ngồi trong trại Davis hay dưới hình ảnh những tên vệ binh coi tù. Vốn sống của một nhà văn như Phan Nhật Nam có thể nói là vô tận.

Và ở nhà văn này, luôn luôn có sự thôi thúc vô hình của những chiến trường xưa réo gọi, của những người ra đi không bao giờ trở lại, của những người chết trên quê hương chúng ta và cả những người sống nhởn nhơ, vô cảm ở đâu đó. Ðón là “bổn phận của người viết” – theo cách nói của Phan Nhật Nam.

Sau nhiều năm, đọc lại Phan Nhật Nam chúng ta không hề thất vọng! Lửa hình như chưa nguội trong trái tim người lính năm xưa. Hòa bình và yên nghỉ thường đe dọa làm tha hóa sức đấu tranh và làm tàn lụi ngọn lửa bừng bừng của một thời trai tráng, nhưng cho dù có nhiều ngộ nhận, cho dù có nhiều bất bình, tôi vững tin cây viết Phan Nhật Nam vẫn đứng vững trong lòng anh em đồng đội và tất cả những người đã yêu mến ông.

Im lặng không phải là điều dễ làm với những nhà văn còn có tấm lòng trăn trở với quê hương, nhưng viết cũng chưa là hẳn là điều dễ dàng. Phan Nhật Nam, cẩn trọng với từng dòng chữ trong hai cuốn sách của ông. Không có được tấm lòng yêu thương tha thiết đất nước Việt Nam, gian truân nhiều hơn là hưởng thụ, khổ đau dầy hơn hạnh phúc, mà gần như cả cuộc đời ông đã gắn bó, Phan Nhật Nam không thể trở thành một nhà văn được chúng ta yêu mến như hôm nay.

Phan Nhật Nam đang gửi đến người đọc hai cuốn sách mới xuất bản của ông, sau nhiều năm dài: “Phận Người-Vận Nước” và “Chuyện Dọc Ðường,” hai cuốn sách sẽ không làm chúng ta thất vọng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT