Friday, March 29, 2024

‘Người lính viết văn’ Phan Nhật Nam ra mắt sách


Linh Nguyễn/Người Việt


WESTMINSTER (NV)
Buổi ra mắt sách lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy của “Người lính viết văn” Phan Nhật Nam, do Tuần Báo Sống và nhà xuất bản Sống tổ chức, thành công “ngoài mong đợi.”

 

Nhà văn Phan Nhật Nam chuẩn bị ký sách lưu niệm tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

 

Hai tác phẩm mới mang tên “Phận người vận nước” và “Chuyện dọc đường” được độc giả xếp hàng mua ủng hộ và đợi chữ ký lưu niệm của tác giả từ trước giờ khai mạc.

Sau phần nghi lễ chào quốc kỳ Mỹ-Việt và phút mặc niệm, với 4 cựu quân nhân mặc quân phục trắng Hải Quân do ông Ngô Văn Quy điều khiển, hai MC Minh Phượng của Radio Bolsa và ông Nguyễn Văn Khanh, giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do, đến từ Washington DC, mở đầu buổi lễ.

Sân khấu được trang trí với phông là một bức tranh lớn, vẽ cảnh cắm cờ trên cổ thành Quảng Trị của chiến sĩ VNCH sau Tết Mậu Thân 1968. Phía trước bậc thang lên sân khấu là tấm vải dù xanh rằn ri, thùng đạn, nón sắt và súng M16 được trang trí ngoạn mục, đầy màu sắc lính.

“Minh Phượng nhìn những hình ảnh thân thương này gợi nhớ đến hai người anh là lính ngày xưa. Một người tử trận và một người ở tù cộng sản 12 năm, sau này được sang Mỹ đoàn tụ. Tâm tình của một người em út, một người mẹ và một người vợ lính lúc nào cũng không rời tâm trí của mình,” MC Minh Phượng chia sẻ khiến không khí chùng xuống khi người tham dự như bày tỏ sự đồng lòng, thương cảm.

Chị giới thiệu MC Nguyễn Văn Khanh, một giọng nói quen thuộc trong phần tin tức của đài Radio Bolsa.

“Tôi là người may mắn được đọc bản thảo của ‘chú Nam’ vì ông và bố tôi cùng phục vụ trong Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Khi ấy tôi còn là một cậu học sinh trung học. Tôi biết ‘Người lính viết văn’ Phan Nhật Nam từ đó!” MC Nguyễn Văn Khanh nói.

Chương trình gồm phần giới thiệu cô Khánh Hòa, chủ nhiệm tuần báo Sống và công bố phát hành hai tác phẩm mới của nhà văn Phan Nhật Nam.

“Sống Magazine ra mắt số đầu tiên vào ngày 19 Tháng Sáu, 2011 để khai trương như một sự chiến đấu mới, nối gót cha anh, trong một vùng đất mới,” cô Khánh Hòa phát biểu.

“Tháng Giêng 2013, chúng tôi thành lập nhà xuất bản Sống vì say mê và nặng lòng với nghiệp báo chí, duy trì những tác phẩm giá trị trước 1975 và ở hải ngoại. Hôm nay chúng tôi rất vui mừng ra mắt hai tác phẩm của ‘người lính viết văn’ Phan Nhật Nam,” cô nói thêm.

“Cám ơn nhà văn Phan Nhật Nam hy sinh cả thời gian khi tuổi đã xế chiều để viết nên hai tác phẩm này,” cô nói.

(Từ trái) Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, đại diện Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa, nhận chi phiếu $1,000 do cô Khánh Hoàng (giữa), giám đốc điều hành Sống Magazine trao, bên cạnh là nhà văn Phan Nhật Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Nhà văn Phan Nhật Nam trong dịp này bày tỏ cảm tưởng.

“Mình 70 tuổi rồi, dù không viết được bao lâu nhưng vẫn phải viết. Tôi không ngờ hôm nay lại đông như thế,” nhà văn Phan Nhật Nam nói.

Ông kể những mốc thời gian đáng nhớ trong đời của mình.

“Ngày 20 Tháng Tám, 1964 là năm 21 tuổi, lần đầu tôi nhảy từ trực thăng xuống Bình Đại để lấy xác đồng đội. Tôi thấy cả xác những đứa trẻ 15, 16 tuổi. Việt cộng đây ư?”

“Tôi vẫn nhớ đến ngày hôm nay, hình ảnh cô Lai. Cô đưa tôi gói vàng. Tôi lắc đầu nói tiếng Trung pha giọng Bắc, sợ cô không hiểu. Cô bỗng dưng cởi áo ra. Tôi nói tôi không phải loại lính như thế! Rồi xuống hầm, tôi thấy hai ông bà già, chắp tay vái, sợ hãi!” ông kể và hình như nghẹn ngào.

“Rồi hình ảnh trên đường Trần Quang Khải sau 75, chúng tôi bị ném đá, chửi là ăn tiền của Mỹ, Ngụy!” giọng ông trở nên chua chát.

Ông kể rằng ngày 29 Tháng Ba, ông chứng kiến trên đường chạy từ Huế vào Đà Nẵng, người đàn bà bồng xác con, ngón chân bầm tím, chết từ khi nào. Cảnh người cha kéo xác con để trong bao trên sàn tàu Victoria.

Ngày 14 Tháng Chín, 1972 có 10 ngàn người trên 1 cây số, gồm 6 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến và 6 tiểu đoàn Nhảy Dù trong chiến dịch Lưu Phong, chỉ từ ngày 27 Tháng Bảy đến 14 Tháng Chín, 1972.

“Kết quả Đại Úy Thạch treo cờ trên cổ thành Quảng Trị!” ông sung sướng nở nụ cười, mắt nhìn tấm tranh phía sau lưng trong khi tiếng vỗ tay vang lên.

Ông cũng nhắc đến người binh nhì, biệt kích không có số quân, trong tù, hàng ngày anh hát bài “Bảo vệ làng thôn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và sau đó cất tiếng hát “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi!”

“Chúng tôi là một thế hệ thất bại nhưng không thất vọng! Thế hệ trẻ sẽ tiếp nối,” ông chào tay kiểu lính và cám ơn mọi người.

Nhà văn Phan Nhật Nam (trái) nhận bảng vinh danh do cựu Nghị Viên Tony Lâm, đại diện Giám Sát Viên Janet Nguyễn, trao tại buổi lễ ra mắt sách. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trước đó, sau phần nghi lễ, MC Nguyễn Văn Khanh giới thiệu hai diễn giả mà anh xin gọi bằng “Anh”. Đó là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa và nhà văn, ký mục gia, Bùi Bảo Trúc.

“Tôi phải gọi hai vị này là ‘Thầy’ mới đúng vì sau những năm làm việc chung, đến nay tôi vẫn chưa làm được hết những gì tôi học được từ hai anh,” ông Khanh nói.

Diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa hài hước khi nói: “Quý vị không biết có phải là ‘may mắn’ hay không khi nghe hai ông Bắc Kỳ nói về một ông Trung Kỳ (Phan Nhật Nam). Mà lại nói về cái tôi, lại nói lạc đề và lại nói ‘không bãi đáp’!”

Ông Nghĩa nói “cái tôi đáng ghét” không phải là “cái tôi của tôi” vì tôi nghĩ “cái tôi của tôi” không hề đáng ghét. Ông kể một kỷ niệm buồn khiến ông ân hận đã xé mất trang sách có chữ ký đề tặng của nhà văn Phan Nhật Nam trong một cuộc “kiểm kê văn hóa”. Ông ân hận dù khi nhận sách, ông vẫn không biết gì về tác giả. Ông liên tưởng đến một nhân vật người Do Thái trong cuốn sách “The Odessa File” của Frederick Forsyth xuất bản năm 1972. Nhân vật này được dựng thành phim năm 1974 nói lên nỗi ân hận khi biết hai giây đồng hồ trước, người đàn bà bị đẩy vào hỏa lò, lại chính là người vợ của ông.

Cũng vì thế mà ông nhận lời nhà văn Phan Nhật Nam để nói chuyện trong buổi ra mắt sách.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu hai tác phẩm mới của Phan Nhật Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Sau 14 năm, Phan Nhật Nam đi lính nhưng lại cầm bút viết như người điên và thấy chúng ta là người bất bình thường!” ông Nghĩa nói.

Nói về tác phẩm “Phận người vận nước” ông tự hỏi “Tại sao những tác giả Việt Nam trẻ viết truyện “Mùi đu đủ xanh” lại không đóng thành phim? Trận Mậu Thân, bối cảnh sau 30 Tháng Tư, 1975; cái chết của ba vị tướng VNCH là điển hình của những anh hùng không được viết ra cho thế hệ sau học. Tương tự như chúng ta đã nằm lòng những gương anh hùng, như Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Võ Tánh, v.v…

“Những nét chấm phá, hồi ức, kết thúc với bài phỏng vấn cho thấy cả một khung cảnh đau thương của đất nước. Chúng ta không chào mừng một tác phẩm. Người chào mừng phải là Phan Nhật Nam. Mong con em chúng ta biết được sự thật. Không chỉ để vỗ tay mà chính lá phải phổ biến cuốn sách, để chúng hiểu được trong cuộc chiến, ai thắng ai. Kẻ chiến bại luôn có nhiều lý do để cắt nghĩa. Kẻ chiến thắng lại mau quên,” nhà kinh tế gia nói thêm.

Diễn giả thứ hai là nhà văn Bùi Bảo Trúc.

Ông nói bài nói chuyện của ông cũng sẽ nói về cái tôi, cũng lạc đề và ‘nói không bãi đáp’.

Ông kể chuyện về một người đàn ông ra trường Trung Học Phan Chu Trinh năm 1961. Gia nhập khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Người đàn ông này không biết thắt cà vạt!

“Tại sao một chuyện thắt cà vạt mà không biết!” ông tỏ vẻ ngạc nhiên.

Nhà ký mục gia sau đó tiết lộ người đàn ông ấy là Phan Nhật Nam. Mười bốn năm lính chiến thì hết mặc áo trận, áo của binh phục Nhảy Dù, lại đến màu áo Biệt Động Quân. Sau đó ở tù cộng sản.

“Trong trại giam, cổ đeo gông, tay đeo còng, chân mang cùm. Quản chế ở Lái Thiêu. Thế thì thời giờ đâu mà nghĩ đến thắt cái ca vát nút Windsor hay Diplomat như tôi. Thât là vô lý, vô bổ, vô tích sụ, vô cùng! Khi tôi giúp Phan Nhật Nam thắt cà vạt, tôi đã xin lỗi Phan Nhật Nam,” nhà văn Bùi Bảo Trúc nói.

Những năm gông trên cổ, cùm dưới chân, Phan Nhật Nam đã “sống” như thế, hay như một câu hát “ta đi qua nửa đời không có một ngày vui” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phan Nhật Nam sống gần hết cả cuộc đời “quá khổ”, nghĩa là đã làm những việc mà người khác không làm được, nhào nặn thành con người Phan Nhật Nam hôm nay.

“Phan Nhật Nam viết với cái nhìn của một người lính, nhưng chính xác hơn, chân thật hơn. Cái nhìn của một nhà văn khốn khổ. Sách của ông vẽ ra một không gian. Truyện về một người đàn bà ‘Trại 5 Lam Sơn’. Những phụ nữ trong tác phẩm của ông mang đầy thương tích của chiến tranh, nhưng qua 20 tác phẩm, hình nhu78 Phan Nhật Nam vẫn viết chưa hết được.

“Chuyện dọc đường” là chuyện nên đọc, theo nhà văn Bùi Bảo Trúc.

Ông Bùi Bảo Trúc trong phần nói chuyện về nhà văn Phan Nhật Nam và tác phẩm.(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau phần trình bày của hai diễn giả, cô Trang Đài Trần Nguyễn, trình bày cái nhìn của một người trẻ.

Cô cho biết những nhận xét của cô về nhà văn Phan Nhật Nam là khách quan vì cô chưa hề gặp nhà văn này ở tòa soạn tuần báo Sống. Cô cho rằng nhà văn phan Nhật Nam là “gàn dở”.

“Tại sao lại cứ khăng khăng nói mình là lính. Ai cũng biết điều đó. Mà lính viết văn thì đã sao? Có luật nào cấm lính viết văn đâu. Ông nói ‘người lính viết văn’ để được ăn khách. Rằng ông là người lính trung thành,” Cô Trang Đài nói.
 
“Ông còn là người ‘cố chấp’. Cứ viết nên những gì mà người khác muốn quên. Ông cũng là người ‘lẩm cẩm’ đóng vai một thứ nam, đi tìm những cái chết của đồng đội,” cô nói.

“Tuy nhiên tôi tin tưởng dù khoảng cách thời gian, lịch sử, kinh nghiệm, bom đạn, gàn dở, cố chấp, lẩm cẩm, ông sẽ tiếp tục nói lên cho các thế hệ tương lai. Nhìn lại chính tôi, suốt 20 năm qua tôi cũng là người ‘gàn dở’ khi khởi xướng dự án Vietnamese American Project để dệt nên bức tranh của người di dân,” cô Trang Đài kết luận.

Ký giả Lý Kiến Trúc nói: “Buổi ra mắt sách hay và dễ thương!”

Trước đó, cô Khánh Hoà, giám đốc điều hành nhà xuất bản Sống kiêm chủ nhiệm Sống Magazine, trao tặng chi phiếu $1,000 cho cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, đại diện Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa. Cựu Nghị Viên Tony Lâm, đại diện Giám Sát Viên Janet Nguyễn, trao bằng tưởng lục cho nhà văn Phan Nhật Nam tại buổi ra mắt sách.

Quý độc giả muốn mua sách, xin liên lạc 714-856-4635 hoặc email [email protected].

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT