Thursday, March 28, 2024

Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Tường Quý khai mạc triển lãm tranh


Nguyên Huy/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) – Sáng hôm Chủ Nhật, 8 Tháng Giêng, hai họa sĩ Nguyễn Tường Quý và Nguyễn Văn Trung đã khai mạc phòng triển lãm tranh của mình tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.










Họa sĩ Nguyễn Tường Quý trình bày những nét tỉ mỉ trong tranh của mình với khách thưởng ngoạn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Tám mươi tác phẩm nghệ thuật của hai họa sĩ được treo kín các bức tường của phòng triển lãm. Hai mươi hai bức của Nguyễn Tường Quý và 68 bức của Nguyễn Văn Trung.


Chỉ nội trong buổi sáng ngày khai mạc, có hàng trăm khách đến thưởng ngoạn tranh. Trong số khách có khá nhiều là thân hữu, bạn đồng học Chu Văn An, bạn đồng ngành của hai họa sĩ.


Trước một bức tranh vẽ cảnh một ngôi chùa cheo leo trên sườn núi, dưới một thác nước nhỏ đổ xuống dòng nước trắng muốt, ông Vũ Trấn, từng làm việc trong các phòng hội họa của H. Barbera Warler Br. và Disney, giải thích cho các bạn: “Ðây này, các anh có nhận thấy các chấm trắng trải đầy trên các bức họa của Nguyễn Tường Quý không. Cả một sự tỉ mỉ, cân nhắc rất cân đối và khéo tay vô cùng. Nó là những điểm xuyết cho bất cứ một cảnh vật nào trong con mắt họa sĩ. Cứ tưởng tượng nếu không có những chấm điểm xuyết này, một bó hoa mà họa sĩ đưa lên khung vẽ sẽ mất đi cái vẻ thực, cái vẻ sinh động của nó.”


Nhiều khách thưởng ngoạn đều có một nhận định chung là xem tranh Nguyễn Tường Quý làm thoáng nhớ đến những bức thủy mạc của các họa sĩ Trung Hoa. Nhưng “thủy mạc” của Nguyễn Tường Quý lại hiện thực hơn. Trong cái khoảng khoát của trời đất, không gian nền của cảnh vật, sự vật hiện ra cân đối trong những kích thước tỉ lệ như được đo đạc mà không phóng bút vẽ theo cảm nhận của người nghệ sĩ.


Ðiều này được họa sĩ xác nhận: “Không thể không bị ảnh hưởng ít nhiều về kiến trúc, ngành nghệ thuật mà tôi được học và làm việc nhiều năm trước khi vào hội họa.”


Khách xem tranh phần nhiều đứng rất lâu trước bức Chùa Một Cột (số 14), bức Ðức Phật ngồi dưới gốc Bồ Ðề (số 12) và bức “thủy mạc” (số 4). Những bức tranh này hình như đã cho người xem tranh cảm giác yên tĩnh mà có người cho rằng “nét thiền trong tranh của Nguyễn Tường Quý”.


Ðiều này cũng được tác giả xác nhận: “Cầm bút vẽ miệt mài trên khung là một cách thiền đối với tôi.”


Với những khách xem tranh yêu thích tĩnh vật có thể tìm thấy được nhiều cảm xúc khi xem tranh Nguyễn Tường Quý. Có đến 17 bức trong số 22 bức ông vẽ về hoa, lan và sen. Ðiều rất đáng ghi nhận là trong 17 bức tranh vẽ về hoa của Nguyễn Tường Quý, 10 bức đã được bán trong ngày triển lãm.


Ðối diện với tranh của Nguyễn Tường Quý là 68 bức họa lớn nhỏ của họa sĩ Nguyễn Văn Trung. Cảm nhận đầu tiên trong tranh Nguyễn Văn Trung là những “mảng sẫm” khiến cho người xem chợt có cảm giác có một u uẩn nào đó trong tranh. Ðưa ra câu hỏi này với họa sĩ thì Nguyễn Văn Trung cười cho biết: “Tôi không có u uẩn nào được gửi gấm trong tranh cả. Nhưng chiếu trong những cái tối ra, có những điều đáng lưu ý.”


Sáu mươi tám họa phẩm của Nguyễn Văn Trung thuộc nhiều thể loại từ sơn mài trên giấy, sơn mài trên vải, sơn mài trên gỗ cho đến sơn dầu, Arcrylic. Ðề tài trên tranh Nguyễn Văn Trung khá đa dạng, từ cảnh đến người cho đến những “ấn tượng” trong hơn một chục bức “Bố Cục”.


Người xem tranh chợt có suy nghĩ phải chăng tác giả đang muốn “bố cục hóa cảnh đời, sự vật” cho cuộc sống nhân thế được an vui hơn, ít bất trắc hơn. Nhưng qua những “bố cục,” người xem tranh cũng nhận được rằng khó mà bố cục sắp xếp lại được cuộc sống muôn hình vạn trạng đang diễn ra chung quanh mình từng giây từng phút. Khi xem tranh Nguyễn Văn Trung không thể để tâm trí chỉ cảm nhận suông mà không có những tìm tòi những ẩn dấu sau nghệ thuật sử dụng mầu sắc và hình thể của người nghệ sĩ.


Nhưng nói về cảnh và người trong tranh Nguyễn Văn Trung thì người xem cũng bắt gặp được nghệ thuật thể hiện rõ nét được cái đẹp của ông qua bức “Hoa Xuân,” “Tuổi Xuân” (tranh sơn dầu) và “Hoa” (mầu nước).










Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Trung tại buổi triển lãm. (Hình: Trẻ Magazine)


Nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam được Nguyễn Văn Trung ghi nhận là sự phúc hậu được thể hiện thật sắc nét trên khuôn mặt của các nhân vật nữ này. Lại vẳng nghe được tiếng thơ Nguyễn Du “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.”


Xem tranh Nguyễn Văn Trung cũng làm cho khách thưởng ngoạn nhớ đến những họa sĩ lừng danh trong làng hội họa Việt Nam thời tiến chiến.


Quả là một cuộc triển lãm mà khách yêu tranh bỏ qua thì rất uổng. Phòng triển lãm còn mở cửa cho đến Thứ Sáu tuần này, từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều.


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT